Thuê mặt bằng Di tích Bạch Dinh: Hết hạn hợp đồng vẫn chây ỳ không trả

Thứ Sáu, 31/08/2018, 11:36 [GMT+7]
In bài này
.

Năm 2011, Bảo tàng tỉnh đã cho một số hộ thuê mặt tiền khuôn viên di tích Bạch Dinh (đường Trần Phú, phường 1, TP.Vũng Tàu) để kinh doanh cà phê, giải khát. Hợp đồng đã hết hạn từ cuối năm 2016 nhưng đến nay, các hộ kinh doanh vẫn chưa chịu trả lại mặt bằng.

Quán cà phê Hoa Sứ vẫn mở cửa phục vụ khách.
Quán cà phê Hoa Sứ vẫn mở cửa phục vụ khách.

HẾT HẠN LẠI KHẤT LẦN

Ngày 1-11-2011, được sự chấp thuận chủ trương của UBND tỉnh, Bảo tàng tỉnh đã ký kết hợp đồng kinh tế số 45/HĐKT-BT với ông Đỗ Hữu Côn, chủ quán cà phê Hoa Sứ - đại diện cho 5 hộ thuê mặt bằng kinh doanh các quán cà phê: Biển, Bạch Dinh, Cửu Long, Relax, Hoa Sứ trong khuôn viên di tích Bạch Dinh. Theo đó, các hộ thuê mặt bằng kinh doanh giải khát vùng đất thuộc khu vực II của di tích Bạch Dinh trên tổng diện tích hơn 2.555m2 (diện tích thực tế là 4.242,3m2, bao gồm tường rào, kè chắn, cây xanh) với mức giá 72,062 triệu đồng/tháng. Theo thỏa thuận của hai bên, hợp đồng có thời hạn đến ngày 31-10-2016. Khi hết hạn hợp đồng, các hộ phải tự tháo dỡ vật dụng để trả lại mặt bằng cho Bảo tàng tỉnh. 

Phần đất được Bảo tàng cho các hộ thuê có vị trí đẹp, nằm ở mặt tiền đường Trần Phú, đoạn từ giáp ranh Bảo tàng tỉnh đến đối diện nhà ga Cáp treo Vũng Tàu. Sau khi thuê, các hộ dân đã đầu tư mở quán cà phê, góp phần tạo thêm điểm dừng chân, thư giãn, giải trí cho người dân và du khách. Đây cũng là hoạt động xã hội hóa, giúp Bảo tàng tỉnh có thêm nguồn thu để góp phần vào công tác bảo tồn di tích phục vụ du lịch, đồng thời làm cho di tích thêm nhộn nhịp. 

Để chuẩn bị thực hiện công tác phục hồi cảnh quan di tích, gần thời hạn hết hợp đồng, ngày 4-9-2016, Bảo tàng tỉnh đã ra thông báo thanh lý hợp đồng để các chủ quán chủ động thu xếp giao trả mặt bằng. Tuy nhiên, đến hẹn, các chủ quán cà phê nói trên không giao trả mà xin gia hạn để có thời gian chuẩn bị di dời. Từ đó đến nay, Bảo tàng tỉnh đã nhiều lần làm việc, yêu cầu các chủ quán giao trả mặt bằng nhưng chỉ có ông Đỗ Hữu Côn đồng ý ký vào biên bản thanh lý hợp đồng (ngày 23-2-2017), còn 4 hộ khác không chịu ký. 

Mới đây nhất, ngày 17-8, Bảo tàng tỉnh tiếp tục tổ chức cuộc họp với các chủ quán cà phê về việc thu hồi mặt bằng. Ông Trần Văn Triêm, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Bảo tàng tỉnh sẽ thu hồi mặt bằng theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở VH-TT trước ngày 6-9. Tuy nhiên, các chủ quán vẫn không hợp tác mà còn đề nghị Bảo tàng tỉnh tính toán lại chi phí mà họ đã đầu tư trong thời gian qua và xin gia hạn kinh doanh đến khi Bảo tàng tỉnh thu hồi thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích Bạch Dinh. 

KIÊN QUYẾT THU HỒI

Ông Ngô Văn Chung, chủ quán cà phê Hoa Sứ (quán Hoa Sứ do ông Đỗ Hữu Côn làm chủ, sau đó ông Côn ủy quyền cho ông Ngô Văn Chung) cho biết, trong quá trình kinh doanh, chủ quán đã tuân thủ những quy định trong hợp đồng như giữ gìn cảnh quan di tích, không chặt phá cây xanh. Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm, chủ quán phải bỏ ra từ 230-750 triệu đồng để mua sắm vật dụng tôn tạo quán, xây bờ kè, hàng rào, tường, sân nền để tránh sụt lún. “Nếu phải di dời sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, thu nhập và xáo trộn việc làm cũng như đời sống của người lao động”, ông Chung nói. Bà Chế Thị Phương Bình, chủ quán Vườn Thiên Quang (quán Cửu Long cũ) cho biết, vị trí của quán Vườn Thiên Quang trước là đất triền núi, hoang sơ. Sau khi ký hợp đồng thuê đất, bà đã đầu tư 6,1 tỷ đồng (gồm xây dựng và sang nhượng thương hiệu) để kinh doanh nên đề nghị nhà nước hỗ trợ khi thu hồi mặt bằng. 

Theo ông Hồ Thành Hưng, Phó Chánh Thanh tra Sở VH-TT, hợp đồng thuê đất giữa Bảo tàng tỉnh và các chủ quán cà phê là hợp đồng dân sự. Theo điều 430-435 Bộ Luật dân sự, khi đến thời hạn hết hợp đồng, nếu bên cho thuê không ký kết tiếp mà có thông báo thu hồi thì đương nhiên hợp đồng đó chấm dứt. Về mặt quản lý hành chính nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo thu hồi mặt bằng nhằm thực hiện dự án phục hồi cảnh quan di tích để phục vụ du lịch thì các hộ phải tuân thủ. “Đây là đất của Bảo tàng, hết hợp đồng thì các bên phải thực hiện theo đúng thỏa thuận chứ không thể đòi hỏi nhà nước hỗ trợ, bồi thường”.

Ông Trần Văn Triêm, Giám đốc Bảo tàng tỉnh thì thừa nhận, để sự việc này kéo dài là có trách nhiệm của Bảo tàng tỉnh và khẳng định Bảo tàng tỉnh sẽ tiếp tục vận động, thuyết phục các chủ quán, nếu họ không chịu hợp tác sẽ nhờ các cơ quan chức năng dùng biện pháp cưỡng chế. 

Bạch Dinh là một trong 20 công trình kiến trúc kiểu Pháp trên 100 năm tuổi dạng biệt thự “PO” (Pavillon des officiers) tại TP.Vũng Tàu, được bảo tồn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay và đã được công nhận là di tích quốc gia. Ngoài kiến trúc, không gian đẹp, Bạch Dinh còn là nơi trưng bày hàng ngàn cổ vật quý hiếm nên hằng năm thu hút đông khách tham quan. Việc các chủ quán chây ỳ trả lại mặt bằng không chỉ gây thất thoát tiền thuê đất, lãng phí đất công mà còn ảnh hưởng đến hoạt động và hiệu quả khai thác của di tích.

 Bài, ảnh: THI PHONG

;
.