Làm gì để lấp khoảng trống sân chơi cho công nhân?

Thứ Ba, 30/10/2018, 18:42 [GMT+7]
In bài này
.

Trên địa bàn tỉnh có hơn 55.000 công nhân lao động đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trong các KCN. Bên cạnh việc lao động sản xuất, một số DN đã quan tâm đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân. Tuy nhiên, con số này chưa nhiều.

KHI DN QUAN TÂM ĐẾN SÂN CHƠI

Sau giờ tan ca chiều, nhiều công nhân Công ty TNHH Posco Việt Nam (KCN Phú Mỹ 2, TX.Phú Mỹ) lại ra sân chơi bóng đá, bóng chuyền hoặc đọc sách, báo trong khu vực thể thao và phòng truyền thống của công ty. Anh Trần Văn Đăng, công nhân bộ phận cán nguội, Công ty TNHH Posco Việt Nam cho biết: “Mỗi chiều thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy hàng tuần, tôi cùng các đồng nghiệp trong bộ phận lại ra sân chơi bóng. Sau một ngày làm việc mệt mỏi trong xưởng, bóng đá giúp tinh thần tôi trở nên sảng khoái. Nhờ chơi bóng thường xuyên mà tôi thấy người khỏe mạnh, hoạt bát”.

Công nhân Công ty TNHH Posco Việt Nam tập luyện thể thao sau giờ làm việc.
Công nhân Công ty TNHH Posco Việt Nam tập luyện thể thao sau giờ làm việc.

Ông Nguyễn Văn Năm, Trưởng phòng Quan hệ công chúng, Công ty TNHH Posco Việt Nam cho biết, ngoài sân bóng mini, Công ty còn trang bị tủ sách đặt tại phòng truyền thống với hơn 500 bản sách có nội dung về kỹ thuật, tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật, kinh doanh, truyện... Bên cạnh đó, Công ty còn xây dựng các sân tennis, bóng rổ, bóng bàn, bida, sân tập golf để phục vụ nhu cầu giải trí, tập luyện thể thao của công nhân. Hằng năm, Công ty cũng tổ chức hội thao, liên hoan văn nghệ, gala bốc thăm trúng thưởng để tạo cơ hội cho công nhân được vui chơi, giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng.

Tương tự, Công ty TNHH Prime Asia Việt Nam (KCN Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ) cũng quan tâm đầu tư xây dựng thiết chế thể thao cho công nhân. Hiện nay, Công ty có sân bóng đá mini bằng cỏ nhân tạo, sân bóng chuyền, sân cầu lông, sân tennis. “Sau giờ làm việc, công nhân tham gia tập luyện thể thao rất đông. Hằng năm, Công ty đều tổ chức hội thao cho công nhân. Chúng tôi muốn tạo sân chơi bổ ích để tạo hứng khởi cho công nhân, giúp họ có điều kiện tập luyện thể thao, tái tạo sức lao động và góp phần nâng cao hiệu quả công việc”, ông Phan Thanh Tùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Prime Asia Việt Nam cho biết.

NHƯNG “KHOẢNG TRỐNG” CÒN NHIỀU

Thực tế, số DN tại các KCN xây dựng được thiết chế văn hóa, thể thao tương đối đầy đủ phục vụ công nhân như Công ty Posco Việt Nam, Công ty TNHH Prime Asia Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, do thu nhập còn thấp nên đa phần công nhân bận rộn với việc tăng ca mưu sinh hoặc sau giờ làm việc, công nhân cần nghỉ ngơi tái tạo sức lao động và lo chăm sóc gia đình nên ít có thời gian dành cho hoạt động giải trí. Anh Đặng Quốc Thái, công nhân Công ty TNHH Thế Phú (chuyên gia công, chế biến, bảo quản sản phẩm thủy sản xuất khẩu, phường 12, TP.Vũng Tàu), cho biết, hàng ngày, sau khi hết giờ làm việc thì người đã mệt nhoài, chỉ muốn nghỉ ngơi chứ không có thời gian để giải trí. Chị Nguyễn Thị Vụ, công nhân Công ty TNHH sản xuất giày Uy Việt (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) thì rời công ty là vội về nhà chăm sóc 2 con, dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình. Khi được hỏi về hoạt động giải trí, chị Vụ lắc đầu nói: “Suốt ngày bận bịu, hết việc ở công ty lại đến việc gia đình nên tôi không còn thời gian vui chơi, giải trí. Hơn nữa, đồng lương eo hẹp (5 triệu đồng/tháng), lại còn lo nuôi hai con ăn học nên tôi không thể nghĩ đến các nhu cầu giải trí”, chị Vụ nói.

Theo ông Nguyễn Đức Ý, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh, tại các DN lớn, công tác chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần của người lao động đã được thực hiện tương đối tốt. Còn các DN có quy mô sản xuất nhỏ, lương công nhân thấp thì chủ DN chưa mấy quan tâm điều này. Nguyên nhân là do chi phí đầu tư cho các thiết chế văn hóa, thể thao, giải trí tương đối cao, lại không mang về lợi nhuận trực tiếp cho DN. Thậm chí, một số chủ DN cho rằng đó là trách nhiệm của tổ chức công đoàn. Trong khi đó, các thiết chế văn hóa, thể thao của địa phương phần lớn chỉ tập trung ở các khu vực trung tâm, khá xa với nơi cư trú của người lao động, nên hạn chế đến nhu cầu sử dụng và hưởng thụ của người lao động.

Công nhân Công ty CP xây lắp Dầu khí miền Nam - Alpha ECC trong giờ làm việc.
Công nhân Công ty CP xây lắp Dầu khí miền Nam - Alpha ECC trong giờ làm việc.

Ông Nguyễn Đức Ý cho rằng, để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân, Nhà nước cần bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan tới phát triển các KCN, hỗ trợ ngân sách đầu tư, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ nhu cầu của người lao động. “UBND tỉnh cần có quy hoạch cụ thể về xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, nhà ở, nhà trẻ, thư viện tại các KCN-nơi tập trung đông công nhân sinh sống; có chính sách khuyến khích các DN trong các KCN phát triển hạ tầng kết hợp với chính quyền địa phương xây dựng các cơ sở văn hóa, thể thao, y tế tại khu vực gần các KCN phục vụ công nhân”, ông Nguyễn Đức Ý đề xuất.

Theo Công đoàn các KCN, một số DN trên địa bàn tỉnh có tổ chức công đoàn đã quan tâm đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ người lao động. Cụ thể, các DN trong các KCN có 14 phòng truyền thống; 37 tủ sách; 11 phòng tập luyện thể thao; 2 DN có phòng vắt trữ sữa phục vụ cho công nhân nữ trong thời gian nuôi con nhỏ; 9 DN tự bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở cho 2.760 công nhân; 1 trường mầm non tại KCN Mỹ Xuân A2, với quy mô phục vụ 450 trẻ.


Kế hoạch của UBND tỉnh ban hành ngày 4-7-2017 về thực hiện Chỉ thị số 52-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động KCN, khu chế xuất đặt mục tiêu đến năm 2020: Có hơn 15% DN có tổ chức công đoàn xây dựng được các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân lao động; 70% trung tâm văn hóa, thể thao-học tập cộng đồng của địa phương được cải tạo, nâng cấp, mở rộng để tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ công nhân; hơn 85% DN thường xuyên tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động; 90% công nhân lao động tại các KCN tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao; 90% DN đạt tiêu chuẩn văn hóa theo quy định của Bộ VHTTDL.

Bài, ảnh: THI PHONG

;
.