BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH THẢO LUẬN VỀ KINH TẾ-XÃ HỘI:

Chưa tháo được nút thắt về giá đền bù thu hồi đất, khó đẩy nhanh tiến độ các dự án

Thứ Năm, 29/11/2018, 08:06 [GMT+7]
In bài này
.

● Giúp nông dân tiếp cận sâu hơn với “nông nghiệp công nghệ cao”

(BR-VT) Nằm trong chương trình Hội nghị lần thứ 25 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VI, ngày 28-11, các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thảo luận tại 4 tổ về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2019.

Đồng chí Bùi Chí Thành, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Châu Đức phát biểu thảo luận tại tổ 3. Ảnh: PHÚC LƯU
Đồng chí Bùi Chí Thành, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Châu Đức phát biểu thảo luận tại tổ 3. Ảnh: PHÚC LƯU

Nội dung thảo luận tập trung mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2019 theo hướng phải cao hơn, tích cực hơn năm 2018 để bảo đảm việc hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI đã đề ra; việc triển khai các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tiến độ khởi công mới, giải ngân các công trình đầu tư bằng vốn ngân sách năm 2018 và giải pháp khắc phục năm 2019…

Về việc chậm khởi công mới các công trình đầu tư bằng vốn ngân sách, các đại biểu cho rằng, nguyên nhân là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, cụ thể là giá bồi thường đất. Tuy đã có mức giá bồi thường theo quy định nhưng đa phần người dân không đồng ý với giá Nhà nước đưa ra mà muốn được bồi thương ở mức giá để họ có thể mua được mảnh đất mới có diện tích tương đương mảnh đất bị thu hồi. Vì vậy, người dân không giao đất, không di dời gây ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, khi UBND cấp huyện ra quyết định thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thì có nhiều đơn khiếu nại của hộ dân. Do đó, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành có giải pháp khắc phục vướng mắc nêu trên.

Về thực hiện Đề án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các đại biểu cho rằng, hiện nay có nhiều DN đang có nhu cầu đầu tư nhưng thực tế chưa có nhiều đất sạch để giao cho DN. Do đó, tỉnh cần nhanh chóng có quỹ đất sạch để giao đất cho DN đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị ngành nông nghiệp hướng dẫn sản xuất cụ thể theo hình thức “đầu bờ” cho nông dân; tỉnh cần tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn và giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm, trợ giá sản phẩm cho người nông dân.

Liên quan đến công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, các đại biểu đề nghị, chính quyền các cấp, nhất là các tổ chức chính trị-xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức vươn lên, giúp người nghèo tự giác lao động, làm chủ cuộc sống; đồng thời tập trung tư vấn, định hướng nghề nghiệp và trang bị kiến thức, kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi để người nghèo vận dụng vào thực hiện các mô hình phát triển kinh tế của mình. Các địa phương cần triển khai theo phương thức nhà nước tạo quỹ đất, hạ tầng và vận động DN xây dựng nhà để giải quyết nhà ở cho người nghèo.

Về bảo đảm an ninh, trật tự, các đại biểu đề nghị tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, tạo sự kết nối, phản ánh thông tin giữa người dân và lực lượng chức năng về các vụ việc vi phạm pháp luật. Tại cơ sở, cần thành lập tổ tự quản tại các khu dân cư để ngăn chặn các hành vi vi phạm trước khi lực lượng chức năng phát hiện, xử lý.

Trong công tác phát triển đảng viên, các đại biểu đề nghị chú trọng phát triển Đảng tại khu dân cư, mở rộng nguồn, xem xét, kết nạp chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, nông dân sản xuất giỏi. Về thực hiện phong trào “Đảng viên tình nguyện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” các đại biểu đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng cần có những hành động cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương…

Được biết, các ý kiến thảo luận sẽ được tổng hợp, trình tại phiên làm việc chính thức của Hội nghị lần thứ 25 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, dự kiến tổ chức vào ngày 8-12.

NHÓM PV THỜI SỰ

 
;
.