Với những người đam mê múa lân, âm thanh rộn rã của trống hội, của tiếng thanh la, chập chã, những điệu nhảy, múa vui nhộn, uyển chuyển, sinh động của những con lân-sư-rồng luôn khiến họ rạo rực. Đó là lý do giải thích vì sao thu nhập từ nghề chẳng đáng là bao, nhưng vẫn có nhiều người gắn bó với nghề múa lân.
ĐAM MÊ KHÔNG TUỔI
Thành viên CLB lân - sư - rồng Phúc Nghĩa Đường tập luyện chuẩn bị biểu diễn trong dịp Tết Trung thu. |
Đã 50 tuổi nhưng niềm đam mê múa lân của ông Lê Hoàng Hùng, Chủ nhiệm CLB lân-sư-rồng Hùng Nghĩa Đường (huyện Long Điền) vẫn chưa bao giờ vơi. Dù là chủ nhiệm CLB, nhưng ông luôn sẵn sàng lên sân khấu múa lân mỗi khi các thành viên khác bận. Ông kể, năm 16 tuổi, ông đi học võ cổ truyền rồi theo đoàn lân ở huyện Long Đất cũ. “Hồi đó còn nghèo khó, đi diễn sô Trung thu nhưng cả đội chỉ có một đầu lân. Trên sân khấu, chỉ vài người được thay nhau múa lân, còn các thành viên khác chủ yếu biểu diễn võ thuật. Thầy chọn kỹ lắm, ai khỏe, giỏi võ mới được múa lân. Là một trong những võ sinh được thầy chọn cho múa lân, tôi thích thú và vui sướng như đứa trẻ được nhận quà”, ông Hùng kể.
Sau này, dù bận đi nghĩa vụ quân sự, rồi đi làm thợ xây, nhưng ông vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê múa lân. Năm 1997, ông thành lập CLB lân-sư-rồng và duy trì đến nay. Không những truyền nghề cho 30 thành viên trong CLB, ông Hùng còn truyền lửa đam mê cho cô con gái Lê Hoàng Phi Yến. Năm nay mới 12 tuổi, cô bé đã tham gia múa lân cùng CLB được 3 năm và đã thành thạo các bài múa lân, sư đơn giản.
Do tính chất công việc chỉ phục vụ theo sự kiện, các đoàn lân-sư-rồng thường chỉ có sô diễn vào các dịp lễ, tết, khai trương, động thổ nên thu nhập từ nghề này rất thấp. Vì vậy, hầu hết thành viên các CLB lân-sư-rồng đều phải mưu sinh bằng các công việc khác. Anh Huỳnh Thế Phương là một thợ xây nhưng đã gắn bó với CLB lân-sư-rồng Hùng Nghĩa Đường 8 năm qua. Nói về cơ duyên đến với nghề múa lân, anh Phương nhớ lại: “Khi ấy dù đã 23 tuổi nhưng mỗi lần đi đâu thấy có đội lân đang diễn là tôi nán lại xem. Âm thanh rộn rã của tiếng trống lân cùng những điệu múa rồng uốn lượn, bắt mắt khiến tôi rất háo hức. Vậy là tôi xin gia nhập CLB lân Hùng Nghĩa Đường. Ban đầu, tôi đi theo thầy Hùng học võ, rồi từ từ mới học các động tác múa lân”.
Hiện nay, mỗi ngày, sau giờ làm việc ở các công trình xây dựng, từ 17-18 giờ, anh lại theo ông Hùng phụ dạy võ cổ truyền tại các nơi như: Trung tâm VH-TT-TT huyện Long Điền, Trung tâm văn hóa-học tập cộng đồng xã An Ngãi. Từ 19-21 giờ (3 buổi/tuần), anh tập múa lân-sư-rồng cùng CLB.
Theo anh Nguyễn Trần Đăng Khoa, thành viên CLB lân-sư-rồng Phúc Nghĩa Đường (phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu), múa lân khó nhất là cách làm cho con lân trở nên sống động, chân thực qua từng bước đi, đứng, ngủ, vui đùa. Ngoài ra, người diễn cần thành thạo kỹ thuật múa lân liên quan đến các thế tấn trong môn võ thuật cổ truyền như: đinh tấn, mã tấn, trung bình tấn. Các tư thế này phải được tập luyện thường xuyên để nâng cao thể lực, cơ bắp dẻo dai để tránh tai nạn nghề nghiệp. “3 năm trước, trong một lần đi diễn, tôi đứng tấn cho bạn diễn đứng trên đùi múa lân nhưng không may bị trượt chân, cả hai té nhào. May mà bạn diễn không sao, còn tôi bị bong gân phải nghỉ tập hơn 1 tháng”, anh Khoa cho biết.
