Điệu nhảy giữa giờ chơi
Thay vì những tiết học thể dục bình thường, nhiều trường học trên địa bàn TP.Vũng Tàu đã đưa vào những điệu nhảy dân vũ vui tươi, tạo sự hứng khởi cho HS và GV. Đó là kết quả từ phong trào “hát múa sân trường” được Phòng GD-ĐT TP.Vũng Tàu triển khai trên địa bàn 2 năm qua.
TRÒ YÊU THÍCH, THẦY CÔ PHẤN KHỞI
HS Trường TH Trưng Vương “hát múa sân trường” mỗi sáng trước giờ học. |
7 giờ sáng thứ Ba, vừa nghe tiếng nhạc ca khúc “Hành khúc đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh” vang lên, 1.200 HS Trường TH Trưng Vương nhanh chóng tập trung, xếp hàng ngay ngắn để chuẩn bị cho tiết mục “hát múa sân trường”. Cô Phạm Thị Kim Ngoan, GV trực tuần hô hiệu lệnh: “Các em đã sẵn sàng chưa? Chúng ta sẽ hát thật lớn, múa thật đều để chào mừng ngày mới nghe”. “Dạ, thưa cô rồi ạ!”, các em HS đồng thanh đáp vang dội cả sân trường.
Tiếng nhạc bắt đầu vang lên. HS vừa đồng thanh hát theo hai ca khúc: Hành khúc đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Vui đến trường, vừa di chuyển tay, chân theo tiếng nhạc. 8 động tác thể dục phối hợp được các em thể hiện đều tăm tắp, những đôi tay đeo bông hoa, bông tua rua, khi vỗ vào nhau, lúc giơ lên, khi hạ xuống một cách sinh động, đẹp mắt. Không chỉ đứng yên một chỗ, các em còn di chuyển, tạo hình thành ngôi sao, bông hoa, chữ H… Bài thể dục kéo dài 5 phút, cuối cùng, các em kết thúc bằng việc xếp hình cuốn tập, ở giữa là một bông hoa và hai chữ cái T-V viết tắt của từ Trưng Vương được xếp hai bên. Cô Ngoan nhận xét: “Hôm nay các em múa đều, hát hay, cô cảm ơn các em”, cả trường vang lên tiếng vỗ tay, khuôn mặt các em HS rạng rỡ khi được cô khen. Sau đó, các em xếp hàng vào lớp, chuẩn bị cho giờ học văn hóa.
Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường TH Trưng Vương cho biết, trước đây, nhà trường thực hiện tập thể dục theo hiệu lệnh trống. 2 năm nay, thực hiện chủ trương của Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT, nhà trường tổ chức cho các em tập thể dục trên nền nhạc. Ban đầu, các GV chọn ca khúc có giai điệu vui tươi, phù hợp với lứa tuổi các em để tập, sau đó, sáng tạo các động tác thể dục trên nền nhạc và học cách xếp người thành hình. “Mất hơn một tháng, cả trường mới thành thạo các bài tập và các em HS tỏ ra rất thích thú với những bài thể dục này”, cô Thủy nói.
Ngoài bài thể dục 5 phút đầu giờ, trong những giờ ra chơi, mỗi ngày sẽ có 1 khối lớp “hát múa sân trường”, trong khi các khối lớp còn lại đứng ở hành lang vỗ tay, hát minh họa. Hình thức này giúp các em nhớ bài lâu hơn, đồng thời cũng giúp các em được vận động thư giãn sau giờ học căng thẳng. “Em thích học thể dục theo nhạc. Những bài hát, múa đầu giờ và trong giờ ra chơi giúp em có tinh thần sảng khoái, tiếp thu bài cũng nhanh hơn”, em Cù Thái Hà Linh, lớp 54 chia sẻ.
