Chớ nên nhắc đến "người cũ"

Thứ Sáu, 02/11/2018, 09:27 [GMT+7]
In bài này
.

Nghĩ lại hành động ga lăng vừa rồi, chàng vẫn còn cảm giác tự hào vì đã đem lại niềm vui cho vợ. Không vui sao được, bởi nhân sinh nhật, khác mọi lần là cả nhà kéo nhau ra quán làm “một trận” linh đình, lần này, chàng còn tặng thêm nàng cái váy. Hành động hào phóng ấy, tất nhiên chàng được nàng khen ngợi mấy ngày.

Minh họa của MINH SƠN.
Minh họa của MINH SƠN.

Chiều nay, khi đi làm về, chàng âu yếm gọi tên nàng oang oang từ đầu ngõ nhưng tịnh không có câu trả lời. Dù đang ngồi sờ sờ ra đấy, nàng cũng không buồn mở miệng thưa, chào tíu tít như thường lệ. Vì sao nàng lại “trở chứng”? Khó hiểu quá đi mất. Chàng gặng hỏi. Sau một hồi, nàng mới thốt ra rằng: “Đi gặp “người cũ” của anh mà hỏi. Đừng có làm bộ làm tịch nữa”.

Nghe như sét đánh ngang tai. Lại ghen à? Lâu nay, chàng đã “đoạn tuyệt” với vợ cũ, không còn gặp gỡ, thăm hỏi, liên lạc gì nữa. Vậy lấy cớ gì mà nàng ghen? Trong lúc chàng đang nhăn mày nhíu trán suy nghĩ, cô vợ mới nhỏ nhẹ: “Vừa rồi, trong cuộc họp khi phê bình về bộ phim Tình sầu như nắng, anh đã phát biểu câu gì?”.

À, thì ra thế. Lúc mọi người chê bộ phim ấy, với tư cách người chủ trì cuộc họp, anh có nói: “Đừng nói vậy. Cô vợ cũ của tôi khen nức nở bộ phim này. Không phải nịnh đâu, chứ cô ấy đã nhận định về phim ảnh thì chỉ có chuẩn không cần chỉnh”. Dù không nói rõ họ tên nhưng các cộng sự đều biết cô ấy là nhà báo chuyên viết về điện ảnh, có uy tín, được công chúng tin cậy.

Nhiều người trong các cuộc họp hành tại công sở, cơ quan thỉnh thoảng “lôi” người cũ vào cuộc nhằm tăng thêm sức nặng của câu phát ngôn. Và họ nghĩ rằng, nhờ vậy, lý lẽ của mình thuyết phục hơn vì “đường đường chính chính”, người ấy có chuyên môn, có chức vị chẳng hạn. Hơn nữa cách nói ấy còn nhằm “làm sang” cho mình, vì ít ra mình cũng từng là chồng/vợ của người danh giá ấy.

Nói như vậy bởi tôi biết, có trường hợp lạ lùng ở xí nghiệp của tôi như sau: Mỗi khi phát biểu câu gì có tính cách quyết định, “chốt hạ” vấn đề, bao giờ cô X. tổ trưởng cũng bắt đầu bằng câu: “Anh Hưng nhà tôi trước kia hay nói rằng, vấn đề này thì phải như thế này, thế này… Đố mà cãi. Anh ấy từng là kỹ sư tu nghiệp ở nước ngoài đấy”. Ơ hay, chồng của cô X. là anh Tiến cơ mà. Nhiều người hỏi khẽ ngạc nhiên, sau mới vỡ lẽ ra đó là người chồng trước. Mà dù có “trước” hay “sau” cũng chẳng quan trọng gì, bởi lẽ công việc đang bàn là chuyện nội bộ, tự dưng một ai đó lại được nhắc đến, được “ngang xương” làm trọng tài khiến cộng sự khó chịu ra mặt.

Tâm lý con người ta, kể ra cũng lạ. Đã chia tay nhau, không còn dính líu gì nhau nữa, nhưng rồi “người cũ” ấy vẫn thường xuyên xuất hiện trong các cuộc họp hành, trò chuyện. Khổ nỗi, nếu câu nói ấy vọng đến tai “người mới” thì lại “sinh chuyện”. Với câu phát ngôn về bộ phim vừa nêu trên, chẳng rõ có thuyết phục các đồng nghiệp hay không, nhưng lúc về nhà, anh bạn tôi phải đối mặt với cuộc “chiến tranh lạnh” không kém phần gay cấn. Giữa chàng và nàng lại có một cuộc đấu khẩu quyết liệt. “Hễ mở miệng ra là “vợ cũ, vợ cũ”, nghe sướng tai quá nhỉ? Sao không khăn gói theo người ta luôn đi anh?”, cô vợ mới nhăn nhó, chì chiết. Phải trả lời như thế nào để nàng nguôi giận?

Trước kia, vì nhiều lý do nên Thủy chia tay Đức. Họ đều làm lại “tập 2” với người khác. Chuyện này “bình thường như cân đường, hộp sữa”? Tưởng rằng thế là xong, nhưng rồi lại có chuyện. Vào một đêm khuya, Thủy đang nằm tâm sự với “người mới” bỗng có cuộc điện thoại gọi đến. “Ai lại gọi vào giờ này, đúng là kẻ mất lịch sự”, Thủy lầm bầm nhưng cũng nghe máy. Một giọng nói ồn ào, giận dữ: “Phải biết điều với nhau chứ. Chồng tôi tội tình gì mà hễ nói chuyện với ai, cô cũng lôi anh ấy vào? Mượn oai của ảnh à? Sao hồi đó không giữ luôn đi? Bây giờ tiếc lắm à?”.

Không đợi Thủy phân trần, phía đầu dây bên kia cúp máy cái rụp, gọi lại chỉ nghe “ò í e”. Sở dĩ xảy ra chuyện này, cũng chỉ vì dạo này chồng cũ của Thủy “lên” quá. Anh ta đã là trưởng phòng quản lý đô thị chứ không còn là nhân viên quèn như trước. Nhiều bạn bè, người thân khi gặp chuyện khó trong cấp phép xây dựng thường nhờ cậy vì họ biết Thủy có mối quan hệ từ trước. Thay vì từ chối vì đã “đường ai nấy đi”, Thủy lại bảo: “Ối dào, hết tình vẫn còn nghĩa, để tớ điện thoại cho anh Đức một câu là xong”. Rồi khi bàn công việc chung trong cơ quan, gặp chuyện gì khó khăn, cô cũng nói chắc như đinh đóng cột: “Ông chồng cũ của tớ có mối quan hệ lớn, để tớ nói với ảnh một câu. Các bạn yên tâm đi”. Đúng vậy, ai nấy cũng yên tâm vì biết vai trò của Đức không phải xoàng.

Với những câu nói tương tự ấy, liệu có nên thốt ra hay không? Chỉ là sự cân nhắc, lựa chọn của mỗi người. Tuy nhiên, với những trường hợp nêu trên, ắt ta đã có thể có câu trả lời cho riêng mình.

LÊ MINH QUỐC

;
.