.
KỶ NIỆM 88 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA ĐẢNG (15-10)

Dân vận khéo đem lại nhiều lợi ích thiết thực

Cập nhật: 17:49, 14/10/2018 (GMT+7)

Nhận thức rõ vai trò của công tác dân vận, thời gian qua, Đảng bộ tỉnh luôn coi trọng và tăng cường công tác dân vận trong cả hệ thống chính trị. Việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động đã tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Nông dân xã Suối Rao (huyện Châu Đức) cùng chia sẻ kỹ thuật nuôi cá nước ngọt mô hình Dân vận khéo “Xây dựng tổ, hội nghề nghiệp và tiến tới thành lập HTX nuôi cá nước ngọt” của Hội Nông dân xã.
Nông dân xã Suối Rao (huyện Châu Đức) cùng chia sẻ kỹ thuật nuôi cá nước ngọt - mô hình Dân vận khéo “Xây dựng tổ, hội nghề nghiệp và tiến tới thành lập HTX nuôi cá nước ngọt” của Hội Nông dân xã.

LAN TỎA TRONG NHIỀU LĨNH VỰC CỦA ĐỜI SỐNG

Trước những đổi thay của quê hương, người dân ở ấp Hải Lâm, xã Phước Hưng, huyện Long Điền phấn khởi khi những con đường xuống cấp, không đèn chiếu sáng đã được thay bằng những con đường bê tông, có đèn đường chiếu sáng ban đêm, tạo thuận lợi cho sự đi lại và vận chuyển nông sản. Sự thay đổi tích cực đó đã chứng minh cho hiệu quả của mô hình dân vận khéo “Vận động nhân dân hiến đất làm đường” và “Bóng đèn an toàn, an ninh” của ấp Hải Lâm.

Trong quá trình vận động bà con nhân dân, Tổ Dân vận ấp Hải Lâm cũng gặp không ít khó khăn khi một số hộ dân chưa thấy hết được mặt tích cực của mô hình nên chưa ủng hộ việc hiến đất làm đường, góp tiền lắp đèn chiếu sáng. Tuy nhiên, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, Chi bộ cùng Tổ Dân vận ấp kiên trì đến từng nhà dân vận động, nói rõ cách thực hiện mô hình và những kết quả có được sau khi triển khai, vận động người dân góp sức thực hiện. Từ đó, bà con nhân dân trên địa bàn ấp đã đồng tình, nhất trí cao với chủ trương của địa phương trong xây dựng các công trình. 

Trong giai đoạn 2016-2018, nhân dân trên địa bàn ấp Hải Lâm đã tự nguyện hiến khoảng 3.000m2 đất để nâng cấp, sửa chữa và mở rộng hơn 20 con đường có chiều rộng từ 3,5-8m. Ngoài ra, các hộ dân còn đóng góp từ 100-300 ngàn đồng/hộ để lắp đặt hơn 300 bóng đèn với tổng kinh phí 236 triệu đồng. Mỗi năm, các hộ dân góp thêm 120 ngàn đồng/hộ để đóng tiền điện chiếu sáng. Bà Hồ Thị Xuân (ở tổ 4, ấp Hải Lâm) - người tự nguyện hiến hơn 50m2 đất và đập tường bao để mở rộng đường cho hay: Những con đường sạch đẹp, đèn đường luôn chiếu sáng vào ban đêm đã giúp bà con nhân dân đi lại thuận tiện. 

Không chỉ đem lại lợi ích thiết thực trong xây dựng nông thôn mới, phong trào thi đua “Dân vận khéo” còn lan tỏa trong lĩnh vực kinh tế, góp phần tạo thu nhập, nâng mức sống người dân. Đơn cử như mô hình “Xây dựng tổ, hội nghề nghiệp và tiến tới thành lập HTX nuôi cá nước ngọt” của Hội Nông dân xã Suối Rao (huyện Châu Đức). Mô hình nhằm mục đích tập hợp các hộ nuôi cá nhỏ, lẻ để phát triển kinh tế tập thể. Thực hiện mô hình, gần 50 hộ đã được Hội Nông dân xã hướng dẫn về kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, 18 hộ được hỗ trợ vay với tổng số vốn gần 1 tỷ đồng, 25 hộ được hỗ trợ 20 tấn cám/tháng. Đến nay, xã Suối Rao đã có 1 tổ nghề nghiệp nuôi cá nước ngọt với 25 hộ tham gia trên diện tích hơn 30ha, tổng sản lượng cả năm đạt từ 600 – 700 tấn. Theo các hộ dân, thu nhập sau một kỳ nuôi 6 tháng/1ha diện tích ao, hồ đạt khoảng 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, người dân thu lợi hơn 200 triệu đồng. 

