Cuối tháng 8 vừa qua, Đoàn Giám sát do Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh chủ trì đã giám sát tại 12 cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH) trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá công tác quản lý nhà nước về chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Qua kiểm tra, đoàn ghi nhận một số cơ sở BTXH thực hiện rất tốt công tác chăm sóc trẻ em, nhưng cũng có những cơ sở chưa bảo đảm điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.
Lớp học dành cho trẻ em khuyết tật đặc biệt tại Nhà xã hội Long Hải (huyện Long Điền) - một trong những cơ sở được đánh giá cao về công tác chăm nuôi trẻ.
|
20 CƠ SỞ CHƯA ĐƯỢC CẤP PHÉP HOẠT ĐỘNG
Không thể phủ nhận ý nghĩa mà các cơ sở BTXH mang lại đối với công tác xã hội hóa chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK trong tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh một số cơ sở được đánh giá cao vẫn còn không ít cơ sở không bảo đảm yêu cầu. Do chưa đáp ứng được các điều kiện tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, nhân sự, hồ sơ đất đai, hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn 20 cơ sở BTXH ngoài công lập tại các địa phương chưa được cấp phép hoạt động. Ở một số cơ sở, do phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vận động từ các tổ chức, cá nhân đóng góp nên công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em chưa bảo đảm, cơ sở vật chất xuống cấp, chật chội, mất vệ sinh…
Tịnh xá Ngọc Tuyền (TX. Phú Mỹ) hiện đang nuôi 8 trẻ em từ 5-14 tuổi, trong đó có 2 trẻ em gái. Tuy nhiên, các em đều được xếp sinh hoạt chung trong 1 phòng. Có mặt tại Tịnh xá Ngọc Tuyền ngày 17-8 vừa qua, PV ghi nhận, ngay cửa ra vào phòng ngủ của trẻ em, đủ loại giường, chiếu, đồ chơi đã hư hỏng để lộn xộn, trong và ngoài phòng ngủ có mùi khai rất khó chịu. Còn tại khu vực nhà ăn, các loại gia vị, đường, muối được đựng trong các bịch nilon hở, đặt ngay trên sàn nhà, tủ lạnh dùng đựng thực phẩm đã xuất hiện nấm mốc, bốc mùi khó chịu.
Trong quá trình giám sát, tại Trung tâm nhân đạo Bồng Lai (xã Tân Hòa, TX. Phú Mỹ) vào ngày 16-8 vừa qua, Đoàn Giám sát do Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh chủ trì ghi nhận, cơ sở này hiện đang chăm sóc 103 trẻ có hoàn cảnh ĐBKK, nhưng không bảo đảm về cơ sở vật chất. Trung tâm chỉ có 3 phòng ngủ, mỗi phòng rộng khoảng 30m2 nhưng có đến 40 trẻ không phân biệt lớn nhỏ, cùng ngủ và sinh hoạt chung. Buổi tối, các em trải chiếu và nằm ngủ ngay dưới nền nhà. Hay tại Tịnh xá Ngọc Hòa (TX.Phú Mỹ) 20 trẻ khuyết tật, mồ côi được nuôi dưỡng tại đây đều sinh hoạt chung một phòng. Trong phòng có 10 giường tầng đôi, chăn màn, quần áo vứt bừa bộn và có mùi khai rất khó chịu. Bữa ăn hàng ngày của các em chủ yếu là rau, thức ăn chay, thỉnh thoảng mới được ăn mặn khi có các nhà hảo tâm đến làm từ thiện. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển về thể chất của trẻ so với những trẻ em khác.
CẦN HỖ TRỢ VỀ PHÁP LÝ
Theo Sở LĐTBXH, hiện nay còn 13 trẻ em tại Cơ sở chăm sóc trẻ khuyết tật Thiên Thần (TX. Phú Mỹ) chưa được làm giấy khai sinh do hồ sơ tiếp nhận ban đầu của trẻ còn thiếu. Còn tại Tịnh xá Ngọc Đức (TP. Vũng Tàu) hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 11 trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK và hỗ trợ 70 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn theo chế độ bán trú. Đa số trẻ em này có lý lịch nhưng chưa có hộ khẩu hay xác nhận của chính quyền địa phương do là người từ các địa phương khác chuyển về, gia đình sống tạm bợ, không ổn định. Chính vì vậy, việc thực hiện chế độ miễn, giảm học phí, cấp thẻ BHYT cho các em còn gặp nhiều khó khăn.
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Nhân đạo Từ Ân (TX. Phú Mỹ).
|
Cũng gặp khó khăn trong vấn đề làm thủ tục, hồ sơ nhập học cho trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK cộng với nguồn kinh phí hoạt động còn hạn hẹp nên hiện nay, tại Trung tâm nhân đạo Bồng Lai chỉ có 9/20 trẻ em từ 1-5 tuổi được đi học mầm non, 52/73 trẻ được học TH và THCS, 1 trẻ đang học THPT.
Theo ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, hàng năm, Sở tổ chức các đợt kiểm tra, kịp thời phát hiện sai sót và đề nghị các cơ sở BTXH khắc phục, đồng thời tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở làm thủ tục hồ sơ thành lập, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em… Tuy nhiên, việc vận động đại diện các cơ sở tham gia tập huấn về các nội dung này cũng không dễ dàng. “Trong thời gian tới, Sở LĐTBXH đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các trường xem xét miễn giảm các khoản đóng góp trường, lớp cho trẻ đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở BTXH, phối hợp với các cơ sở trong việc phổ cập giáo dục cho trẻ ngoài độ tuổi đến trường. UBND các huyện, thành phố, thị xã tiến hành rà soát, hướng dẫn các cơ sở tôn giáo đang nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em chưa đủ điều kiện hoàn thiện cơ sở vật chất, nhân lực; kiên quyết xử lý những cơ sở mới phát sinh mà chưa được cấp phép hoạt động…”, ông Khánh nói.
Mới đây, trong kỳ họp lần thứ 16 của Thường trực HĐND tỉnh, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK cũng đã được đề cập. Theo đó, Thường trực HĐND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan, chính quyền các địa phương phải nghiên cứu xây dựng kế hoạch hỗ trợ các cơ sở nuôi dưỡng trẻ ngoài công lập đủ điều kiện để hoạt động. Có thể xem xét đến phương án hợp tác công - tư (nhà nước hỗ trợ một phần) để bảo đảm chăm sóc tốt cho trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK. Nếu cơ sở nào không đạt tiêu chuẩn thì kiên quyết xóa bỏ, không để kéo dài tình trạng trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK không được học hành, chăm sóc sức khỏe và điều kiện nuôi dưỡng không bảo đảm như ghi nhận qua giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh.
Năm 2017 và 2018, ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh dành để thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK gần 4,6 tỷ đồng với các hoạt động như: Thăm, tặng quà, học bổng, xe đạp; khám sàng lọc các bệnh tim bẩm sinh, khuyết tật vận động; hỗ trợ thẻ BHYT…
Theo báo cáo của Sở LĐTBXH, toàn tỉnh hiện có 3.056 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (chiếm tỷ lệ 1,14% trẻ em trên địa bàn tỉnh) và 8.447 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 31 cơ sở nuôi dưỡng 908 trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK, gồm 2 cơ sở công lập và 29 cơ sở ngoài công lập. Trong đó, Sở LĐTBXH trực tiếp quản lý 3 cơ sở (2 cơ sở công lập và 1 cơ sở ngoài công lập); 28 cơ sở do UBND các huyện, thành phố, thị xã trực tiếp quản lý. |
Bài, ảnh: TƯỜNG NGÂN