Ô nhiễm môi trường, không chỉ có ở khu vực đô thị, mà còn đang trở nên rất báo động ở nông thôn. Hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2018, với chủ đề “Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững”, BR-VT đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn.
NHIỀU KHU VỰC NÔNG THÔN BỊ Ô NHIỄM
Để môi trường nông thôn trở nên trong lành sạch đẹp, người dân địa phương phải thay đổi thói quen xả thải, hãy bỏ rác đúng nơi quy định. Trong ảnh: Người dân ở Long Hải (huyện Long Điền) bỏ rác đúng nơi quy định theo mô hình “Nông thôn không rác”. |
Trên tuyến đường Mỹ Xuân-Hòa Bình (đoạn qua cánh đồng Xuân Sơn, huyện Châu Đức), nhiều loại túi nilon, thùng giấy, chai lọ, xác động vật chết… nằm bên đường, gây mùi hôi thối. Còn tại khu vực thị trấn Ngãi Giao, trên đường số 25 mới đưa vào sử dụng nhưng cũng có đủ loại rác thải sinh hoạt do người dân thải ra. Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ngãi Giao cho biết, mặc dù địa phương có đặt thùng rác nhưng người dân vẫn vứt bỏ rác tràn lan ra đường, ảnh hưởng xấu đến môi trường và mỹ quan đô thị. Theo thống kê của huyện Châu Đức, hiện trên địa bàn huyện có 60% số hộ dân đăng ký thu gom rác thải sinh hoạt, 40% hộ dân còn lại vẫn vứt rác ven đường, trong các lô cao su hoặc tự xử lý bằng cách đốt hoặc chôn trong vườn nhà.
Trong khi đó, tại các huyện Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Long Điền, ngoài rác thải sinh hoạt, các địa phương này còn phải gánh chịu một lượng lớn rác thải từ hoạt động chế biến hải sản. Khu phố Lộc An (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ) có chiều dài bờ biển khoảng 2km nhưng có đến 23 cơ sở chế biến hải sản. Nước thải từ việc sơ chế cá được người dân ở đây xả thẳng xuống biển.
Rác thải bị người dân vứt ngay trên đường liên xã Bưng Riềng - Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) bất chấp bảng cấm đổ rác được chính quyền địa phương đặt ở đây. |
Theo Sở TN-MT, mặc dù rác thải ở khu vực nông thôn chỉ chiếm 35% rác thải sinh hoạt của toàn tỉnh, nhưng việc thu gom và xử lý ở khu vực nông thôn hiện nay vẫn còn rất hạn chế, chỉ đạt khoảng 70%. Điều này dẫn tới tình trạng rác thải bị tồn đọng khi nhiều tại các điểm đổ rác, không vận chuyển để xử lý kịp thời, gây ô nhiễm môi trường sinh thái nông thôn. Nhiều địa phương xảy ra hiện tượng người dân tận dụng các ao, hồ và các vùng trũng, bãi biển để đổ rác thải, hình thành các hố chôn lấp rác tự phát, không bảo đảm quy trình kỹ thuật, gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, hiện nay, hầu hết các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt không hợp vệ sinh đều tập trung ở khu vực nông thôn.
Ngoài việc thu gom rác thải chưa hiệu quả, còn có nhiều nguyên nhân khác khiến môi trường khu vực nông thôn bị ô nhiễm như: chăn nuôi không hợp vệ sinh, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật... Tình trạng chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm nằm ngay cạnh khuôn viên nhà ở, chen chúc trong khu dân cư khá phổ biến ở vùng nông thôn trong tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 665 cơ sở chăn nuôi heo, trong đó gần 200 trang trại có quy mô từ 200 con trở lên, 83 trang trại chăn nuôi gà quy mô trên 3.000 con, 26 trang trại chăn nuôi vịt quy mô trên 3.000 con và 3 trang trại chăn nuôi bò quy mô từ 1.500 con trở lên. Số cơ sở chăn nuôi không hợp vệ sinh, xả thẳng chất thải chăn nuôi ra môi trường chiếm tới 32%.
VÌ MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN BỀN VỮNG
Đủ thứ rác thải ngập tràn bãi biển khu phố Lộc An (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ). |
Theo ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT, để giải quyết ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi, Sở TN-MT đã đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành chăn nuôi và quy hoạch vùng chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh, nhằm bảo đảm việc chăn nuôi thành vùng tập trung; đồng thời thực hiện một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất để chủ động phòng chống dịch và ô nhiễm môi trường.
Nhằm xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường vùng nông thôn, một trong những chủ trương lớn của tỉnh hiện nay là di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư. Theo đó, ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp - TTCN, tỉnh đã quy hoạch 2 CCN, gồm: CCN Hòa Long (TP.Bà Rịa) và CCN Phước Thắng (TP.Vũng Tàu) để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Trong lĩnh vực chế biến hải sản, tỉnh đã quy hoạch 2 khu chế biến hải sản tập trung, gồm: Khu 38ha tại xã Lộc An (huyện Đất Đỏ) và khu 22,5ha tại xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc).
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng cho người dân khu vực nông thôn về Luật Bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân đối với việc giữ gìn môi trường bền vững. Các đơn vị, khu dân cư, hộ gia đình cần tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt đến nơi quy định; có công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh.
Bài, ảnh: QUANG VŨ