DÂN VẬN CHÍNH QUYỀN ĐẠT NHIỀU KẾT QUẢ

Thực hiện “Năm Dân vận chính quyền” năm 2018, trong 9 tháng đầu năm, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham gia cùng UBND tỉnh và các ngành chức năng đối thoại và giải quyết 40 vụ khiếu nại, tố cáo của công dân; Tham mưu Tỉnh ủy kế hoạch chỉ đạo kiểm tra, tự kiểm tra sơ kết, tổng kết, đồng thời tổ chức kiểm tra tại 11 đơn vị, địa phương, tổng hợp báo cáo sơ kết, tổng kết đối với 6 nghị quyết, thông báo kết luận, chương trình của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác dân vận; Ban Tiếp công dân tỉnh tiếp 10.805 lượt người, tiếp nhận 3.586 đơn thư khiếu nại tố cáo; UBND tỉnh đã ban hành 316 quyết định và 1.812 công văn chỉ đạo, đôn đốc giải quyết khiếu nại tố cáo. Chính quyền các cấp, ban, ngành, đoàn thể, hội quần chúng trong tỉnh đã gắn việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” với công tác cải cách hành chính, chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức.

Nhiều mô hình của các cấp, các ngành đã được đăng ký và thực hiện hiệu quả. Nổi bật như: Mô hình CCHC tại Bộ phận “một cửa” của UBND huyện Châu Đức; Mô hình “3 không 1 biết” (không trễ hẹn, không gây phiền hà, không bổ sung hồ sơ quá 1 lần, biết xin lỗi người dân khi hồ sơ trễ hẹn) tại Bộ phận “một cửa” thị trấn Long Điền; Mô hình “3 đúng” (đúng nội dung, đúng quy chế làm việc của cơ quan, đúng luật-đúng quy trình tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ) tại UBND xã Tam Phước (huyện Long Điền); Mô hình “Vận động nhân dân giữ gìn cảnh quan đô thị, không lấn chiếm lòng lề đường vỉa hè” của UBND phường Thắng Tam (TP.Vũng Tàu)...

Đồng chí Nguyễn Văn Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác vận động quần chúng nhân dân; Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động tại địa phương. Công tác dân vận của hệ thống chính trị trong tỉnh tiếp tục được duy trì và có nhiều đổi mới với trọng tâm hoạt động hướng về cơ sở, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quốc phòng, an ninh trên địa bàn được giữ vững. Trong quá trình triển khai thực hiện công tác dân vận, nhiều đơn vị, địa phương trong tỉnh đã có những cách làm hay, sáng tạo, mang lại nhiều kết quả thiết thực trên nhiều lĩnh vực của đời sống và tạo sức lan tỏa rộng rãi trong đông đảo quần chúng nhân dân. 

“Thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” chính là mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội. Vì thế, từng lĩnh vực, từng đơn vị, cơ quan, địa phương phải cụ thể hóa những việc làm thiết thực, có kế hoạch thực hiện cụ thể, chi tiết với sự phân công nhiệm vụ rõ ràng. Từng địa phương, từng ngành, từng cấp đều thực hiện những mô hình hay, những việc làm tốt để phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng đạt được nhiều hiệu quả hơn nữa”,  đồng chí Nguyễn Văn Đồng nói.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 565 tổ công tác dân vận tại 565 khu phố, thôn, ấp. Từ đầu năm 2016 đến nay đã có hơn 2.500 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được các cơ quan, đơn vị, địa phương đăng ký xây dựng, triển khai trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Để động viên kịp thời các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã đề xuất UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 62 tập thể, 19 cá nhân tiêu biểu trong phong trào “Dân vận khéo” (giai đoạn 2016-2018). 

Bài ảnh: BẢO KHÁNH

.
.
.