Phức tạp nạn mua bán trái phép công cụ hỗ trợ

Thứ Ba, 21/08/2018, 19:16 [GMT+7]
In bài này
.

Chỉ cần vài thao tác trên mạng xã hội, người có nhu cầu sẽ dễ dàng mua và sở hữu các loại công cụ hỗ trợ (quân trang, quân phục, cảnh phục và súng điện, roi điện, còng số tám). Đây là thực trạng đáng báo động, có nguy cơ đe dọa tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Các loại công cụ hỗ trợ được rao bán và có cả video hướng dẫn cách sử dụng tràn lan trên mạng xã hội. Trong ảnh: Tài khoản facebook “Shop dụng cụ tự vệ” giới thiệu video sản phẩm.
Các loại công cụ hỗ trợ được rao bán và có cả video hướng dẫn cách sử dụng tràn lan trên mạng xã hội. Trong ảnh: Tài khoản facebook “Shop dụng cụ tự vệ” giới thiệu video sản phẩm.

RAO BÁN TRÀN LAN TRÊN MẠNG

Theo quy định pháp luật, công cụ hỗ trợ được hiểu là những phương tiện đặc biệt, trang bị cho một số lực lượng thuộc cơ quan, tổ chức sử dụng để giữ gìn an ninh, trật tự an; trấn áp tội phạm, hỗ trợ người thi hành công vụ như:            quân đội, dân quân tự vệ, công an, an ninh hàng không, kiểm lâm, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của hải quan… Công cụ hỗ trợ bao gồm các loại như: súng bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, hơi ngạt; phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa; lựu đạn khói, lựu đại cay, quả nổ; dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại, khoá số tám, áo giáp…

Pháp luật đã quy định cụ thể đối tượng được sử dụng công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện loại công cụ này đang được bán tràn lan trên thị trường, trên các trang mạng xã hội. Chỉ cần vào “google”, gõ từ khóa tìm kiếm liên quan đến công cụ hỗ trợ, sẽ cho ra hàng loạt kết quả với rất nhiều trang web rao bán các mặt hàng này. Người bán công khai quảng cáo mặt hàng này trên mạng xã hội facebook, zalo… và giao hàng trên toàn quốc. Các loại công cụ hỗ trợ khá đa dạng về mẫu mã, được ngụy trang dưới vỏ bọc là thỏi son, móc khóa, đèn pin, điện thoại di động... Người mua chỉ cần click chuột máy tính để đặt hàng và sẽ sớm nhận được yêu cầu về sản phẩm do nhân viên giao hàng mang tới. Tùy theo mặt hàng, giá cả dao động từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng.

Trong vai người cần mua “hàng nóng”, chúng tôi liên hệ với ông H. - chủ tài khoản Facebook có tên “Shop mua bán vũ khí tự vệ” (địa chỉ tại TP. Hồ Chí Minh) và được người này giới thiệu: “Cửa hàng” đang bán các loại súng bắn hơi, súng bắn điện, dùi cui điện hay roi điện. Với các súng hơi có thể bắn xuyên vỏ lon bia, nát chai thuỷ tỉnh, thậm chí bắn thủng đáy lon dễ dàng, khả năng sát thương trong bán kính 10-50m. Súng bắn điện với tầm bắn 10m, điện áp 2.900V có thể làm đối phương choáng váng hoặc ngất xỉu. Ngoài ra, còn có loại còng số tám, gậy 3 tấc với giá từ 200 ngàn đồng đến vài triệu đồng/công cụ. “Cửa hàng” sẽ giao hàng cho khách hàng trên toàn quốc.

Tiếp tục tìm đến tài khoản Facebook “Dụng cụ tự vệ Bà Rịa - Vũng Tàu” và “Shop dụng cụ tự vệ” (ghi địa chỉ tại BR-VT), chúng tôi nhận thấy các mặt hàng công cụ hỗ trợ cũng được bày bán công khai như: dùi cui điện loại 20cm, 40cm và 60cm với giá từ 600 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng; kìm chích điện mini điện áp 5.000V giá 1,8 triệu đồng; bình xịt hơi cay giá 800 ngàn đồng; kiếm Nhật 1,2m giá 2,8 triệu đồng… Liên hệ số điện thoại của “Shop dụng cụ tự vệ” trên để hỏi địa chỉ đến xem và mua, một người đàn ông tên H. đáp: “Do đây là mặt hàng cấm bán, nên tôi chỉ bán online, không thể cho địa chỉ. Anh cứ yên tâm, hàng bảo đảm, sử dụng được lâu và sẽ có người giao hàng tận nơi”.

