Hiện nay, các trường TH triển khai dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần đang gặp rất nhiều khó khăn về đội ngũ GV. Theo kế hoạch của ngành GD-ĐT, năm học 2019-2020, các trường học bậc TH sẽ tăng thêm 2 tiết tiếng Anh/tuần. Điều này khiến các trường TH trên địa bàn tỉnh băn khoăn, lo lắng, dù mới chỉ bước vào năm học 2018-2019.
VẪN LÀ “BÀI TOÁN” THIẾU GV
Cô Hoàng Thị Sen, Phó Hiệu trưởng Trường TH Trương Công Định (TP.Vũng Tàu) cho biết, hiện nay nhà trường đang dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần cho 15 lớp từ khối 3 đến 5. Theo chỉ tiêu biên chế được giao, trường có 3 GV tiếng Anh, nhưng nhà trường mới có 2 GV. Để đáp ứng nhu cầu, Trường TH Trương Công Định phải ký hợp đồng thuê thêm 1 GV bên ngoài. Tuy nhiên, việc thuê thêm GV hợp đồng khó duy trì được lâu vì chưa được cấp kinh phí trả lương.
GV Trường TH Trương Công Định (TP.Vũng Tàu) hướng dẫn HS luyện phát âm tiếng Anh. |
Ngành GD-ĐT đang rất “đau đầu” với bài toán về GV tiếng Anh. Trong ảnh: Cô và trò Trường TH Trương Công Định (TP.Vũng Tàu) trong giờ học tiếng Anh. |
Thực trạng của Trường TH Trương Công Định cũng là vấn đề mà các trường TH khác trên địa bàn đang gặp phải. Ông Phạm Văn Ngọc, Trưởng Phòng GD-ĐT TP.VũngTàu cho biết, thành phố đang thiếu 33 GV tiếng Anh. Thời gian qua, để duy trì việc dạy và học tiếng Anh, các trường phải thuê GV ở bên ngoài. Nhưng các trường lại chưa được cấp kinh phí chi trả tiền lương cho GV hợp đồng, kể cả những GV dạy hợp đồng từ năm học 2017-2018.
Hiện tại, TP.Vũng Tàu đang xét tuyển viên chức giáo dục, trong đó, có tuyển 33 GV tiếng Anh. Nếu việc tuyển dụng này thành công, mới cơ bản đáp ứng được nhu cầu để triển khai dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần ở bậc TH. Tuy nhiên, theo kế hoạch của Sở GD-ĐT, sang năm học 2019-2020, sẽ tăng thêm 2 tiết tiếng Anh/tuần nên ông Ngọc lo lắng: “Đến khi đó, chắc chắn tình trạng thiếu GV càng trầm trọng hơn. Do vậy, ngay từ năm học 2018-2019, tỉnh cần có định hướng, chủ trương để các địa phương xây dựng phương án, kế hoạch chủ động cho năm học sau”.
Tương tự như TP.Vũng Tàu, việc triển khai dạy và học tiếng Anh tại các trường TH trên địa bàn TX. Phú Mỹ cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện TX. Phú Mỹ còn thiếu 10 GV tiếng Anh bậc TH và phải ký hợp đồng với GV. “Đến nay, vẫn chưa thể trả kinh phí dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần cho GV hợp đồng từ năm học 2017-2018 thì không biết sang năm, với việc dạy 6 tiết/tuần sẽ gây áp lực như thế nào?”, ông Ngô Hồng Khanh, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT TX. Phú Mỹ băn khoăn.
Nhiều năm qua, các địa phương trong tỉnh hầu hết đều rơi vào tình trạng thiếu GV tiếng Anh. Nguyên nhân là do số lượng HS ngày càng tăng, phải xây thêm trường, tăng thêm lớp, trong khi biên chế GV có hạn. Chưa kể, việc tuyển dụng GV ở các địa phương đều khó khăn vì nguồn tuyển đạt chuẩn là quá ít.
Một tiết học tiếng Anh tại Trường TH Lê Lợi (TX. Phú Mỹ). |
LỰA CHỌN GIẢI PHÁP NÀO PHÙ HỢP?
