Trầm cảm, nguy hiểm hơn mọi người vẫn tưởng

Thứ Ba, 18/09/2018, 18:04 [GMT+7]
In bài này
.

Trầm cảm là một dạng bệnh lý về tâm thần, đang dần trở nên phổ biến trong xã hội, bất kỳ ai cũng có thể mắc phải. Ở giai đoạn đầu, trầm cảm chỉ ảnh hưởng đến bản thân người bệnh, gây suy sụp tinh thần và bào mòn thể chất. Nhưng ở mức độ nặng hơn, căn bệnh này có thể dẫn đến tử vong hoặc gây ra vô số hệ lụy cho gia đình bệnh nhân và xã hội. 

Trầm cảm ở mức độ nặng có thể dẫn đến bệnh tâm thần. Trong ảnh: Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Ảnh: MINH THIÊN
Trầm cảm ở mức độ nặng có thể dẫn đến bệnh tâm thần. Trong ảnh: Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Ảnh: MINH THIÊN

NGUY CƠ TỰ TỬ CAO GẤP 25 LẦN SO VỚI NGƯỜI KHÁC 

Gia đình bà Trần Thị H. (TP.Vũng Tàu) vẫn chưa thể quên được nỗi đau mất đi người thân, dù câu chuyện đã xảy ra từ nhiều năm về trước. Con gái lớn của bà H. từng là một người vui vẻ, hoạt bát, đã có nghề nghiệp ổn định và đang theo học thạc sĩ một trường danh tiếng tại TP.Hồ Chí Minh. Thế rồi, chỉ vì khúc mắc chuyện tình cảm, thiếu sự chia sẻ từ gia đình, do vợ chồng bà mải mê làm ăn buôn bán, lại nghĩ con đã trưởng thành, tự lập tốt nên ít quan tâm. Chỉ đến khi mất con rồi, đọc thư con để lại vợ chồng bà mới đau đớn nhận ra những dấu hiệu con từng báo trước về cái chết mà mình đã lơ là bỏ qua. Con gái bà H. đã nghỉ học trước đó cả vài tháng trời, tự giam mình trong phòng, gần như rất ít tiếp xúc với người thân, ăn uống cũng sút kém và gầy hẳn, nhưng bà vẫn cho rằng, con chỉ buồn vì chuyện riêng một thời gian ngắn rồi sẽ qua… 

Một câu chuyện khác, về cậu học trò lớp 12 trong giai đoạn ôn thi cũng đã rơi vào tình trạng trầm cảm, bố của cậu là bác sĩ đã may mắn phát hiện những dấu hiệu bất thường ở con như buồn rầu, chán nản, ít giao tiếp… và đưa cậu đi khám, điều trị kịp thời. Về sau này, khi đã hồi phục, cậu học trò kể lại, ở thời điểm ấy, trong đầu cậu luôn nghĩ mình là người bất tài, đáng bỏ đi và nảy sinh ý định tự tử, thậm chí tìm cách tự tử một số lần. 

Tại buổi nói chuyện chuyên đề được Sở LĐTBXH phối hợp Sở Y tế tổ chức mới đây tại TP.Bà Rịa, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo (Khoa Tâm thần, Bệnh viện Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) đã cung cấp rõ hơn về bệnh trầm cảm đến các cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các điểm tư vấn, cai nghiện ma túy. Buổi nói chuyện nhằm cung cấp kiến thức để đội ngũ làm công tác xã hội sớm phát hiện dấu hiệu này nhằm giúp bệnh nhân điều trị kịp thời, tránh tình trạng tự tử. Bác sĩ Thảo cho biết, trầm cảm là rối loạn về cảm xúc, người bệnh trở nên buồn rầu, chán nản, mệt mỏi cảm thấy tương lai ảm đạm, thường gây ra sự suy giảm chức năng xã hội và công việc, nghề nghiệp, học hành.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình mỗi năm, bệnh trầm cảm cướp đi khoảng 850.000 mạng người. Đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh xếp hạng 2 về gánh nặng bệnh lý toàn cầu (sau bệnh lý về tim mạch). Ước tính, có khoảng 3-5% dân số thế giới có rối loạn trầm cảm rõ rệt. Tần suất nguy cơ mắc bệnh trầm cảm trong suốt cuộc đời là 15-20%. Tuy nhiên, chỉ khoảng 25% người mắc trầm cảm được điều trị kịp thời và đúng phương pháp. WHO ghi nhận ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 5.000 người chết do tự tử vì người trầm cảm có nguy cơ tự tử cao gấp 25 lần so với người khác. Tại BR-VT tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng theo nhận định từ Bệnh viện Tâm thần tỉnh, xu hướng mắc trầm cảm gia tăng do áp lực của cuộc sống hiện đại. 

