Dạy trẻ khuyết tật để các em có thể tự bảo vệ bản thân mình, tự hòa nhập vào cuộc sống vốn dĩ dành cho các em, là nỗi lo lắng của mỗi gia đình có con khuyết tật. Trường MN Minh Đăng, ngôi trường tư thục dành cho trẻ bình thường - đã gánh bớt nỗi đau ấy, bằng một phương pháp giáo dục trẻ khuyết tật mới nhất hiện nay.
YÊU THƯƠNG LÀ LẼ SỐNG
Trường MN Minh Đăng là một trong số ít trường MN dành cho trẻ bình thường trên địa bàn tỉnh tổ chức thêm lớp học dành cho trẻ khuyết tật (lớp VIP - các GV trân trọng đặt tên lớp dành cho trẻ khuyết tật tại đây như vậy) bắt đầu từ cuối năm học 2016 -2017 và xây dựng mô hình dạy trẻ khuyết tật hòa nhập với các lớp dạy trẻ bình thường. Để tổ chức lớp, nhà trường phải đầu tư nhiều hơn so với lớp cho trẻ bình thường. Đó cũng là bài toán cần phải cân nhắc của một trường tư thục. Ngoài phòng học rộng rãi, trường có những phòng chuyên biệt để các cô dạy theo hình thức một đối một. Đồng thời, nhà trường còn xây dựng thêm một khu sân chơi rộng 200m2 dành cho hoạt động vận động trị liệu.
Cô Bùi Thị Thu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi hướng đến yếu tố nhân văn khi quyết định đầu tư các lớp học dành cho các trẻ khuyết tật. Là một nhà sư phạm kiêm bác sĩ, tôi mong muốn được chia sẻ bớt phần nào nỗi lo của xã hội đối với các con, những đứa trẻ đáng ra phải được sống vui tươi trong thế giới mà các con đã được sinh ra”.
Hiện tại lớp VIP có 9 cháu đang theo học bán trú với 3 GV quản lý là cô Phạm Thị Huyền, chuyên viên giáo dục trị liệu-người từng làm việc nhiều năm tại đơn vị Âm ngữ trị liệu của khoa Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi Đồng 1; cô Nguyễn Thị Trang, cử nhân giáo dục đặc biệt và cô Phạm Thị Việt Hòa, cử nhân giáo dục MN. Ngoài ra, còn một số cháu học hòa nhập theo hình thức học tại các lớp dạy trẻ bình thường và học thêm can thiệp theo giờ mỗi ngày.
Phòng chơi cũng là phòng tập vật lý trị liệu của trẻ.
|
Tuy lớp ít trẻ nhưng các cô lại vất vả hơn rất nhiều so với lớp thường. Bởi mỗi em, mỗi bệnh, lại cần sự “ra sức” khác nhau. Với bé D. bệnh tăng động, thì việc làm của các cô là chơi cùng với con và chơi như con. Các cô cùng trượt cầu trượt, cùng chạy nhảy nô đùa leo trèo ném bóng… Với bé N. bị bệnh về vận động, các cô phải tốn sức cùng con leo cầu thang mỗi ngày chục lượt. Các bé khác bị bệnh về cơ cũng cần các cô phải tốn sức dìu đỡ từng bước chân, từng động tác nhỏ.
Ở lớp VIP này, mỗi một động tác, mỗi một muỗng cơm cũng là một bài học đòi hỏi cô trò đều phải kiên trì. Áp lực dành cho các cô không chỉ là mồ hôi, có khi còn là máu và nước mắt. Thỉnh thoảng gặp các cô vào cuối một ngày học, một cô cười cười và nói “hôm nay có hỗn chiến”, rồi chìa tay cho xem vài nốt cắn sâu còn mới, vài vết cào. Lý do giải thích của các cô chỉ đơn giản như vậy về trường hợp một số bé nổi ý không hợp tác. Những việc các cô đương nhiên chấp nhận đối mặt hằng ngày như trên thì chẳng phải ai cũng có thể làm được.
