Văn hóa đọc trong thời đại số

Thứ Sáu, 24/08/2018, 08:00 [GMT+7]
In bài này
.

Từ lâu, sách đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của con người. Sách là kho tàng tri thức, cung cấp kiến thức để chúng ta có thể phát triển nghề nghiệp, hướng dẫn chúng ta cách sống, cách làm người, hướng tới những giá trị nhân văn. Tóm lại, đọc sách mang lại những lợi ích to lớn và thiết thực.

Cán bộ, công chức Phòng Quản lý đô thị TP.Vũng Tàu tranh thủ đọc sách đầu buổi sáng, trước khi đến giờ làm việc tại Phòng đọc sách được bố trí ngay tại khuôn viên Phòng Quản lý đô thị. Ảnh: MINH QUANG
Cán bộ, công chức Phòng Quản lý đô thị TP.Vũng Tàu tranh thủ đọc sách đầu buổi sáng, trước khi đến giờ làm việc tại Phòng đọc sách được bố trí ngay tại khuôn viên Phòng Quản lý đô thị. Ảnh: MINH QUANG

Tuy nhiên, từ khi Internet ra đời và phát triển bùng nổ, nó đã và đang đóng vai trò quan trọng, chi phối mọi lĩnh vực trong đời sống, tác động đến nhiều thứ, trong đó có văn hóa đọc. Ngày nay, nhất là ở Việt Nam, hình ảnh một người chăm chú vào cuốn sách khi đi tàu, xe đã và đang bị thay thế bởi hình ảnh những người chăm chú vào màn hình thiết bị di động thông minh (smartphone). Trong quán cà phê hay chiếc ghế đá nơi công viên cũng hiếm thấy cảnh người nào đó ngồi mơ mộng với cuốn sách trên tay mà thay vào đó là chiếc máy tính hoặc điện thoại để lướt mạng, facebook.  

Theo những khảo sát thăm dò thị trường của các nhà xuất bản lớn trong nước, văn hóa đọc sách in ở ta đang ở mức rất thấp. Thị trường hơn 90 triệu dân, trong đó 50% là người trẻ nhưng mỗi đầu sách trung bình chỉ in vài ngàn cuốn, hiếm lắm mới có cuốn được in với số lượng nhiều hơn. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người dân dần xa rời sách in. Một số ý kiến cho rằng người Việt ít đọc sách là do các nhà văn Việt không viết được các tác phẩm hấp dẫn. Các tác giả thì lại đổ lỗi tại người Việt không chịu mua, đọc sách nghiêm túc, chỉ thích những sản phẩm “mì ăn liền” đầy rẫy trên mạng, trên quầy thì nhà văn làm gì có tâm huyết mà sáng tạo ra những tác phẩm để đời. Điều này tạo nên cái vòng luẩn quẩn: Tác phẩm không hay thì người đọc không mua, người đọc lười đọc thì nhà văn lười viết. 

Thực ra, nguyên nhân đó, nếu có, cũng chỉ là thứ yếu vì thị trường sách hiện nay rất phong phú, nhiều thể loại, phù hợp với mọi lứa tuổi và thỏa mãn nhu cầu kiến thức của mọi người. Chỉ riêng sách văn học cũng không ai dám tuyên bố đã đọc hết các tác phẩm nổi tiếng trên thế giới chứ chưa nói những cuốn sách hay thuộc các thể loại khác. Như vậy rõ ràng không thể đổ hết “tội” lười đọc cho các tác phẩm văn chương hiện đại Việt Nam - vốn chỉ chiếm một số lượng rất khiêm tốn trong thư viện cũng như trong nhà sách. Vấn đề là người đọc chọn sách gì, chọn như 

thế nào. 

Cũng có người biện hộ rằng do cường độ làm việc, khối lượng công việc, kèm theo áp lực mưu sinh khiến họ không có thời gian rảnh rỗi để đọc sách. Nhưng nếu vậy thì sao các quán nhậu, quán cà phê, tiệm game lại luôn đông khách? Tại sao số người Việt dành thời gian lên mạng lướt web, chơi facebook, “cày” game lại nhiều đến vậy? 

