Bất hòa vì sở thích khác nhau
Đang ngất ngây chìm đắm trong giai điệu nhịp nhàng, chàng nghe tiếng gọi toáng lên: “Ớ ơi, chồng ơi mừng cho em đi. Em có quà nè”. Anh giật thót, bật người dậy. Trước mắt anh là một con chó bự tổ chảng. Nó gầm gừ nhìn anh, chẳng hề tỏ ra chút thiện cảm nào. Anh ngạc nhiên: “Ơ hay, con Milou này là của ba mà em?”. Nhìn phát ghét. Cô vợ nhoẻn miệng cươi: “Ba tặng em đấy”.
Minh họa: MINH SƠN |
Chà, ở chung cư chật chội, bé tẹo như hộp diêm lại vác thêm cái “của nợ” này cũng phiền toái lắm đây. Nghĩ thế thôi, đố anh dám thốt lời than phiền. Vì vậy, anh cười xòa rồi điện thoại cảm ơn ba vợ rối rít. Vợ anh sung sướng ra mặt, vì cô rất khoái nuôi chó. Có việc gì phải cằn nhằn?
Dần dần anh cảm thấy quá bất tiện, hễ có tiếng động ngoài cửa, dù nửa khuya là y như rằng, nó lại ngoác mồm ra sủa! Sủa ra rả. Cứ như thể đạo chích đã đột nhập vào nhà. Không những anh mất ngủ mà cả dãy chung cư cũng vạ lây. Thỉnh thoảng bị bà con mắng vốn nhưng biết làm thế nào, anh xin lỗi, gãi đầu cười trừ. May quá, ban quản lý chung cư ra thông báo cấm nuôi chó, đơn giản chỉ vì mọi người phàn nàn mỗi lần bước vào thang máy mà đi chung với nó trông khiếp lắm, nhỡ nó táp cho một phát thì sao? “À, vậy con chó của mình tính sao em?”. Đem trả lại ba vợ chăng?
Nhiều đôi vợ chồng cãi cọ nhau cũng vì sở thích của “một nửa”. Thích vừa vừa còn được, chứ thích quá mức cũng phiền toái. Anh Triết bạn tôi đi làm xa, chiều mới về, cô vợ suốt ngày ở nhà trông con nhỏ nên cũng buồn. Vì vậy, chị thư giản bằng cách trồng phong lan. Phải công nhận chị “mát tay”, cả trước sân, sau nhà đều xanh kín các chậu lan. Mỗi sáng, mỗi chiều đứng ngắm “công trình” của vợ, Triết hài lòng lắm. Bạn bè đến chơi nhà đều không ngớt lời khen, cả vợ lẫn chồng tự hào “phỉnh mũi” sung sướng.
Thế nhưng, dần dần Triết thấy câu “nghề chơi cũng lắm công phu” chính xác quá. Bao nhiêu “công phu” trong một ngày, cô vợ đều dành hết cho lan. Nào chăm nước, nào vào phân bón, nào che nắng… cứ như thể nuôi con mọn. Thậm chí, cô bỏ luôn cả thói quen Chủ nhật hằng tuần cùng chồng chở con về thăm nội. Nào có xa xôi gì, chỉ sáng đi chiều về nhưng vợ lại thoái thác: “Mùa này nắng nóng, cần nhiều thời gian tiếp nước cho lan hơn anh à”. Nghe câu ấy, thử hỏi có phát cáu không? Rồi có lúc ngoài trời sấm chớp đùng đùng, đang nằm trong phòng, đột nhiên vợ níu tay chồng: “Anh ra vườn che lan giúp em”. Nghe câu ấy, thử hỏi có phải muốn “gây sự” không?
Không phải tôi tò mò, chuyện này do chính cô bạn tôi kể. Rằng, có lẽ do khắc khẩu hay sao mà hễ vợ chồng xáp lại gần, chỉ dăm ba câu là cãi nhau những chuyện không đâu. Cãi nhau rồi làm lành nhau. Làm lành rồi cãi nhau, cứ đều đặn như vắt chanh. Tôi nghĩ, vợ chồng son nào lại không thế, vì chẳng ai chịu nhịn ai, dần dần sẽ tự điều chỉnh thôi. Nhưng chồng cô lại không nghĩ thế, theo anh, có lẽ do “phong thủy” trong nhà. Thế là có người tư vấn, ngay phòng khách phải có hồ nuôi cá. Hồ càng to càng tốt. Cá càng lớn càng hay. “Vì “ngư” bơi lội tung tăng khiến “thủy” chuyển động liên tục mỗi ngày. Đó cách đẩy ám khí ra khỏi nhà”. Nghe chồng nói vậy, cô thấy hợp lý quá, “khoa học” quá thế là “duyệt” ngay!
Từ đó, họ không còn cãi nhau? Từ chỗ sắm hồ cá vì “phong thủy”, anh chồng lại đâm ra mê cá. Nhiều khoản tiền được anh “trút” vào đó, lúc mua cái này, thay cái kia, nào hộp đèn, bình xủi oxy, máy lọc nước, cây thủy sinh, sỏi nhiều màu, thức ăn, thay giống cá khác… Lắm lúc vợ cằn nhằn, chồng lại bảo đây là thú vui thư giãn giảm xì-trét. Ừ cũng được đi, nhưng cô bực mình nhất vẫn là đi làm thì thôi, chứ hễ về nhà, chồng lại dành hết thời gian cho hồ cá! Cứ như thể sự có mặt của vợ cũng không quan trọng bằng cá. Thử hỏi, sao lại không cãi nhau cơ chứ?
Thiết nghĩ, tìm thú chơi nào đó nhằm thư giãn, nghĩ cho cùng là điều phải có trong cuộc sống nhưng cần chừng mực. Đừng quên rằng, bên cạnh mình còn có vợ/chồng nữa. Cái vui của mình, thư giãn của mình là chính đáng nhưng lại khiến “một nửa” phiền lòng, liệu có nên chăng? Một chuyên gia tâm lý bảo rằng, khó có thể thay đổi sở thích của người khác, vậy cách tốt nhất cả vợ lẫn chồng nên có cùng một thú vui nào đó. Nhờ thế, cả hai cùng có thời gian, điều kiện thỏa mãn sở thích, thú vui của mình. Bằng không, tự mình phải có chủ động “điều chỉnh” cho thích hợp.
LÊ MINH QUỐC