Các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm cải thiện chỉ số SIPAS (chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước).
Người dân tra cứu TTHC tại Bộ phận “một cửa” UBND huyện Đất Đỏ.
|
Đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, 2017 là năm đầu tiên Bộ Nội vụ thực hiện Chỉ số SIPAS. Chỉ số này được thực hiện với 5 yếu tố cơ bản của quá trình cung ứng dịch vụ công hành chính, gồm: Tiếp cận dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính Nhà nước; Niêm yết đầy đủ, công khai chính xác, nộp đúng thành phần và mức phí quy định, thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đúng quy định; Thái độ giao tiếp, hướng dẫn và tuân thủ quy định của công chức trực tiếp giải quyết TTHC; Kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công; Tiếp nhận, giải quyết, góp ý phản ánh, kiến nghị.
Qua điều tra, khảo sát, Chỉ số SIPAS năm 2017 của tỉnh đạt ở mức thấp, xếp thứ 57/63 tỉnh, thành phố, trong đó nhiều nội dung người dân chưa hài lòng như: Việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân chưa kịp thời, thái độ và hướng dẫn của công chức chưa nhiệt tình, trang thiết bị và nơi ngồi chờ chưa bảo đảm, kết quả giải quyết hồ sơ còn trễ hẹn… Nhằm khắc phục tối đa các hạn chế vừa nêu, các cơ quan, đơn vị đang tập trung thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ công dân khi đến liên hệ giải quyết TTHC và giải quyết các ý kiến phản ánh (nếu có).
Bộ phận “một cửa” UBND huyện Đất Đỏ chỉ có 3 công chức trực tiếp tiếp nhận, trả kết quả hành chính cho người dân thuộc 41 thẩm quyền giải quyết của UBND huyện nên công việc rất áp lực. Nhưng không vì vậy mà đội ngũ công chức ở đây thiếu niềm nở, tận tình với người dân. Đến Bộ phận “một cửa”, người dân luôn được công chức chào hỏi thân thiện và hướng dẫn chu đáo các bước nộp hồ sơ. Ngày 10-8, anh Lê Văn Liêm, ở ấp An Hòa, xã Lộc An (huyện Đất Đỏ) đến Bộ phận “một cửa” huyện để làm thủ tục chấm dứt kinh doanh và được công chức tiếp nhận ngay, anh không phải chờ đợi lâu. “Vừa bước chân vào cổng Bộ phận “một cửa”, tôi đã được công chức chào, hỏi, hướng dẫn các bước giao dịch. Thái độ của công chức đã thay đổi nhiều”, anh Liêm nhận xét.
Bà Trần Thị Thanh Thư, Trưởng Bộ phận “một cửa” UBND huyện Đất Đỏ thông tin thêm, nhằm nâng cao Chỉ số hài lòng cho cá nhân, tổ chức, Bộ phận “một cửa” còn yêu cầu công chức thường xuyên kiểm tra những hồ sơ gần đến thời hạn trả kết quả để đôn đốc các bộ phận chuyên môn có trách nhiệm nhanh chóng giải quyết hồ sơ, trả đúng hẹn cho công dân; nghiêm cấm công chức gây phiền hà cho tổ chức, công dân dưới mọi hình thức; hướng dẫn người dân góp ý qua hệ thống điện tử, phiếu thăm dò ý kiến…
Còn tại phường 11 (TP.Vũng Tàu) thì duy trì việc lãnh đạo phường tiếp công dân từ 7 giờ đến 8 giờ vào ngày thứ Ba, thứ Năm hàng tuần. Nhờ đó mà những phản ánh của người dân đã được lãnh đạo phường 11 lắng nghe, tiếp thu và đề ra các hướng giải quyết thấu tình đạt lý. Ông Phan Trọng Hạnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường 11 cho biết, phường bố trí một phòng riêng để tiếp dân. Khi công dân có ý kiến, phường sẽ mời các bộ phận liên quan đến giải đáp trực tiếp các thắc mắc cho người dân biết. Đối với những ý kiến, phường chưa thể trả lời ngay, thì hẹn công dân vào dịp khác, hoặc cử cán bộ xuống trực tiếp tại nhà dân để trả lời cho người dân rõ về ý kiến của mình. Nhờ vậy, hầu hết các ý kiến của người dân được lãnh đạo phường trả lời thấu đáo, được người dân đồng tình cao.
Ông Trương Văn Đức, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, trước những chỉ đạo của UBND tỉnh về cải thiện Chỉ số SIPAS của tỉnh trong những năm tiếp theo, Sở đã định hướng một số giải pháp cần phải thực hiện trong thời gian tới như: Tổng rà soát lại toàn bộ Bộ phận “một cửa” các cấp, tham mưu kế hoạch sửa chữa, trang bị đồng bộ, bảo đảm khang trang, rộng rãi, đầy đủ trang thiết bị phục vụ người dân đến liên hệ công tác; Thực hiện triệt để TTHC tại Bộ phận “một cửa”, không thực hiện tại phòng chuyên môn, việc yêu cầu bổ sung hồ sơ chỉ được thực hiện không quá 1 lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ; Chấn chỉnh tình trạng nhận dư thành phần hồ sơ và để hồ sơ tồn đọng, trễ hẹn, khi hồ sơ trễ hẹn phải có văn bản thông báo tiến độ và xin lỗi người dân, DN. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, địa phương cần niêm yết đầu đủ, công khai, chính xác tất cả các TTHC tại Bộ phận “một cửa” các cấp, trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và Trang Thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, địa phương, bảo đảm người dân dễ tiếp cận thông tin; Tăng cường thanh, kiểm tra công vụ, kiểm tra cải cách hành chính, đặc biệt đối với các đơn vị có nhiều TTHC liên quan đến tổ chức, DN; Kiên quyết loại bỏ ra khỏi cơ quan nhà nước những cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết hồ sơ cho người dân.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG