- Nhớ chợ nông sản Thạnh Hóa nằm kế bên các khu bảo tồn Ramsar ở miền Tây không ông?
- Nhớ chứ. Nhưng gọi vậy không đúng mà phải gọi là “chợ tận diệt chim trời” vì hầu hết chim, thú bán ở chợ là săn bắt trộm từ các khu vực bảo tồn nói trên.
- Không sai. Đó thực chất là một chợ chim, bày bán “phục vụ” nhiều loài chim trời và thú quý hiếm cho khách du lịch.
- Ông không nổi hứng, rủ tui xuống đó mua một ít chim, rùa, rắn… về nhâm nhi đó chứ?!
- Hừm, làm gì có chuyện đó. Chỉ là muốn hỏi ông biết có con đường tắt nào “né” khu chợ chim ấy không?
- Sao lại phải đi đường tắt để “né” chợ chim?
- Để sau này có đưa bạn bè, du khách nước ngoài đi du lịch miền Tây thì khỏi phải đi ngang đó, tránh cho họ phải chứng kiến cảnh giết mổ, vặt lông hay treo ngược chim thành từng chùm gây phản cảm.
- Ờ há! Du khách nước ngoài họ sẽ sốc lắm luôn nếu như trông thấy những con chim bị vặt trụi lông hoặc làm thịt chim bằng cách đập đầu chúng vô cột.
- Nhưng, cho dù có “né” chợ chim thì du khách trong và ngoài nước cũng biết đến cái chợ tận diệt chim trời kia ông ơi.
- Sao họ biết?
- Vì người ta đã có “sáng kiến” lập trang facebook để rao bán chim trời, góp phần phát triển du lịch…
- Trời, làm gì có cái kiểu phát triển du lịch như vậy. Nhận thức gì sai trái quá vậy? Mua bán chim trời, để cho cái chợ chim ấy tồn tại trên mạng hoặc ngoài đời là bôi xấu hình ảnh du lịch Việt Nam đó, biết chưa?!
HẢI LĂNG