Thầy Lương Hữu Phương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phước Thắng (TP.Vũng Tàu) cho biết, trường có hơn 1.800 em HS. Hai năm qua, trường đã duy trì phong trào “hát múa sân trường”. Mỗi ngày, vào giờ ra chơi lúc 8 giờ 30, các em HS lại xếp hàng ngay ngắn và bắt đầu điệu dân vũ theo nền nhạc ca khúc “Nối vòng tay lớn”. 10 động tác thể dục được phối hợp khéo léo với một số động tác nhảy hip-hop, tạo hình trái tim từ hai tay… được các em thực hiện đều tăm tắp. Sau bài thể dục, các em tiếp tục giải trí bằng các hoạt động: đọc sách, chơi cầu lông, đá banh. Em Trần Thị Bảo Ngọc, lớp 810 nói: “Khi mới tập, tụi em cũng thấy hơi ngại, nhưng khi quen rồi thì hầu như bạn nào cũng thích. Cũng là thể dục, nhưng nhảy theo nhạc vui hơn là tập theo tiếng hô hay hiệu lệnh trống”.
TIẾP TỤC PHÁT HUY
HS Trường TH Trưng Vương “hát múa sân trường” mỗi sáng trước giờ học. |
Hai năm trước, khi thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục thể chất tại trường học của Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT TP.Vũng Tàu, GV Trường THCS Phước Thắng đã lên mạng tìm hiểu và chọn ca khúc “Nối vòng tay lớn” với tiết tấu nhanh làm ca khúc chủ đạo cho tiết mục nhảy dân vũ và đặt tên là “Vũ điệu Phước Thắng 1”. Chọn được nhạc rồi, các GV tiếp tục tìm động tác phù hợp để đưa vào ca khúc. “Tôi tham khảo ý kiến các em HS để xem sở thích của các em, làm sao những động tác dân vũ vừa khỏe khoắn, lại trẻ trung, phù hợp với lứa tuổi các em. Sau đó, mỗi lớp chọn ra vài em có năng khiếu để tập luyện, rồi tập từng lớp và cuối cùng là ráp toàn khối. Mất chừng 3 tuần, các khối đã tập nhuần nhuyễn. Năm học này, chúng tôi đang tập luyện, chuẩn bị triển khai ca khúc mới mang tên Panama cho “Vũ điệu Phước Thắng 2”, hứa hẹn các em sẽ rất yêu thích”, cô Tú Anh, GV môn Thể dục cho hay.
Tương tự, tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình, 2 năm qua, nhà trường duy trì hoạt động thể dục giữa giờ bằng các tiết mục dân vũ. Năm đầu tiên, trường thực hiện tiết mục dân vũ trên nền nhạc ca khúc “Việt Nam ơi”, năm nay là “Hành khúc đội” và sắp tới sẽ là một ca khúc mới mà HS yêu thích. “Ban Giám hiệu trường đang đặt hàng các GV của tổ thể dục thiết kế một tiết mục mới. Do khuôn viên trường chật, nên các em HS phải đứng cả ở hành lang để tập. Tuy nhiên, điều này không làm giảm sự thích thú của các em HS với những tiết dân vũ giữa giờ”, cô Nguyễn Thị Miền, Hiệu trưởng nhà trường nói.
Ông Nguyễn Khắc Hùng, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT TP.Vũng Tàu nhận xét, qua 2 năm triển khai, nhiều trường đã thực hiện rất tốt phong trào “hát múa sân trường” và tập dân vũ vào giờ ra chơi, như các trường TH: Phước Thắng, Quang Trung, Trưng Vương, Hạ Long; các trường THCS: Phước Thắng, Nguyễn Thái Bình, Vũng Tàu, Võ Trường Toản. Việc triển khai sáng tạo các động tác thể dục, kết hợp múa trên nền nhạc tại các trường đã tạo sự hào hứng cho GV, HS, qua đó giúp các em yêu thích giờ thể dục hơn. Ở nhiều trường, các GV cùng nhảy dân vũ với HS, qua đó thầy và trò có dịp gần gũi hơn, hiểu nhau hơn, tình cảm gắn kết hơn và các em cũng hứng thú với giờ học hơn.
Bài, ảnh: MINH QUANG