Chủ trương tăng thêm 2 tiết tiếng Anh/tuần cho HS bậc TH lên 6 tiết/tuần từ năm học 2019-2020 nhằm đưa tiếng Anh trở thành một trong những môn học chính. Mục tiêu cụ thể là HS sau khi học hết lớp 5 sẽ đạt trình độ A1; HS học đến lớp 9 đạt trình độ A2, tiến tới hết lớp 12, HS đạt trình độ B1. Song, việc triển khai dạy tiếng Anh 6 tiết/tuần cho HS TH từ năm học 2019-2020, cũng đặt ra nhiều áp lực. Theo đánh giá của Hiệu trưởng các trường TH cũng như lãnh đạo phòng GD-ĐT, để thực hiện được dạy 6 tiết tiếng Anh/tuần, đòi hỏi ngành GD-ĐT phải có ít nhất các điều kiện về kinh phí hoặc nhân sự.
Ông Võ Tuất Hinh, Trưởng Phòng GD-ĐT TX.Phú Mỹ cho rằng, việc triển khai dạy tiếng Anh ở các trường gặp khó khăn chủ yếu là do thiếu GV. Nhưng thực tế vấn đề này vẫn có nhiều cách giải quyết, nếu không có GV chính thức thì các trường cần được cấp kinh phí. Khi đã có kinh phí, thì các trường sẽ dễ dàng ký hợp đồng với GV từ bên ngoài. Điều này không những giảm được biên chế cho ngành GD-ĐT, mà các trường còn chủ động được công tác sắp xếp, bố trí GV cho từng năm học. “Hiện nay, dù được động viên nhiều nhưng các GV dạng hợp đồng đều không muốn gắn bó với trường lớp khi chính sách về tiền lương cho họ chưa thỏa đáng”, ông Hinh nói.
Cùng quan điểm với ông Hinh, ông Phạm Văn Ngọc, Trưởng Phòng GD-ĐT TP.Vũng Tàu cho rằng, việc tăng thêm 2 tiết tiếng Anh/tuần cho HS các trường TH từ năm học 2019-2020 chỉ có thể thực hiện được khi các trường được bố trí đầy đủ GV. Nhưng việc này không dễ dàng. Vì thế, để triển khai chương trình này cần có chủ trương cấp kinh phí cho các trường ký hợp đồng với GV tiếng Anh bên ngoài, hoặc thực hiện phương án xã hội hóa. Tuy nhiên, quan điểm của ông Phạm Văn Ngọc, ở bậc TH, chưa nên xã hội hóa việc giảng dạy tiếng Anh.
Theo ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT, việc triển khai tăng 2 tiết tiếng Anh/tuần cho HS các trường trên địa bàn tỉnh đã được Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương triển khai. Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT xây dựng kế hoạch tăng 2 tiết tiếng Anh/tuần từ năm học 2019-2020. Sắp tới đây, Sở GD-ĐT sẽ xây dựng Đề án để cụ thể hóa việc triển khai. Giải pháp khả thi là tiến hành theo phương thức xã hội hóa một phần (đóng góp của phụ huynh HS), một phần do ngân sách chi trả. Nhưng dù theo phương án nào thì đích đến vẫn là nâng cao chất lượng dạy - học tiếng Anh, bảo đảm có GV tốt, giúp HS hoàn thiện các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết.
Toàn tỉnh có 139/139 trường TH công lập tổ chức dạy tiếng Anh cho HS, đạt tỷ lệ 100%, trong đó có 135/139 trường dạy tiếng Anh đủ 4 tiết/tuần cho HS từ khối 3 đến khối 5. Tổng số HS lớp 3,4,5 được học tiếng Anh 4 tiết/tuần hiện nay là 59.857 em, còn 905 HS đang học 2 tiết/tuần. Như vậy, năm học 2017-2018, HS từ lớp 3 đến lớp 5 trên địa bàn tỉnh được học tiếng Anh đủ 4 tiết/tuần đạt 98,5%, còn lại HS học 2 tiết/tuần chiếm tỷ lệ 1,5%. |
Bài, ảnh: TUỆ LÂM