Đâu phải chuyện gì cũng tung lên "phây"

Thứ Sáu, 12/10/2018, 09:54 [GMT+7]
In bài này
.
Minh họa của: MINH SƠN
Minh họa của MINH SƠN.

“A lô, tôi đang tới. Cậu ra đón X. giúp tôi nhé”. Nghe xong điện thoại của bạn, anh chàng lập tức đứng dậy bước ra khỏi quán. Phải vậy chứ, ai lại để phụ nữ đứng trơ trọi một mình - nhất là ở cái nơi luôn có tiếng gào thét: “1, 2, 3 dzô”. 

Đưa bạn gái của bạn vào ngồi chung bàn, ai nấy cứ ngỡ X. là tình nhân của anh bạn nên không ngớt chúc mừng tếu táo. Nghe cũng vui tai, mát mặt, vì dù gì X. xinh đẹp nhất ở công ty, từng có khối chàng nhủ thầm: “Tiếc quá, mình đã… có vợ rồi”. Vì lẽ đó, khi bạn bè hiểu nhầm lại càng hay, chẳng việc gì anh bạn phải đính chính. Khi nào bạn đến, “bàn giao” X. là xong. Lúc đó, có người còn đề nghị cả hai ngồi sát nhau, cùng nâng ly để chụp tấm hình lưu niệm. Anh bạn gật đầu luôn, cho dù X. lắc đầu nguầy nguậy. “Vui thôi mà”, anh bạn tí tởn níu vai X. để bạn bè “thao tác nghiệp vụ”.

Chuyện này bình thường, nếu như người chụp những tấm hình đó không “bắn” lên Facebook với câu vu vơ: “Đẹp đôi quá”. Nhiều người có tâm lý kỳ cục, hễ có tấm ảnh nào ưng ý là cứ tung lên mạng xã hội, chẳng thèm biết người liên quan có đồng ý, có thích hay không? Sau cái vụ họp mặt bạn bè, từ đó, ít ai thấy anh bạn nọ xuất hiện nữa. Đơn giản chỉ vì cô vợ dù ở nhà, không đi theo nhưng đã biết tỏng. Biết thì biết vậy, nhưng bối cảnh chung lúc ấy chỉ đùa vui thì làm sao ai có thể “thanh minh thanh nga”? 

Mới đây, chiều cuối tuần đang trên đường đi về nhà, tôi nghe có cuộc điện thoại gọi đến. Mừng quá, có ai rủ rê bù khú gì chăng? “Đến nhà tớ gấp. Có chuyện cần nhờ”. Chuyện gì gấp gáp đến thế? Dù cụt hứng nhưng bạn đã nhờ, lẽ nào làm ngơ? Khi đến nơi, tôi đã thấy vợ chồng C. ngồi sẵn với vẻ mặt hình sự. Căng ghê. C. kéo tay tôi và chỉ vào cái ipad trước mặt: “Cậu nghĩ sao?”. 

Thì ra, đó là tấm ảnh C. nằm viện, chân bó bột. Vụ này, tôi có biết là đã xẩy ra chừng dăm năm rồi. Thế thì tại sao vợ C. lại đưa lên facebook cá nhân? Báo hại, bạn bè, người từ ngoài quê, ở nước ngoài tới tấp gọi điện thoại, email, comment hỏi han loạn xị cả lên. Khi nghe tôi hỏi lý do, vợ C. bảo: “Ối dào, em đùa ấy mà. Chẳng có gì quan trọng cả, chỉ lấy chồng ra câu view cho vui thôi”. 

Đành rằng “nửa này” vui, nhưng “nửa kia” lại rầu thì sao? Qua một hồi làm trung gian hòa giải, tôi bảo vợ C. nên gỡ tấm ảnh đó xuống nhưng rồi cô cứ chần chừ mãi. Dù mong muốn của chồng, dù nghe góp ý của bạn chồng nhưng người vợ vẫn chần chừ ắt phải có lý do gì đó. 

Gặng hỏi mãi, cô mới bật mí, đại khái, trước đây C. phải bó bột là do theo bạn bè đi phượt. Nay biết chồng sắp làm một chuyến du khảo nữa, cô lo lắm nhưng ngăn cản mãi không được, nên cô mới tung ra tấm ảnh này là vậy. “Chà, cao cơ ghê”, tôi nhủ thầm. Vâng, nhiều người đã chọn cách hễ có gì không ưng ý với “nửa kia” lại “thay lời muốn nói” bằng cách đó. Cứ đưa lên mạng xã hội cho thiên hạ đều biết rồi tha hồ bình phẩm.

Thật ra, trong quan hệ vợ chồng, có những chuyện không nên huỵch toẹt cho “làng trên xóm dưới” đều biết. Người ngoài không rõ cụ thể sự việc ra làm sao, chỉ cần xem hình, đọc qua vài câu của “nửa này” là tha hồ có ý kiến ý cò khiến “nửa kia” rát cả mặt. Nói như thế, vì hiện nay đố ai tìm thấy mặt P. - bạn tôi ở chốn đông người nữa. Chẳng rõ nội tình nhà anh ta ra làm sao, nhưng thỉnh thoảng cô vợ lại lên facebook ca cẩm, than phiền là bị chồng tung chiêu “giơ chân hơi cao” rồi “gạt tay trúng má”. Đã thế, cô còn dẫn lại các đường link hướng dẫn cách phòng chống bạo lực gia đình. 

Rõ ràng, tình hình nghiêm trọng quá đi mất. Không phải ngẫu nhiên có lần P. được sếp mời lên phòng tâm tình, hỏi han: “Việc nhà thế nào? Anh em xì xào cậu là chủ tịch công đoàn công ty, thế mà…”. Nghe câu nói lửng lơ đến đó, P. toát mồ hôi vì không ngờ việc riêng tư lại khiến sếp lẫn đồng nghiệp quan tâm, nghi ngờ. Từ đó, ai nấy dù không nói ra nhưng nhìn P. bằng con mắt khác, ít còn thiện cảm như trước nữa. 

Khi tôi tò mò hỏi chuyện, P. kể: “Chỉ một lần do không kiềm chế được”. Ừ, cứ cho là thế. Nhưng rồi “một nửa” cứ nhắc đi nhắc lại mãi để làm gì nhỉ? Để bõ tức? Để nhắc nhở chớ tái phạm? Cứ cho là vợ của P. “có lý” đi nữa, nhưng nếu chọn cách “đóng cửa bảo nhau” vẫn tốt hơn. Một khi đã công khai trên mạng xã hội thì không còn là chuyện riêng tư nữa. P. nhăn mặt: “Cáu nhất vẫn là các bình luận dạy đời, mắng nhiếc cứ như thể tớ là loại đàn ông vũ phu thất học?”. 

Nhiều người rơi vào tình trạng này cũng xì-trét là phải thôi. Thế thì, một khi chọn cách này để nhắc nhở, uốn nắn “một nửa” có nên chăng? Tất nhiên là không. Lợi bất cấp hại là chỗ đó. 

LÊ MINH QUỐC

;
.