PHƯƠNG PHÁP HÒA NHẬP TỰ NHIÊN
Khi về làm việc tại Trường MN Minh Đăng, cô Phạm Thị Huyền đã thực hiện phương pháp giáo dục “thuận theo tự nhiên” đối với trẻ khuyết tật, đặc biệt là các trẻ bị bệnh về tâm lý. Đây là một phương pháp hoàn toàn mới và hiện đại được các nước trên thế giới đang thực hiện. Phương pháp này đi ngược với phương pháp dạy truyền thống vốn phổ biến ở Việt Nam của giáo viên, bác sĩ tâm lý.
Cụ thể, phương pháp cơ bản dạy các trẻ bị bệnh tăng động kém tập trung hiện nay là kiềm chế hoạt động của các con, dạy bắt buộc các con từng động tác, cử chỉ từ cơ bản nhất đến khi nào thực hiện được việc này mới chuyển sang việc khác. Còn phương pháp dạy của cô Huyền lại hoàn toàn ngược lại: Cô cùng các con vận động tối đa để “giải nhiệt” kết hợp với mát xa và các trò chơi để thực hiện hoạt động vật lý trị liệu. Với trẻ bị bệnh tự kỷ, rối loạn chức năng khác, cô nương theo sở thích của các con để phát triển những mặt các con giỏi, từ đó kích thích những phần công việc các con chưa làm được.
Cô Huyền giải thích đơn giản: “Các con như một cây non, vô tình nhánh lại phát triển tốt hơn ngọn chính. Các con cần được can thiệp sớm, nếu không thể hòa nhập trong lứa tuổi MN thì các con gần như không còn cơ hội nào khác. Bên cạnh đó, việc can thiệp phải đúng cách. Chúng ta cũng biết nhiều trẻ tự kỷ rất thông minh và có khả năng nổi trội trong một lĩnh vực nào đó. Dạy theo phương pháp kiềm chế chính là làm mất đi năng lực của chính các con, làm các con đánh mất sự tự tin vào bản thân. Môi trường hòa nhập là cơ hội tuyệt vời cho trẻ đặc biệt. Các con cần được nhìn thấy, nghe thấy những sinh hoạt và cư xử của trẻ bình thường, từ đó trẻ mới dần điều chỉnh hành vi và cư xử của mình phù hợp với môi trường. Đó là điều tuyệt vời nhất và cũng là cánh cửa ngắn nhất và duy nhất giúp các con có thể hòa vào cuộc sống xã hội”.
Với lòng tin, tình yêu thương và phương pháp phù hợp, nhiều trẻ tại lớp VIP Minh Đăng đã có những tiến bộ rõ rệt. Mẹ của bạn P. (5 tuổi) nghẹn ngào tâm sự: “Khi P. chưa vào Minh Đăng, mọi người nói với tôi đừng trông đợi gì vào P. cả, hỏng hẳn rồi. Vậy nhưng mới 3 tháng ở Minh Đăng, từ một đứa trẻ không biết giới hạn, lăng xăng không tập trung, thường hay đánh bạn vô cớ, xé sách, tập vở, không biết thể hiện mong muốn, hay la hét…, nay P. đã biết nghe - hiểu lời, chơi và học tập cùng các bạn. ngôn ngữ cải thiện rõ rệt, không còn những hành vi chống đối. Đặc biệt là đã giảm hẳn tăng động, có thể ngủ trưa như các bạn - việc mà trước đây con chưa từng làm được. Tôi ước gì đưa con vào đây sớm hơn”.
Cho đi tình yêu thương và nhận lại niềm hạnh phúc – đó là thông điệp hàng ngày của các GV và các trẻ khuyết tật tại Trường MN Minh Đăng.
Bà Hà Thị Thanh Thuận, Trưởng phòng Giáo dục MN, Sở GD-ĐT cho biết, Trường MN Minh Đăng là ngôi trường có chuyên môn tốt, được đầu tư về cơ sở vật chất. Đây là trường tư thục thứ hai tại TP. Vũng Tàu đón nhận trẻ khuyết tật, đặc biệt là các em mắc bệnh tâm lý, góp phần san sẻ gánh nặng với gia đình và xã hội. Tại đây, trẻ khuyết tật được phân loại và những GV có trình độ, kinh nghiệm đưa ra phương pháp và chương trình riêng cho từng em. Bên cạnh đó, các em còn được tạo điều kiện học hòa nhập với những trẻ bình thường để sớm “tìm lại” được bản thân mình.
|
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG