Thời gian qua, một số Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao-Học tập cộng đồng (VHTT-HTCĐ) trên địa bàn huyện Châu Đức đã tích cực kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa (XHH) một số hạng mục thể thao, vui chơi. Nhờ đó, hoạt động của các Trung tâm đa dạng hơn, thu hút nhiều người dân đến sinh hoạt.
Trẻ em vui chơi tại Trung tâm VHTT-HTCĐ xã Kim Long. |
ĐÔNG VUI
Chiều thứ Bảy, Trung tâm VHTT-HTCĐ xã Kim Long, huyện Châu Đức nhộn nhịp cảnh người dân đến sinh hoạt. Góc này, các em nhỏ chơi cầu trượt, đu quay, xe điện. Ở khoảng sân khác, các thành viên CLB Teakwondo đang hăng say tập luyện.
Anh Quang Khải (xã Kim Long) chở cậu con trai Quang Anh (HS lớp 1) tới chơi trò xe máy điện và đu quay, cho biết hàng ngày, vợ chồng anh đều đến Trung tâm để đi bộ thể dục. Cuối tuần, anh chở con đến chơi các trò chơi. “Tôi ra điều kiện: Tuần nào con chăm học, ngoan ngoãn sẽ được cho đến Trung tâm chơi trò chơi, làm tranh cát, tô tượng. Cháu rất thích và luôn cố gắng chăm ngoan để được ba đưa đến Trung tâm mỗi tuần”, anh Khải nói.
Theo bà Nguyễn Thị Thảo, Phó Chủ nhiệm Trung tâm, ngay từ những ngày mới đi vào hoạt động (năm 2013), Ban chủ nhiệm Trung tâm đã kêu gọi đầu tư XHH từ các cơ sở tư nhân để làm phong phú hoạt động nhằm thu hút đông đảo nhân dân tham gia, đặc biệt là thanh, thiếu niên - nhi đồng. Nhờ hoạt động phong phú, đáp ứng được nhu cầu của người dân nên bình quân mỗi ngày, Trung tâm VHTT-HTCĐ xã Kim Long đón khoảng 500 lượt người đến sinh hoạt.
Ông Trần Văn Bé Nam là một trong những người đầu tiên tham gia XHH, đầu tư khu vui chơi trẻ em từ khi Trung tâm mới hoạt động. Đến nay, ông đã đầu tư tổng cộng khoảng 700 triệu đồng cho các trò: nhà phao, đu quay, xe điện đụng, ô tô lượn, mâm xoay… Với giá 5.000 đồng/vé, mỗi tối ông thu được 600.000 - 1 triệu đồng từ khu vui chơi. Những ngày lễ, tết lượng khách đông hơn nên doanh thu cũng cao hơn. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng ông có thu nhập khoảng 15 triệu đồng. Tương tự, bà Châu Thị Chinh cũng đầu tư dịch vụ cho thuê xe máy điện, ô tô điện tại Trung tâm từ năm 2016 với tổng vốn 250 triệu đồng (50 xe các loại). Bà tiết lộ, chỉ sau một năm đã thu hồi vốn và hiện đang dự tính tiếp tục đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng khu vui chơi liên hoàn tại đây.
Ngoài 2 khu vui chơi kể trên, Trung tâm còn có dịch vụ cho thuê mặt bằng đãi tiệc với giá 25.000 đồng/bàn. Các dịch vụ như: quán nước Thanh niên; các CLB: võ thuật (Teakwondo, cổ truyền), dưỡng sinh, kỹ năng; các thiết bị thể dục ngoài trời, thiết bị vui chơi trẻ em… “Hoạt động XHH không chỉ giúp Trung tâm trở thành tụ điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao, giải trí phục vụ nhân dân địa phương mà hàng năm còn nộp ngân sách từ 30-40 triệu đồng. Điều quan trọng hơn, việc XHH các mô hình vui chơi đã giúp thu hút nhiều đối tượng người dân đến sinh hoạt”, bà Nguyễn Thị Thảo nói thêm.
TIẾP TỤC NHÂN RỘNG XHH
Ngoài xã Kim Long, một số Trung tâm VHTT-HTCĐ của các xã khác trên địa bàn huyện Châu Đức cũng hoạt động hiệu quả nhờ kêu gọi XHH. Trung tâm VHTT-HTCĐ xã Quảng Thành là một trong những điển hình. Khai trương từ năm 2011, Trung tâm hiện có 2 cơ sở XHH là Trung tâm Anh ngữ Á Châu và CLB TDTT Đức Thành. “Cùng với các CLB: dưỡng sinh, võ thuật, thư viện, việc XHH đã góp phần đa dạng các hoạt động tại Trung tâm, thu hút khoảng 170 lượt người đến sinh hoạt /ngày, thu nộp ngân sách khoảng 50 triệu đồng/năm”, bà Huỳnh Ngọc Thủy, Phó Chủ nhiệm Trung tâm cho hay.
Theo ông Cao Hoàng Vũ, Phó Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Châu Đức, ngoài 2 Trung tâm trên, Trung tâm VHTT-HTCĐ xã Suối Nghệ cũng kêu gọi được XHH một số hoạt động như: xe điện thiếu nhi, cho thuê mặt bằng tổ chức đám cưới; thành lập các CLB: võ thuật, dưỡng sinh. Mỗi ngày, Trung tâm thu hút khoảng 200 lượt người đến sinh hoạt. Các hoạt động XHH đã góp phần tạo nên sức sống cho các Trung tâm VHTT-HTCĐ, khắc phục tình trạng vắng vẻ như trước đây. Ngoài ra, từ hoạt động của các CLB võ thuật, cầu long, ngành TDTT còn phát hiện được những năng khiếu là hạt nhân cho phong trào thể thao tại địa phương.
Ông Vũ cho biết thêm, hiện nay, một số Trung tâm đang kêu gọi đầu tư XHH hồ bơi, CLB yoga, CLB thể dục thẩm mỹ… để đa dạng hóa các dịch vụ phục vụ người dân. Đặc biệt, Trung tâm VHTT-HTCĐ xã Nghĩa Thành chuẩn bị đi vào hoạt động nhưng đã có một số nhà đầu tư đặt vấn đề mở lớp năng khiếu âm nhạc, aerobic. “Đó là những tín hiệu đáng mừng với một huyện thuần nông và còn nhiều khó khăn như Châu Đức. Thời gian tới, huyện sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc ký hợp đồng XHH, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia XHH tại các Trung tâm VHTT-HTCĐ. Từ đó, hoạt động thể thao được nhân rộng, thu hút người dân đến sinh hoạt đông hơn; hiệu quả hoạt động của các Trung tâm cũng được cải thiện”, ông Vũ nói.
Bài, ảnh: MINH QUANG