.

Vẫn khuyến khích các cặp vợ chồng sinh 1-2 con

Cập nhật: 18:09, 20/09/2018 (GMT+7)

Cơ quan chức năng cho biết, hiện nay, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) vẫn khuyến khích các cặp vợ chồng sinh 1- 2 con để bảo đảm chất lượng dân số và các vấn đề an sinh - xã hội khác.

Mỗi gia đình chỉ nên sinh 2 con để chăm sóc và nuôi dạy tốt. Trong ảnh: Nhân viên Bệnh viện Bà Rịa chăm sóc trẻ sơ sinh.
Mỗi gia đình chỉ nên sinh 2 con để chăm sóc và nuôi dạy tốt.
Trong ảnh: Nhân viên Bệnh viện Bà Rịa chăm sóc trẻ sơ sinh.

Chị Cao Thị Thủy Tiên (ngụ tại khu phố 5, phường Long Tâm, TP. Bà Rịa) đã có 2 con gái (6 tuổi và 3 tuổi). Chị Tiên là viên chức, đang làm hồ sơ xin vào Đảng. “Thời gian qua, trên mạng có thông tin về việc không xử phạt người sinh con thứ ba. Vì chưa có con trai nên vợ chồng tôi dự định sinh thêm cháu nữa. Tuy nhiên, tôi đang băn khoăn việc sinh con thứ 3 có vi phạm chính sách DS-KHHGĐ, có ảnh hưởng tới việc kết nạp Đảng hay không?”, chị Tiên nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu về vấn đề trên, bác sĩ Tôn Thất Khoa, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết: Chính sách về DS-KHHGĐ vẫn đang được thực hiện theo Pháp lệnh Dân số 2003 và Pháp lệnh Dân số sửa đổi năm 2009; Nghị định 20/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Dân số sửa đổi, Nghị định 18/2011 /NĐ-CP sửa đổi Khoản 6, Điều 2 Nghị định số 20/2010/NĐ-CP; Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 của BCH Trung ương Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; Quy định số 05-QĐi/TW của BCH Trung ương ngày 28-8-2018 về việc kết nạp người vi phạm chính sách DS-KHHGĐ vào Đảng. Theo đó, những trường hợp sinh con thứ 3 là vi phạm chính sách về DS-KHHGĐ (trừ những trường hợp được quy định tại Nghị định 20/2010/NĐ-CP, Nghị định 18/2011 /NĐ-CP và Quy định số 05-QĐi/TW).

Hiện nay, chưa có quy định chung về chế tài xử phạt đối với công chức, viên chức vi phạm chính sách DS-KHHGĐ. Các hình thức xử lý cụ thể đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ 3 trở lên được thực hiện theo các quy định của ngành công tác, nội quy, quy chế làm việc của mỗi cơ quan, đơn vị. Còn đối với người dân thì xử lý căn cứ theo hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, xóm, cụm dân cư nơi cư trú. 

Đối với đảng viên, theo Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 của BCH Trung ương Đảng, đảng viên sinh con thứ 3 sẽ bị khiển trách, sinh con thứ 4 sẽ bị cảnh cáo hoặc cách chức, sinh con thứ 5 sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng. Tuy nhiên, đảng viên bị khai trừ khỏi Đảng do vi phạm chính sách DS-KHHGĐ có thể được xem xét kết nạp Đảng trở lại căn cứ theo Quy định 05/QĐi/TW. Trong đó, phải phấn đấu ít nhất 24 tháng với trường hợp sinh con thứ 3, ít nhất 36 tháng với trường hợp sinh con thứ 4, kể từ ngày bị đưa ra khỏi Đảng đến ngày Chi bộ họp xét đề nghị kết nạp vào Đảng. 

Tương tự, việc kết nạp Đảng đối với quần chúng vi phạm chính sách DS-KHHGĐ cũng căn cứ theo Quy định 05/QĐi/TW. Trong đó, phải phấn đấu ít nhất 24 tháng với trường hợp sinh con thứ 3, ít nhất 36 tháng với trường hợp sinh con thứ 4, kể từ ngày sinh con đến ngày Chi bộ họp xét đề nghị kết nạp vào Đảng (quy định này có thể áp dụng vào trường hợp của chị Cao Thị Thủy Tiên nêu trên).

Hiện nay, tỉnh BR-VT có hơn 1,1 triệu dân. Bình quân hàng năm, trên địa bàn tỉnh có khoảng 16.000 trẻ được sinh ra, trong đó số trẻ là con thứ 3 chiếm khoảng 8%. Đối tượng sinh con thứ 3 sống tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn, vùng biển. Số lượng người sinh con thứ 3 trong cán bộ, công chức, viên chức chỉ có vài trường hợp/năm. 

“Trong công tác tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ hiện nay, cần nhấn mạnh nội dung vẫn khuyến khích các cặp vợ chồng sinh từ 1 đến 2 con và dừng lại ở 2 con. Nếu không tuyên truyền rõ, người dân sẽ tiếp tục sinh con thứ ba, thứ tư hoặc hơn nữa. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dân số và các vấn đề an sinh - xã hội khác”, bác sĩ Tôn Thất Khoa nói.

Những trường hợp sinh con
không vi phạm chính sách DS-KHHGĐ 

(Theo Nghị định 20/2010/NĐ-CP,
Nghị định 18/2011 /NĐ-CP, Quy định 05/QĐi/TW)

1. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỉ lệ nhỏ hơn hoặc bằng tỉ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.

3. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.

4. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.

5. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.

6. Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):

a) Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ).

b) Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.

7. Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.

Bài, ảnh: PHƯỚC QUÝ

.
.
.