Theo khảo sát về tình hình việc làm, học nghề đối với 11.770 quân nhân xuất ngũ trong giai đoạn 2010-2018 của Sở LĐTBXH thì số người tham gia học nghề chỉ có 6.743 người (chiếm tỷ lệ 57,29%). Có không ít người sau khi hoàn thành khóa học nghề miễn phí không tìm được việc làm. Kết quả khảo sát cho thấy, công tác tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên xuất ngũ chưa thật sự hiệu quả.
Học viên tham gia học nghề tại Trường CĐ Quốc tế Vabis Hồng Lam. |
“CHẤP NHẬN LÀM TRÁI NGHỀ ĐỂ MƯU SINH”
Khảo sát tình hình việc làm sau đào tạo của thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại TX.Phú Mỹ, TP.Vũng Tàu cho thấy, thực tế nhiều thanh niên xuất ngũ không mấy mặn mà với chương trình hỗ trợ học nghề miễn phí. Nguyên nhân của tình trạng này là do học nghề xong không tìm được việc làm. Nhiều thanh niên xuất ngũ khi học nghề xong đã phải đi làm trái nghề sau một thời gian tìm không có việc làm phù hợp.
Anh Nguyễn Võ Hiếu Nhân, phường Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ là một trường hợp cụ thể về làm việc trái nghề đã được đào tạo miễn phí. Được biết, sau khi xuất ngũ, anh chọn học nghề lái xe nâng miễn phí. Học xong, anh Nhân đã 10 lần đi “gõ cửa” tìm việc tại các công ty nhưng không được nhận vào làm việc. Để có thu nhập duy trì cuộc sống, anh phải từ bỏ ý định làm nghề lái xe nâng và chấp nhận đi làm công nhân may với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Anh Nhân cho biết: “Mỗi khi biết tin công ty nào tuyển dụng lái xe nâng tôi đều đến nộp hồ sơ, thử tay nghề. Nhưng các công ty đều yêu cầu phải có kinh nghiệm thực tế trong khi tôi mới ra trường. Yêu cầu thực tế của nghề lái xe nâng là như vậy nhưng khi tư vấn, đơn vị tư vấn học nghề chỉ tư vấn chung chung nên không chỉ riêng tôi mà có những bạn chọn nghề học không phù hợp với sức khỏe và khả năng, đã nghỉ học giữa chừng”.
Bổ sung thêm ý kiến của anh Nguyễn Võ Hiếu Nhân, anh Phan Khắc Anh Phước (22 tuổi), phường Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ cho biết: “Sau 6 tháng học nghề, tôi được cấp chứng chỉ nghề lái xe nâng. Nhưng sau khi xem hồ sơ và yêu cầu thử tay nghề, cả 3 công ty tôi xin việc đều nói “đợi”. Tôi đã đợi vài tháng và kết quả là, tôi hiện đang làm công nhân may bạt cho chi nhánh công ty liên doanh gần nhà với mức lương 8 triệu đồng/tháng”. Cũng theo anh Phước, trong buổi tư vấn, đơn vị dạy nghề có hứa sẽ tạo điều kiện, ưu tiên giới thiệu việc làm. Ngay sau khi học xong, đơn vị dạy nghề này giới thiệu tới 1 công ty nộp hồ sơ nhưng cả năm nay, công ty chưa trả lời.
Anh Phan Khắc Anh Phước (22 tuổi), phường Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ phụ mẹ trồng mướp để kiếm thêm thu nhập trong ngày nghỉ ca. |
Cũng chính vì lý do học nghề nhưng không tìm được việc làm bằng nghề đã học nên nhiều thanh niên xuất ngũ không mặn mà với việc học nghề dù được học miễn phí. Năm 2016, anh Võ Thành Linh (22 tuổi), thôn 8, xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Anh muốn học nghề để tìm được việc làm, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến của bạn bè, người thân, anh quyết định đi làm thợ phụ sơn nước ở các công trình xây dựng với tiền công 200 ngàn đồng/ngày thay vì học nghề. Anh Linh cho hay: “Ở xã có nhiều người mất gần 1 năm học nghề nhưng rồi không tìm được việc làm bằng nghề đã học, phải quay lại làm công việc trước đây để kiếm sống”.
GIẢI PHÁP NÀO?
Theo ông Huỳnh Việt Triều, Trưởng Phòng Việc làm, Sở LĐTBXH, nguyên nhân chính sách hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên xuất ngũ chưa hiệu quả là do công tác phối hợp hướng nghiệp chưa chặt chẽ, thời gian tư vấn ngắn. Định hướng học nghề cũng như giải quyết việc làm cho thanh niên xuất ngũ là vấn đề trăn trở lớn đối với công tác dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ hiện nay. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn. Hiện nhu cầu của các DN trên địa bàn tỉnh chủ yếu tuyển lao động kỹ thuật ở nhóm nghề: Hàn, lắp ráp kim loại, tiện, điện lạnh… nhưng hầu hết quân nhân xuất ngũ chọn nghề dễ học, ít nặng nhọc nên muốn giải quyết việc làm rất khó. “Ngoài ra, có những học viên sau khi đưa vào DN để vừa học vừa thực hành với thời gian 1,5 tháng nhưng họ bỏ giữa chừng vì không theo được. Trong khi, việc đưa học viên vào các DN đang hoạt động sản xuất không phải chuyện đơn giản đối với đơn vị dạy nghề”, ông Huỳnh Việt Triều nói.
Theo ông Nguyễn Võ Anh Tài, phụ trách công tác đào tạo nghề Phòng LĐTBXH TP.Vũng Tàu, để tránh lãng phí trong đào tạo nghề cho thanh niên xuất ngũ thì cần tập trung tư vấn hướng nghiệp ngay từ sớm chứ không chỉ tập trung vào lực lượng thanh niên khi đã xuất ngũ. Với thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, cần phân loại trình độ và nhu cầu của thị trường lao động để định hướng, tư vấn học nghề.
Đoàn khảo sát Sở LĐTBXH đến thăm gia đình anh Trần Thanh An (TX. Phú Mỹ), sau khi xuất ngũ và học nghề nhưng chưa tìm được việc làm. |
Để hạn chế những bất cập trong công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên xuất ngũ, Sở LĐTBXH đề xuất, các địa phương có thanh niên xuất ngũ phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự, lao động, DN, cơ sở đào tạo để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp dạy nghề. Việc tư vấn, hướng nghiệp phải đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của thanh niên xuất ngũ và thị trường lao động. Các cơ sở đào tạo cần mở thêm các nghề theo yêu cầu của thị trường lao động và phải có cam kết hỗ trợ giới thiệu cho học viên việc làm trong những DN uy tín.
Theo khảo sát của Sở LĐTBXH thì tổng số quân nhân xuất ngũ trong giai đoạn 2010-2018 là 12.542 người. Qua khảo sát đối với 11.770 thanh niên xuất ngũ cho thấy có 8.484 người có việc làm, chiếm hơn 72%. Trong số 3.286 người chưa có việc làm thì chỉ có 559 người có nhu cầu học nghề; 316 người có nhu cầu vay vốn phát triển kinh doanh.
|
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN