.

Ăn chơi tuổi mới lớn

Cập nhật: 11:39, 30/11/2018 (GMT+7)

Vốn sống trong cảnh giàu sang, cho nên mới chỉ học lớp 11, Sơn đã có đầy đủ vật chất mà bao đứa trẻ đang tuổi dậy thì thầm ao ước. Bố là giám đốc của một công ty tư nhân, mẹ đang là Trưởng phòng của một Tập đoàn nước ngoài nên không tiếc tiền cho cậu ấm của mình. Hằng ngày, dù chưa đủ tuổi điều khiển xe máy phân khối lớn nhưng Sơn vẫn cưỡi chiếc SH đến trường. Điện thoại thì 2 - 3 chiếc đắt tiền để trong cặp. Trong túi quần Sơn lúc nào cũng có hơn 1 triệu đồng, đó là chưa nói đến tiền trong thẻ ATM.

Không biết tự bao giờ và học ở đâu, Sơn đã biết ra dáng là một người đàn ông ga lăng, lịch lãm. Để chứng tỏ bản lĩnh của mình, Sơn thường đổi rất nhiều tiền mới mệnh giá 10, 20 ngàn đồng, 1, 2 đô la để tặng các bạn gái cùng lớp. Có vẻ như đối với Sơn, việc cho tiền bạn gái là hết sức bình thường và Sơn cảm thấy rất vui khi đều đặn mỗi ngày làm việc này.

Mỗi khi tan học, Sơn thường không về nhà vội mà la cà ở các quán nhậu cùng đám bạn quậy. Cả đám tự nhiên gọi bia và mồi nhậu. Mặc dù chủ quán không lấy gì hài lòng khi nhìn đám choai choai chứng tỏ mình là người lớn, nhưng khách hàng là thượng đế nên phải chìu. Sau khi bia được mang ra, Sơn lắc cho bia lên bọt rồi mới bật nắp. Bia bắn tung tóe, hòa vào những tiếng hò hét, vỗ tay tán thưởng rất cuồng nhiệt của đám bạn. Sau đó, cả bọn cùng nâng cốc một trăm phần trăm. Xung quanh, rất nhiều cặp mắt từ mọi phía đổ dồn về những cậu học sinh “người lớn” quý tộc này.

Mỗi tối, Sơn thường tụ tập ở các quán bar, vũ trường để nhảy nhót và tìm “tình yêu mới”. Đêm nào Sơn cũng về nhà muộn, trên người thì nồng nặc mùi bia rượu. Có lần vì quá say, Sơn tấp xe vào lề đường và ngủ quên luôn. Đến khi anh dân quân đi tuần gọi dậy thì Sơn mới hoảng hồn hoảng vía vì chiếc xe tay ga của mình không cánh mà bay. Buồn giây lát, rồi Sơn cũng đón xe ôm về nhà, tỉnh rụi trình bày với bố mẹ sự việc vừa xảy ra. Không chút la rầy hay dạy dỗ con, bố Sơn chỉ bảo: “Thôi, không sao. Của đi thay người mà. Để bố mua chiếc khác cho con”. 

Chính vì sự nuông chiều, không biết giáo dục con đã tạo cho Sơn thói ỷ lại, tiêu xài hoang phí và mất dần bản năng tự lập. Sơn lao vào những cuộc thác loạn khi tuổi đời còn quá trẻ. Đến một ngày, gia đình phát hiện ra Sơn là một con nghiện thì đã quá muộn. Sơn được đưa vào Trung tâm cai nghiện để làm lại cuộc đời. Bố mẹ Sơn, những người đã không biết giáo dục con cái nên người, giờ chỉ biết gào khóc. 

Một bài học cũ nhưng cũng rất mới đối với các bậc cha mẹ chỉ biết tạo ra tiền, nhưng không biết tạo ra tình thương và định hướng giáo dục lành mạnh cho con. 

NGUYỄN THANH VŨ

.
.
.