TẤT BẬT CHẠY SÔ
Anh Huỳnh Thế Phương (phải) và anh Nguyễn Thanh Nam, thành viên CLB lân-sư-rồng Hùng Nghĩa Đường làm đầu lân chuẩn bị phục vụ mùa Trung thu. |
Hàng năm, Tết Trung thu là mùa bận rộn nhất của các CLB lân-sư-rồng. Để có những tiết mục biểu diễn hay, hấp dẫn phục vụ các em thiếu nhi, các CLB lân-sư-rồng đã tích cực tập luyện cả tháng trời. 17 giờ chiều thứ Hai, 17 thành viên CLB lân-sư-rồng Phúc Nghĩa Đường đã tề tựu đông đủ tại Trung tâm Văn hóa-học tập cộng đồng phường Thắng Nhì (1, Trần Xuân Độ, TP.Vũng Tàu) cùng nhau tập luyện. Những bài múa: Tứ quý hưng long, Thiên long giáng trần, Song sư hí cầu, Bát trống chào mừng được các thành viên tập đi tập lại nhiều lần. Ấn tượng hơn cả khi các thành viên của CLB liên tục thay đổi cách xếp hình thành ngôi nhà, mẹ bồng con, hình tròn, ngôi sao trong bài Thiên long giáng trần. Anh Bạch Hoàng Phúc, chủ nhiệm CLB lân sư rồng Phúc Nghĩa Đường cho biết: Mùa Trung thu này, CLB nhận được 30 sô diễn tại các đơn vị, trường học trên địa bàn TP.Vũng Tàu, bắt đầu từ ngày 10-8 âm lịch.
Còn theo anh Đinh Cao Cường, Chủ nhiệm CLB lân-sư-rồng Thắng Tam Đường (TP.Vũng Tàu), tính đến ngày 18-9, CLB đã nhận được 20 sô diễn tại các cơ quan, đơn vị, DN, trường học trên địa bàn TP.Vũng Tàu và đã chốt sô mùa Trung thu. “Hiện nay, nhu cầu đặt sô diễn Trung thu của các cơ quan, đơn vị, DN phục vụ các em thiếu nhi rất lớn. Nhiều đơn vị, trường học ở huyện Châu Đức, thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) đặt lịch nhưng do trùng giờ diễn nên chúng tôi không thể sắp xếp được, đành phải từ chối”, anh Cường cho biết.
Bên cạnh việc tập luyện, các CLB lân-sư-rồng còn chăm chút trang phục, đạo cụ để đi diễn, trong đó có việc làm đầu lân. Những ngày đầu tháng 8 âm lịch, căn nhà cấp 4 (229/2/6, Võ Thị Sáu, khu phố Long Tân, thị trấn Long Điền) của ông Lê Hoàng Hùng bày biện la liệt các loại đầu rồng, đầu lân, khung sắt, giấy, sơn. Ai nấy đều chăm chút từng công đoạn mình đảm nhận: uốn khung, dán giấy, vẽ hoa văn, phối màu, dán lông cừu. Anh Huỳnh Thế Phương cho biết: “Các màn múa lân-sư-rồng không chỉ đòi hỏi phải hay, sôi động mà trang phục, đạo cụ còn phải đẹp mới tạo được ấn tượng với các em thiếu nhi. Vì vậy, dịp Trung thu, chúng tôi thường đầu tư làm đầu lân-sư-rồng mới”, anh Huỳnh Thế Phương giải thích.
Bài, ảnh: THI PHONG
Thù lao mỗi sô múa lân-sư-rồng mùa Trung thu năm nay dao động từ 2-5,2 triệu đồng. Sô 2 triệu đồng gồm 2 con lân, 1 ông địa; sô 3 triệu đồng gồm: 2 con lân, 1 ông địa, 2 con sư tử; sô 5,2 triệu đồng gồm: 6 trống hội, 4 con lân, 1 ông địa, 2 con sư tử, 1 con rồng, 2 con lân leo cột. Những sô diễn đặc biệt với nhiều tiết mục như: trống hội, lân leo cột tre, tứ quý lân, múa rồng, lân lên mai hoa thung có thù lao cao hơn, từ 10-12 triệu đồng. |