Không ai dám khẳng định sống trên đời mà không cần đến tiền. Đặt trong quan hệ gia đình, có những trường hợp có thể châm chước nhưng một khi nhắc đến tiền thì phải “đâu ra đó”. Chẳng hạn, người chồng có thể đi ngược về xuôi, việc nhà không thèm ngó ngàng tới nhưng thu nhập hằng tháng dứt khoát phải nộp đúng, nộp đủ cho vợ.
Minh họa của MINH SƠN |
Anh bạn tôi lắm lúc “mất mặt” với bạn bè, bởi ai cũng lén nói nhỏ sau lưng: “Lão ta keo kiệt tệ”. Anh thừa biết nên phân trần với tôi, đại khái, “đường đường một đấng trưởng phòng” nhưng chẳng bao giờ anh chủ động mời mọc ai hoặc khi kết thúc cuộc vui, ai cũng tự giác mở bóp góp tiền “hợp tác xã”, còn anh thì “quăng cục lơ”. Chơi vậy, chơi với ai? Anh nhăn nhó: “Ai thấu được nỗi khổ của tớ? Vợ chồng làm chung cơ quan nên tất tần tật các khoản thu nào, bà xã tớ đều ký nhận giùm. Nói thật, nhiều năm làm chung nhưng hiếm khi tớ có dịp xã giao đôi câu với các cô tài vụ, kế toán, thủ kho! Khi cơ quan chuyển tiền lương qua thẻ ATM, vợ tớ liền thủ thỉ ngọt ngào: “Anh đãng trí lắm, thường quên mật khẩu nên em giữ thẻ giúp cho anh nhé! Lúc nào anh cần tiền, em đưa. Anh thấy em dễ thương chưa?”.
Vâng, dễ thương đến độ mỗi lần nhắc đến chuyện tiền là anh méo xẹo mặt mày.
Rõ ràng, một khi “nửa này” chủ động quản lý tiền nong một cách tích cực, “nửa kia” lắm lúc rơi vào cảnh ngộ bất cập. Tôi biết có những người, mỗi ngày phải “nhún mình” nhận tiền từ tay vợ, dù đó là tiền do chính công sức mình làm ra. Ai đó đã ví von một cách hài hước, giao tiền cho vợ giữ, đã không sinh lãi mà còn thuộc vào khoản “nợ khó đòi”.
Với vai trò xông xáo ngoài xã hội, người chồng luôn có nhiều mối quan hệ xã giao, có lúc phải chi những khoản mà người vợ khó có thể biết, nếu biết cũng khó có thể thông cảm. Chị Thư hàng xóm “tư vấn” với bà xã tôi, đại khái, người vợ phải quán xuyến thu nhập của chồng vì đàn ông không biết được giá trị đồng tiền (?!). Bằng chứng, ngày kia chồng chị gặp nhóm bạn học cũ, sau khi “tay bắt mặt mừng” không thể thiếu cái khoản lai rai chút đỉnh. Lúc bỏ quần áo vào máy giặt, chị phát hiện biên lai tính tiền ngày hôm đó. Đọc kỹ các món ăn và săm soi số tiền phải trả, chị choáng luôn. Chà, một chầu nhậu lên đến vài triệu đồng, bằng tiền đi chợ của cả nhà trong một tuần! Tính toán một lúc, chị Thư cảm thấy xót tiền quá, chị cằn nhằn, nhưng chồng chị lại cười rổn rảng: “Làm ra tiền, phải biết tiêu tiền chớ em?”
Đúng thế, nhưng do giữa vợ và chồng không đồng thuận về cách tiêu tiền nên lắm lúc cãi nhau. Người này bảo phải mua vật dụng này nhưng người kia lại cản bởi cảm thấy chưa thật cần thiết. Nếu thu nhập có đồng ra đồng vào, chẳng ai so đo, tính toán làm gì nhưng gia cảnh vẫn còn thiếu trước hụt sau mà vung tay quá trán, ai chịu nổi?
Tuy nhiên, nếu rạch ròi quá trong chuyện sử dụng tiền, vợ/chồng lắm lúc rơi vào tình cảnh dở khóc, dở cười. Vợ chồng nhà nọ đưa con về quê thăm ông bà nội, đường dài cả chục cây số, dù vợ nằn nì thuê taxi cho an toàn nhưng chồng gạt phắt: “Đi xe máy cũng được em à, lại tiết kiệm cả triệu bạc”. Cô vợ nín khe, bực mình lắm nhưng lâu nay chồng là “chủ tài khoản” nên đành chịu. Nào ngờ, trên đường về quê, xe đang bon bon thì cán phải đinh. Chồng hì hục đẩy xe tìm chỗ vá đến toát mồ hôi hột. Trong khi đó, cô vợ thong thả dắt con theo sau và mỉm cười một cách mãn nguyện.
Cuối tuần, tôi đang ngủ bỗng nghe chuông điện thoại réo ầm ĩ, hoảng quá, có chuyện gì gấp mà Hưng lại réo vào lúc này? “Có thể cho tớ mượn ít tiền được không? Sáng mai giải thích. Còn giờ kẹt quá. Nếu được sẽ có người đến tận nhà, cậu không phải ra khỏi nhà đâu”. Biết làm sao được, tôi đành gật đầu. Điều khiến tôi ngạc nhiên là số tiền Hưng mượn chẳng nhiều nhặn gì. Nào ngờ, chỉ mười lăm phút sau, chính anh ta lù lù tới, đi theo sau là nhân viên của quán ăn. Thì ra, chiều đó, tình cờ gặp lại nhóm bạn cũ từ ngoài quê vào chơi, chỉ có ít tiền vợ phát cho lúc sáng, anh mời bạn bè lai rai cà phê cà pháo. Nhưng rồi cao hứng, muốn chứng tỏ mình cũng không đến nỗi keo kiệt, eo hẹp gì nên Hưng lại mời bạn đi nhậu cho “hoành tráng”, cuối cùng, túi tiền “thủng” luôn. Hưng méo xị mặt mày: “Nếu vợ tớ không quản cái thẻ ATM thì đâu đến nỗi”!
Nhưng việc người vợ siết chặt túi tiền cũng có nhiều lý do lắm. Sau này, tôi mới biết ra, có lần Hưng bị vợ phát hiện đã nhiều lần bỏ ra số tiền lớn để mua quà cáp “hàng hiệu” tặng tình nhân. Từ đó, mọi thu nhập của anh ta đã bị vợ đưa vào “tầm ngắm”. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Sự sít sao cặn kẽ về các khoản thu nhập, đôi lúc lại đẩy “nửa kia” vào tình thế khó xử, thậm chí còn “mất giá” nữa là khác.
“Của chồng công vợ”, đồng tiền làm ra, quản lý thế nào là thỏa thuận của mỗi nhà. Tuy nhiên, nếu người vợ/chồng giữ tiền không khác gì “thần giữ của”, biết đâu có lúc lại thất sách. Bởi lẽ, ai cũng có những mối quan hệ ngoài xã hội do xã giao, do công chuyện làm ăn v.v… Vì vậy có những lúc “người của mình” cần phải có đồng tiền để chi trả này nọ. Thế mà mình chẳng “nhả” ra cho một xu thì “nửa kia” biết làm sao đây?
LÊ MINH QUỐC