Thời gian qua, trên địa bàn BR-VT, lực lượng công an đã phát hiện một số trường hợp mua bán, tàng trữ trái phép công cụ hỗ trợ. Điển hình như đầu tháng 12-2017, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh phối hợp với Công an TX. Phú Mỹ bắt quả tang Nguyễn Thành Đạt (27 tuổi, trú tại phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ) đang mang 2 đèn pin có phóng điện đi bán cho khách hàng tại khu vực cổng KCN Phú Mỹ 3. Kiểm tra nơi ở của Đạt, lục lượng công an thu giữ thêm nhiều công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ và các đồ chơi nguy hiểm như: súng nhựa bắn đạn bi, đao, đạn bi các loại, bình xịt hơi cay… Làm việc với cơ quan công an, Đạt khai nhận, số hung khí trên Đạt mua từ các đối tượng không quen biết thông qua các trang mạng xã hội. Sau đó, Đạt dùng nhiều tài khoản facebook để quảng cáo, rao bán.

Ngoài công cụ hỗ trợ, hiện nay, tình trạng chế tạo, mua bán vũ khí tự chế cũng đang diễn ra rất phức tạp.  Trong ảnh: Lực lượng công an kiểm tra nhà của Nguyễn An Sơn (SN 1991, tạm trú huyện Long Điền) - đối tượng chế tạo, tàng trữ súng hơi tự chế. Ảnh: TRÍ NHÂN
Ngoài công cụ hỗ trợ, hiện nay, tình trạng chế tạo, mua bán vũ khí tự chế cũng đang diễn ra rất phức tạp. Trong ảnh: Lực lượng công an kiểm tra nhà của Nguyễn An Sơn (SN 1991, tạm trú huyện Long Điền) - đối tượng chế tạo, tàng trữ súng hơi tự chế. Ảnh: TRÍ NHÂN

TĂNG CƯỜNG ĐẤU TRANH XỬ LÝ

Theo lực lượng chức năng, phần lớn công cụ hỗ trợ, vũ khí nguy hiểm được rao bán trên mạng internet hiện nay đều có nguồn gốc từ nước ngoài, được nhập lậu qua biên giới và tuồn vào các tỉnh, thành... Ngoài việc bán công cụ hỗ trợ trên mạng internet, hiện các loại trang phục theo mẫu của một số đơn vị trong lực lượng công an và quân đội cũng đang được bày bán lén lút trên một số con đường, khu chợ tự phát trên địa bàn tỉnh.

Trong vụ bắt đối tượng Nguyễn Ngọc Thiềng (ngụ tại phường 3, TP. Vũng Tàu) về hành vi mua bán ma túy, lực lượng Biên phòng phát hiện nhiều “hàng nóng”, vũ khí và công cụ hỗ trợ.
Trong vụ bắt đối tượng Nguyễn Ngọc Thiềng (ngụ tại phường 3, TP.Vũng Tàu) về hành vi mua bán ma túy, lực lượng Biên phòng phát hiện nhiều “hàng nóng”, vũ khí và công cụ hỗ trợ.

Đại tá Bùi Văn Thảo, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, thời gian qua, ở một số địa phương trong cả nước, hoạt động mua bán, sử dụng trái phép công cụ hỗ trợ của ngành công an rất phức tạp. Một số đối tượng, phần tử xấu đã sử dụng trang phục, công cụ hỗ trợ của lực lượng công an thực hiện một số hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng.

Nhằm tăng cường công tác quản lý quân trang, quân phục, công cụ hỗ trợ của lực lượng Công an nhân dân, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương quản lý chặt chẽ, sử dụng quân trang, quân dụng, công cụ hỗ trợ trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực đúng quy định; có biện pháp quản lý chặt chẽ phù hiệu, cấp hiệu sau khi cán bộ chiến sĩ được thăng cấp bậc hàm; nghiêm cấm mua bán, trao đổi, cho tặng quân trang, quân dụng, công cụ hỗ trợ của Công an nhân dân dưới mọi hình thức, đối với mọi đối tượng. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ rà soát, phối hợp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, mua bán và sử dụng trái phép công cụ hỗ trợ; phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép quân phục, công cụ hỗ trợ; rà soát để đấu tranh, xử lý các website, trang mạng xã hội rao bán công cụ hỗ trợ.

Tương tự, Thượng tá Nguyễn Văn Lượng, Trưởng Ban Dân quân - Bộ CHQS tỉnh, cho biết, Bộ CHQS tỉnh sẽ tiếp tục yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý chặt chẽ trang phục của các lực lượng, trong đó có lực lượng dân quân khi sử dụng trong thực hiện nhiệm vụ; kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp sản xuất, tàng trữ, sử dụng, mua bán, vận chuyển trái phép, làm giả trang phục; bảo đảm việc mua sắm, sử dụng, quản lý trang thiết bị và công cụ hỗ trợ đúng theo quy định pháp luật.

Theo Nghị định số 167/2013 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình”, người có hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép; mua, bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí thể thao sẽ bị xử phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Theo quy định tại Điều 306, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ” tùy theo trường hợp cụ thể sẽ bị TAND xử phạt từ 3 tháng đến 7 năm tù. 

Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM

;
.