Do nằm xen kẽ trong khu dân cư, qua nhiều thế hệ sinh sống nên những năm qua hàng chục hécta (ha) đất công ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc đã bị người dân bao chiếm, xây dựng trái phép.
Một khu đất công bị người dân lấn chiếm làm ao nuôi cá. |
CHIẾM ĐẤT CÔNG LÀM QUÁN KARAOKE, AO CÁ
Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Bình Châu, khoảng 60ha trong tổng diện tích 300ha đất công do địa phương quản lý hiện bị người dân bao chiếm trái phép từ năm 1997 đến nay.
Điển hình như quán karaoke T&T do ông Ngô Minh Thành, ở ấp Thanh Bình 1, xây dựng trên diện tích hơn 213m2 đất công. Vị trí quán chỉ cách UBND xã Bình Châu 500m. Năm 2016, phát hiện ông Thành đào móng làm nhà trên đất công, UBND xã Bình Châu đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt; đồng thời yêu cầu khôi phục nguyên trạng. Tuy nhiên, ông Thành chỉ chấp hành nộp phạt mà không chịu khắc phục hậu quả. Đến năm 2017, ông tiếp tục xây dựng và kinh doanh quán karaoke.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, quán karaoke T&T được ông Thành xây dựng kiên cố với quy mô 2 tầng, trong đó tầng trên vẫn còn những cột bê tông chờ. Giải thích vì sao công trình này không bị cưỡng chế, ông Đinh Xuân Dậu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu lý giải: “Trong thời gian ông Thành lấn chiếm đất công, trên địa bàn xã cũng xảy ra nhiều trường hợp khác tương tự nhưng rất khó xử lý. Nhiều trường hợp làm hợp đồng mua bán đất bằng giấy tay nhưng lại có chữ ký xác nhận của trưởng ấp. Chúng tôi cũng đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra một số vụ việc nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được vì trước đó không có biên bản vi phạm hành chính”.
Tại ấp Láng Giăng, khu đất khoảng 3.000m2 cũng bị ông Phạm Quang Thành lấn chiếm từ nhiều năm nay. Theo tìm hiểu, khu đất này do ông Thành mua bằng giấy tay của nhiều hộ dân và được xác định là đất công. Hiện nay, ông Thành đã xây tường rào quanh đất, trong đó có một phần làm ao nuôi cá.
Tình trạng lấn chiếm đất công tại xã Bình Châu đã ảnh hưởng đến việc xây dựng Trường THCS Bình Châu 2. Cụ thể, đầu năm 2018, khi lực lượng chức năng địa phương chuẩn bị khởi công công trình thì người dân phản đối vì cho rằng vị trí đất đó do họ khai phá từ nhiều năm qua, khiến việc khởi công chưa thể tiến hành.
QUYẾT LIỆT THU HỒI
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, hầu hết diện tích đất công bị bao chiếm đều nằm xen kẽ trong khu dân cư. Người dân bao chiếm rồi mua bán bằng giấy tay cho nhau và qua nhiều chủ. “UBND xã sẽ thực hiện đo vẽ các khu đất công bị lấn chiếm rồi tổng hợp báo cáo UBND huyện Xuyên Mộc. Sau đó, chúng tôi sẽ tiến hành vận động bà con trả lại đất cho nhà nước. Trường hợp nào không trả sẽ bị cưỡng chế”, ông Dậu nói. Theo ông Lê Văn Thanh, cán bộ địa chính xã Bình Châu, trên cơ sở đo đạc lại hiện trạng diện tích đất công (bao gồm cả diện tích bị lấn chiếm và chưa lấn chiếm) rồi đối chiếu với bản đồ quy hoạch đất năm 1997 của xã sẽ xác định được đâu là đất công, đâu là đất do người dân sử dụng và đâu là phần đất công bị lấn chiếm để phân loại, xử lý.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, người dân xã Bình Châu, cho rằng chính quyền địa phương không công khai những phần đất do nhà nước quản lý. Vì không nắm được thông tin nên người dân cứ mua bán đất bằng giấy tay rồi tiến hành xây dựng nhà cửa trái phép, đến lúc bị phát hiện mới vỡ lẽ thì việc đã rồi và hậu quả rất nặng nề, khó khắc phục.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Phúc Chỉnh, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, trước đây, các chính sách, quy định về quản lý đất công chưa chặt chẽ, chưa bao quát đầy đủ. Mặt khác, việc quản lý, bảo vệ đất của các tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng đất công kém hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được thường xuyên, nên việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm chưa kịp thời, dẫn đến tình trạng đất công bị bao chiếm. “Lẽ ra, khi người dân bắt đầu có hành vi lấn chiếm đất công thì cơ quan quản lý nhà nước phải có mặt và lập biên bản ngay. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người dân lấn chiếm đất công rồi xây dựng nhà cửa, sinh sống lâu dài mà cơ quan quản lý nhà nước vẫn không có động thái gì để nhắc nhở, ngăn chặn. Vì vậy, nhiều người bao chiếm đất lâu năm rồi tìm cách hợp thức hóa phần đất công lấn chiếm”, ông Chỉnh nói.
Ông Lê Anh Tú, Chánh Văn phòng Sở TN-MT khẳng định, đất công bị lấn chiếm đương nhiên sẽ phải thu hồi. Tuy nhiên, việc làm này khiến nhà nước tốn thời gian, công sức và cả ngân sách để hỗ trợ và dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế, xã hội. Còn theo Luật Đất đai, đơn vị, địa phương nào để người dân lấn chiếm đất công thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Bài, ảnh: SA HUỲNH