BÌNH ĐẲNG GIỚI

Khó khăn về tạo việc làm ổn định cho lao động nữ nông thôn

Thứ Hai, 12/11/2018, 07:21 [GMT+7]
In bài này
.

Dạy nghề, tạo việc làm không chỉ giúp lao động nữ nông thôn ổn định cuộc sống mà còn khẳng định vai trò, vị thế của họ trong gia đình, xã hội. Tuy công tác đào tạo nghề, hướng nghiệp cho lao động nữ được triển khai thường xuyên nhưng hiện nay giải quyết việc làm bền vững cho lao động nữ còn nhiều khó khăn, bất cập. Đây là rào cản lớn khiến cuộc sống lao động nữ nông thôn bấp bênh. 

Chị Trương Thị Ngọc Thọ (thứ 2 bên phải, tổ 31, ấp Thạch Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) trao đổi về nghề may gia công  với cán bộ Phòng LĐTBXH huyện Châu Đức.
Chị Trương Thị Ngọc Thọ (thứ 2 bên phải, tổ 31, ấp Thạch Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) trao đổi về nghề may gia công với cán bộ Phòng LĐTBXH huyện Châu Đức.

Năm 2016, sau khi kết thúc 3 tháng học nghề may công nghiệp, chị Phạm Thị Nghệ (thôn Tân Hòa, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) nhận hàng gia công về may. Tuy nhiên, nguồn hàng không ổn định nên thu nhập từ nghề may của chị thất thường. Tháng nào hàng nhiều, thu nhập cao nhất của chị Nghệ cũng chỉ dừng lại mức 4 triệu đồng. Để trang trải cuộc sống, chị Nghệ tranh thủ thời gian cùng chồng bán giày dép di động. Ngoài ra, chồng chị Nghệ còn chạy xe ba gác chở hàng thuê. Với thu nhập hiện tại, vợ chồng chị chỉ tạm đủ sống qua ngày và nuôi con đang trong độ tuổi ăn học. “Lao động nữ chúng tôi sau khi học nghề, muốn sống được với nghề. Mong muốn của tôi là có nguồn hàng ổn định để tăng thêm thu nhập, còn như hiện tại thì không biết tới bao giờ cuộc sống mới đỡ vất vả”, chị Nghệ nói.

Tương tự, sau khi được hỗ trợ học nghề may, chị Trương Thị Ngọc Thọ (tổ 31, ấp Thạch Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) quyết tâm thành lập tổ may gia công. Để trang bị 6 chiếc máy may, máy vắt sổ với số tiền hơn 60 triệu đồng, chị Thọ phải xin chủ hàng ứng trước tiền gia công hàng rồi trả dần. Ngoài ra, chị phải thuê địa điểm để đặt máy với số tiền thuê 1,2 triệu đồng/tháng. Tổ may gia công của chị giúp cho 4 chị phụ nữ trong thôn có việc làm. Tuy nhiên, nghề may gia công lượng hàng thất thường nên thu nhập của chị em chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng. Chị Thọ cho biết: Tôi luôn cố gắng tìm kiếm đơn hàng để giới thiệu cho một số lao động nữ trong ấp cùng làm. Song việc duy trì được tổ may rất khó khăn. Trong ấp tôi có hơn 10 chị học xong nghề may ngắn hạn, nhưng may gia công hàng không ổn định nên nhiều chị phải làm thêm việc khác kiếm sống.

Trong những năm qua, nhằm góp phần thúc đẩy công tác bình đẳng giới, BR-VT đã tập trung đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn. Tuy nhiên có không ít lao động nữ còn đứng ngoài cuộc. Ông Nguyễn Bá Việt, Phó Trưởng Phòng dạy nghề Sở LĐTBXH cho biết: Hiện lao động nữ nông thôn đăng ký tham gia học nghề giảm dần. Nguyên nhân là công tác tư vấn học nghề, việc làm chưa cụ thể, chưa sâu sát tới từng thôn, ấp; chưa tư vấn về chính sách cũng như quyền lợi khi tham gia học nghề để người học yên tâm với nghề mình lựa chọn, chưa giới thiệu được địa chỉ nơi làm việc, vị trí việc làm. Các cụm công nghiệp, thủ công nghiệp chưa phân bố đều tại các địa phương hoặc chưa phát triển nên lao động muốn chuyển sang học nghề phi nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. 

Do đó, để tạo việc làm bền vững cho lao động nữ, tỉnh chú trọng tư vấn học nghề, tư vấn chính sách liên quan đến nghề nghiệp và việc làm; thu hút các DN đầu tư sản xuất tại các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ vốn cho lao động nữ; phát huy và nhân rộng các tổ, nhóm sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt để tạo việc làm bề vững, tăng thu nhập cho nữ lao động. 

Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC

;
.