Quê tôi - một huyện được coi là nghèo nhất của xứ Thanh. Cuộc sống người dân thời bao cấp lo chạy ăn từng bữa nên mỗi năm đến Tết Trung thu, chị em tôi lại háo hức chờ quà từ cha mẹ. Nhưng nhà đông con, chỉ mong có đủ chén cơm gạo trắng với khúc cá kho bắt từ ao nhà cũng đã là điều xa xỉ thì tiền đâu mà mua bánh ngọt với đèn lồng.
Cũng như bao gia đình nghèo thủa ấy, đầu tháng Tám âm lịch, mẹ tôi mua mấy lon gạo nếp để dành. Đó là những đồng tiền mẹ kiếm thêm từ việc bện thừng bán. Mẹ bảo: “Tết Trung thu không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy, bánh ngon, áo đẹp, mà căn bản là phải thật ý nghĩa, thắt chặt tình đoàn kết trong gia đình. Tùy vào gia cảnh mà tổ chức Trung thu phù hợp. Không có đèn kéo quân thì thả diều, không có bánh Trung thu thì bánh đa (bánh tráng), bánh đúc, không có áo mới thì mặc áo cũ, miễn sạch sẽ thơm tho là được”.
Đêm rằm Trung thu, trăng sáng vằng vặc. Chị em tôi háo hức chờ ông trưởng xóm đánh kẻng để đi lĩnh quà. Chúng tôi xếp hàng ngang giữa sân làng hồi hộp. Nhận quà là trái bưởi từ ông trưởng xóm, tôi chạy ùa về nhà. Chưa kịp khoe với mẹ đã thấy “mâm cỗ Trung thu” được bày sẵn. Gọi là “mâm cỗ” chứ thực ra chỉ có dĩa xôi không nhân, hai cái bánh đa và dĩa bánh mướt. Mẹ bảo: “Các con ngồi xuống đi. Đây là mâm cỗ Tết Trung thu của nhà ta. Cha mẹ mong các con chăm ngoan học giỏi”. Chị em tôi ngồi quây quần quanh chiếc chiếu cói cũ sờn quanh mép. Mẹ bẻ từng miếng bánh tráng chia cho bảy chị em. Để “công bằng”, mẹ chia 7 phần xôi, bánh đều nhau. “Đứa nào mẹ cũng thương như nhau. Chị em phải biết thương yêu nhau, đoàn kết với nhau”, mẹ dạy.
Trung thu trăng thanh gió mát, chị em tôi ngước lên trời cao nhìn những chùm sao xa lắc và nhâm nhi món quà Trung thu của mẹ. Hắt dưới ánh trăng trong màn đêm Thu, mắt mẹ rưng rưng nhìn đàn con đang tuổi ăn tuổi lớn. Đưa miếng xôi bén nồi lên miệng, mẹ bảo: “Tết Trung thu năm tới mâm cỗ sẽ to hơn, nhiều hơn”…
Mới đó mà đã hơn 30 năm. Hơn 30 năm - một khoảng thời gian dài trong đời người. Tết Trung thu thời bao cấp đã lùi vào dĩ vãng. Cuộc sống người Việt ở thế kỷ 21 không còn “đói cơm, thiếu áo” như mấy mươi năm trước. Quà Tết Trung thu cho con cháu trong mỗi gia đình cũng phong phú hơn. Thay bằng bánh đa, bánh đúc là những hộp bánh Trung thu bạc trăm, bạc triệu. Thay bằng chiếc đèn kéo quân làm bằng giấy bản năm nào là chiếc đèn lồng hiện đại làm bằng nhựa cao cấp, là những chiếc đèn có gắn pin và nhạc hoặc quà Trung thu là những món đồ chơi tiền.
Dẫu rằng, cuộc sống có nhiều thay đổi, song có một thứ mà những người sinh thời thế hệ chúng tôi mãi không bao giờ quên, đó là những món quà Trung thu đầm ấm nghĩa tình, đong đầy nhân ái và sự gắn kết, đoàn viên trong mỗi gia đình.
MAI THẮNG