Không thể phủ nhận văn hóa nghe nhìn phát triển và đang lấn át văn hóa đọc. Thế nhưng ở những nước Âu, Mỹ dù công nghệ thông tin, văn hóa nghe nhìn phát triển hơn ta nhưng văn hóa đọc của họ vẫn không bị lu mờ hay mai một. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng lướt web, đọc ebook (sách điện tử) cũng là đọc và đặt câu hỏi tại sao phải đọc sách giấy khi mà ebook đang là xu hướng của thời đại. Thực ra, việc đọc, theo đúng nghĩa của nó, bất kể bằng ebook hay bản in đều đáng hoan nghênh. Chỉ xin đừng nhầm lẫn giữa việc lướt web lấy thông tin - bao gồm cả việc lướt qua những cuốn sách nghiêm túc - với việc đọc sách thực sự. 

Ebook có ưu điểm là nhanh chóng, thuận tiện và chi phí thấp. Nếu có một “bộ lọc” tốt và không quá khó tính, bạn có thể dễ dàng chọn được những cuốn ebook chất lượng mà không phải mất công, tốn sức đi khắp các hội chợ, nhà sách hay lục tung các trang mạng online để đặt mua. Ngoài ra, việc vận chuyển, lưu trữ, sự tiện lợi cũng là điểm cộng lớn cho ebook, khi mà chỉ với một thiết bị điện tử nhỏ bé nằm trong lòng bàn tay, bạn có thể mang theo bên mình mọi lúc mọi nơi, không phải chỉ một mà là cả ngàn cuốn sách và thoải mái đọc bất cứ khi nào rảnh rỗi. 

Tuy vậy, ebook vẫn có những nhược điểm khó khắc phục. Thứ nhất, Internet là nơi ai cũng có thể đưa lên bất cứ điều gì và gần như là không giới hạn. Do đó, những bản ebook được viết vội vàng chạy theo thị trường, không được biên tập kỹ càng, có nhiều “sạn” sẽ khiến người đọc dễ bị “hoa mắt” lạc lối, khó tập trung đọc hết một cuốn sách, đặc biệt là các sách dày, nhiều tập. Chưa kể, việc đang đọc thì bị cúp điện, hết pin, kẹt mạng, rồi các tin nhắn, đường link, hình ảnh quảng cáo được chèn vào làm phiền người đọc cũng là điểm trừ cho ebook.

Sách truyền thống thì ngược lại. Việc biên tập, xuất bản công phu và tốn kém khiến nó dần chỉ còn là sự lựa chọn của các văn nghệ sĩ, những người lớn tuổi, hoài cổ hoặc không rành công nghệ. Tuy nhiên, nhiều người trẻ cũng chọn mua sách in vì họ thích cái cảm giác được cất giữ, nâng niu những cuốn sách có tên và tuyệt vời hơn, nếu có cả chữ ký của tác giả họ thần tượng. Do đó, dù số lượng phát hành ít nhưng sách in vẫn có lượng độc giả nhất định. Thậm chí, một số tác giả như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư… vẫn có những tác phẩm có số bản in lớn và tái bản nhiều lần.

Việc Chính phủ quyết định lấy ngày 21-4 hàng năm làm Ngày Sách Việt Nam và phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân xây dựng, duy trì thói quen đọc sách đã cho thấy Chính phủ nhận thức rất rõ tầm quan trọng của văn hóa đọc và có những biện pháp cụ thể để tôn vinh giá trị của sách. Mong rằng, với tinh thần đề cao tầm quan trọng của sách, báo và tri thức trong đời sống, văn hóa đọc sẽ không bị mất đi mà ngày càng phát triển sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.

BÙI ĐẾ YÊN

;
.