Thông thường, “trai ham sắc, gái ham tài”. Đúng quá, nhưng trong cái sự “ham” rất đời và cũng rất phổ biến kia còn có cả sự cảm phục, nể nang nữa. Đó mới chính là nền tảng cần thiết để sau này ăn ở với nhau.
MInh họa: MINH SƠN |
Đứng trước người phụ nữ khi yêu, ai lại không vẽ ra cho mình một hình ảnh lộng lẫy hiên ngang, ngời ngời dũng cảm như chàng Từ Hải? Chà nếu có dịp nào đó, chàng ra tay ắt thiên hạ sẽ lác mắt ngợi khen và nàng sẽ sung sướng lẫn tự hào, phổng cả mũi.
Dịp ấy đã đến, vào một chiều đẹp nắng và tâm hồn phơi phới như lúc mới gặp nhau, chàng chở nàng phóng xe dạo phố, miệng huýt sáo yêu đời. “Kìa anh, có một vụ cướp giật. Lao vô cứu cô gái đó đi anh”. Nàng thảng thốt kêu lên, những tưởng chàng sẽ ra tay nghĩa hiệp “giữa đàng thấy chuyện bất bình chẳng tha” như Lục Vân Tiên tả xung hữu đột cứu người yếu thế. Nhưng rồi: “Ủa? Sao dzậy anh?”. Mặt chàng tỉnh bơ: “Kệ họ, dính vô chỉ thêm rách việc. Bộ em không thấy tên cướp đang cầm con dao à?”. Nói xong, chàng tăng tốc quay đầu xe rẽ đi lối khác. Tối ấy, dù ngồi ăn trên hồ bán nguyệt, sen mùa hạ thơm ngát, gió trời lồng lộng nhưng tâm hồn nàng đã tổn thương ít nhiều. Nàng thừ người, buông đũa, nghĩ thầm: “Con người khỏe mạnh như Hercule mà mình ngưỡng mộ lại ích kỷ đến chết nhát vậy sao?”
Ngày trước, khi mới tìm hiểu nhau, hễ đến chơi nhà thấy gì hư hỏng là chàng ra tay ngay. Chàng bỏ cả mấy tiếng đồng hồ sửa cái máy giặt, thay bóng đèn, xem lại xăng, nhớt cái xe cho nàng… Chàng làm một cách vô tư. Ba mẹ nàng khen, nàng cũng khen: “Lấy một người tháo vát, sau này mình cũng khỏe”. Khỏe gì chẳng thấy, bởi cưới nhau về, chàng bộc lộ ngay bản chất lười ơi là lười, chẳng thèm mó tay đến việc gì. Đã thế, ở công ty có chuyện gì, chàng về nhà hết thở vắn than dài với giọng yếm thế con nít. Chao ôi, “hình tượng” của chàng đã “rớt giá” thê thảm. Con người mà mình cần nương tựa là thế ư? Từ chỗ ngưỡng mộ, nể nang thì nay nàng xem thường ra mặt.
Không xem thường sao được khi “đức lang quân” kia mỗi lần kéo bạn bè về nhà bù khú, chén cạn chén đầy lại khua môi múa mép chuyện tục tằng không chịu được. Nàng phải “di tản” con qua nhà ngoại vì sợ những lời “có cánh” ô nhiễm kia. Trời, tưởng chồng vai này chức nọ ngoài xã hội, bạn chồng cũng có ăn có học thế mà lúc ăn nhậu chỉ bàn luận sôi nổi rặt chuyện “thắc mắc biết hỏi ai”. Nhảm nhí quá! Nàng vỡ mộng, cứ tưởng trong đầu của người chồng trí thức, nho nhã kia cất giấu bao nhiêu là tri thức khôn ngoan và lịch lãm cơ chứ!
À! Xem kìa, lúc mới tỏ tình nhau, cứ mỗi lời của nàng, chàng luôn lắng tai nghe như uống lấy từng lời. Nàng nói nhỏ nhẹ, một câu “dạ”, hai câu “thưa” ngọt như đường cát, mát như đường phèn! Ấy vậy mà, khi chung sống, những lúc không hài lòng điều gì là nàng gắt gỏng phát khiếp! Hết “thằng này”, đến “con nọ” liên tục được thốt lên từ miệng nàng khiến chàng choáng váng. “Ủa, cô nàng dịu dàng của ngày xưa đó sao?”. Chàng góp ý, nàng bảo sẽ “rút kinh nghiệm” nhưng đâu lại vào đó. Từ chỗ yêu mến, trân trọng, chàng thất vọng não nề.
Có những cặp vợ chồng giữ được sự nể nang, tôn trọng lẫn nhau là do họ tự ý thức phải “tương kính như tân”. Đừng tưởng khi đã là của nhau thì muốn làm gì thì làm. Chuyện rằng, chiều nay có bạn học cũ đến thăm nhà. Trong khi cô vợ tất bật chuẩn bị nhà cửa tươm tất và niềm nở, đon đả đón khách thì chồng cởi trần với cái quần tà lỏn! Vợ cằn nhằn, chồng vẫn tỉnh như ruồi: “Ối dào! Mấy đứa bạn cũ của em cũng là bạn của anh mà. Vẽ chuyện”! Thái độ “tự nhiên chủ nghĩa” đó đã khiến vợ xem chồng như… kẻ ngoài hành tinh!
Vấn đề của đời sống vợ chồng, luôn đặt ra trước mắt mọi người là bài toán khó: Làm sao vẫn giữ được sự tôn trọng nhau? Đừng tưởng, “con ong đã tỏ đường đi lối về” thì không còn gì phải “giữ gìn” nhau nữa. Tôi nhớ trong một tác phẩm của nhà văn Nga, có chi tiết thật hay: Người chồng xem thường vợ bởi mỗi lần thay nội y là cô cứ thản nhiên đứng tênh hênh trước mặt chồng, không thèm kín đáo che giấu, không một chút sượng sùng. Chà sao trước kia nàng đoan trang, mực thước mà nay lại sỗ sàng đến thế?
Trước đây, mỗi lúc gần gũi nhau, nàng tự ý thức làm mình đẹp hơn từ chăm chút mùi hương đến từng cử chỉ, lời ăn tiếng nói nên khiến chàng sung sướng thốt lên “Bà hoàng của đời anh” và phải “nâng như trứng, hứng như hoa”. Vậy nhưng, sau khi đã có hai mặt con thì hỡi ôi, nàng đã tự hạ thấp mình bằng sự cẩu thả, xốc xếch khiến chàng thở dài. Lại có trường hợp, trước kia, việc nhà việc cửa, nuôi dạy con thì chàng đều tin cậy giao hết cho vợ. Không những thế khi có chuyện cần, chàng đều bàn với nàng và lắng nghe góp ý nhưng khi phát hiện ra nàng mê đỏ đen, đề đóm thì trong mắt chàng, nàng chỉ là con số zéro tròn trĩnh!
Trong các tình huống trên, thiết nghĩ, để không xảy ra tình cảnh oái ăm, bốn chữ “tương kính như tân” vẫn luôn là bài học nằm lòng. Việc này đòi hỏi sự cố gắng của cả vợ lẫn chồng chứ không chỉ dành cho một ai nếu không muốn “mất điểm” một cách thảm hại…
LÊ MINH QUỐC