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo, người mắc bệnh trầm cảm có một số biểu hiện cụ thể như: Khí sắc giảm (nét mặt buồn rầu, đi đứng chậm chạp, giọng nói trầm, đơn điệu), tâm thần vận động trì trệ (có lúc kích động, lúc chần chừ, khó đưa ra quyết định), có nhận thức tư duy bi quan, tiêu cực (mặc cảm, tội lỗi, tự đổ lỗi cho mình), thay đổi bản năng (thay đổi trong việc ăn, ngủ, quan hệ tình dục), chán ăn, sụt cân, có ý nghĩ và hành vi tự sát. Một trong những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất đó là sự thay đổi đột ngột về cân nặng cơ thể. Nếu giảm hay tăng trên 5% trọng lượng cơ thể trong vòng 1 tháng thì đó có thể là dấu hiệu báo rằng cơ thể có những điều gì không ổn. 

NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ 

Ở tuổi nào cũng thể mắc bệnh trầm cảm, nhưng phổ biến nhất ở độ tuổi từ 18-45 và tỷ lệ nữ mắc bệnh cao gấp đôi nam giới do phụ nữ thường bị áp lực về công việc, gia đình, con cái, không có thời gian chia sẻ cũng như chăm sóc bản thân. Ngoài ra, có những người có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn so với những người khác do căng thẳng kéo dài, gặp phải chấn động mạnh về tâm lí như mất người thân, ly hôn, do ảnh hưởng của thuốc như thuốc ngủ, thuốc an thần, thuốc hạ huyết áp, lạm dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, trẻ em bị chấn thương tâm lý…

Nói về phương pháp điều trị đối với bệnh nhân mắc chứng trầm cảm, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo khẳng định, chứng trầm cảm nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại những hậu quả khôn lường cho bản thân và xã hội. Có 3 phương pháp điều trị trầm cảm phổ biến nhất, đó là liệu pháp tâm lý, thuốc và dùng sốc điện. Các liệu pháp tâm lý bao gồm: Liệu pháp hành vi nhận thức, liệu pháp tâm lý cá nhân và giải quyết vấn đề. 

Đối với thuốc chữa trầm cảm thường được sử dụng cho những bệnh nhân có mức độ trầm cảm từ trung bình cho tới trầm trọng và thuốc luôn phải được kê theo đơn của bác sĩ (trẻ em được khuyến cáo không nên dùng thuốc để chữa bệnh). Đối với bệnh trầm cảm nghiêm trọng, không thể chữa trị bằng thuốc hoặc liệu pháp tâm lý, bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp sốc điện. Tuy nhiên, liệu pháp này có thể gây ra các tác dụng phụ như lú lẫn hoặc mất trí nhớ (thường chỉ trong khoảng thời gian ngắn).

Để phòng ngừa bệnh trầm cảm, mỗi người cần thay đổi thói quen sống thật khoa học, lành mạnh như: Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, đi ra ngoài gặp gỡ nhiều người hay tận hưởng không gian xung quanh, bớt suy nghĩ, nói chuyện nhiều hơn, ăn uống lành mạnh với chế độ dinh dưỡng hợp lý, ngủ đủ giấc, tránh xa chất kích thích.

TƯỜNG NGÂN

;
.