Nông dân "có học có khác"
Từ năm 2011 đến nay, tỉnh BR-VT đã tập trung thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, qua đó đã có hơn 21.000 lao động được học nghề, trong đó, gần 8.000 người được đào tạo nghề nông nghiệp. Sau đào tạo, hầu hết nông dân đều ứng dụng hiệu quả kiến thức vào thực tế sản xuất.
Từ khi được học lớp trồng lúa năng suất cao, ông Lê Văn Thạch đã biết cách phòng trị bệnh, tăng năng suất cho diện tích lúa của gia đình. |
Dẫn chúng tôi đi thăm 3ha lúa đang trổ đòng, ông Lê Văn Thạch (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) cho biết, trước kia, có khi lúa bị bệnh nhưng ông cũng không biết nguyên nhân. Do đó, tuy bỏ nhiều công sức, chi phí nhưng 3ha lúa của gia đình chỉ thu về trung bình 5 tấn/ha. Năm 2017, ông Thạch được tham gia lớp học kỹ thuật trồng lúa năng suất cao do Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh phối hợp với xã Long Tân tổ chức. Sau 3 tháng học nghề, ông Thạch có thêm nhiều kiến thức về kỹ thuật trồng lúa cho năng suất cao. Ông đã biết tính thời điểm bón phân để lúa hấp thụ tốt, phù hợp với từng giai đoạn; cách nhận diện các bệnh thông thường của lúa; kỹ thuật xịt thuốc an toàn… Nhờ ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, 3 ha lúa của gia đình ông Thạch đã cho thu hoạch lên 7 tấn/ha. “Có học đúng là có khác. Những kiến thức được học giúp gia đình tôi không mất nhiều công sức như trước nhưng năng suất lúa tăng cao và hoàn toàn chủ động trước cách xử lý bệnh cho lúa”, ông Thạch nói.
Cũng tham gia mô hình dạy nghề trồng lúa năng suất cao, ông Phan Văn Được (ấp Cây Cám, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ) cho biết: “Trước kia, có những thời điểm lúa bị bệnh nhưng tôi tìm đủ cách vẫn không xử lý được khiến năng suất giảm, gây thiệt hại lớn. Từ khi học xong, áp dụng kỹ thuật được học thì không những yên tâm về độ an toàn cho lúa mà trên cùng một diện tích, năng suất lúa đã tăng từ 0,7 -1 tấn/ha. Nhờ đó, thu nhập mỗi ha lúa của gia đình tôi tăng gần khoảng 10 triệu đồng/vụ, chưa kể chi phí thuốc và tiền đầu tư phân bón cũng giảm khoảng 3-4 triệu đồng/ha”.
Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn được triển khai trên địa bàn tỉnh 10 năm qua luôn gắn với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Với phương thức cầm tay chỉ việc và gắn với thực tế, phù hợp điều kiện thực tế từng vùng, các lớp nghề: Nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò, heo, gà; trồng hồ tiêu; trồng cây ăn quả; trồng rau an toàn; nuôi cá nước ngọt… đã cung cấp cho người nông dân các kiến thức khoa học để có thể ứng dụng vào thực tế sản xuất. Từ đó, tiết kiệm được thời gian lao động, giảm chi phí trong sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng sản lượng, chất lượng. Đến nay, một số mô hình dạy nghề có hiệu quả và đã nhân rộng ra địa bàn các xã như: Mô hình chăn nuôi heo thịt siêu nạc gắn với lớp nghề nuôi và phòng trị bệnh cho heo; Mô hình vỗ béo bò thịt gắn với lớp nghề nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò; Mô hình chăn nuôi dê sinh sản gắn với lớp nghề nuôi và phòng trị bệnh cho dê; Mô hình thâm canh cây hồ tiêu gắn với lớp nghề trồng hồ tiêu.
Theo khảo sát của Sở NN-PTNT, việc tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn gắn với liên kết sản xuất, hỗ trợ vốn sản xuất, tạo việc làm cho người dân. Các nghề được lựa chọn dạy cho nông dân dễ học, dễ làm, phù hợp với trình độ của người dân. Người dân sau khi học đều tăng thu nhập, góp phần nâng cao tay nghề và trang bị kiến thức về kỹ thuật trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt.
Theo ông Nguyễn Bá Việt, Phó Trưởng Phòng dạy nghề, Sở LĐTBXH, tuy bước đầu có hiệu quả, nhưng công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, nghề lựa chọn đưa vào dạy hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân do có những hộ nông dân sản xuất ở nhiều lĩnh vực như: Vừa chăn nuôi, vừa trồng trọt và cả nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, một số ngành nghề mới chưa được cập nhật, dẫn đến hạn chế trong lựa chọn ngành nghề để đăng ký học cũng như thu hút lao động tham gia đăng ký học nghề.
Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC