PHỤ NỮ VÀ CUỘC SỐNG:

10 người tiếp sức 1 người vươn lên

Chủ Nhật, 12/08/2018, 17:50 [GMT+7]
In bài này
.

Cứ 10 chị góp mỗi tháng từ 200 ngàn đến 2 triệu đồng hỗ trợ 1 chị khó khăn vay vốn không tính lãi để phát triển kinh tế, thoát nghèo. Đó là mô hình Dân vận khéo “10 giúp 1” khá hiệu quả của chị em Hội LHPN xã Kim Long trong nhiều năm qua và là một trong những mô hình điển hình của huyện Châu Đức. 

Vợ chồng chị Hoàng Thị Mai, thôn Thạch Long, xã Kim Long cột lại các trụ tiêu.
Vợ chồng chị Hoàng Thị Mai, thôn Thạch Long, xã Kim Long cột lại các trụ tiêu.

Đến thăm mô hình chăn nuôi heo kết hợp trồng tiêu của gia đình chị Hoàng Thị Mai (thôn Thạch Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức), chúng tôi không khỏi trầm trồ trước vườn tiêu xanh mướt của gia đình chị. Nhìn cơ ngơi khang trang, mảnh vườn với 500 gốc tiêu đang đơm trái, ít ai hình dung được nhiều năm trước, vợ chồng chị phải đi làm mướn lo từng bữa ăn cho cả gia đình. 

Chị Mai kể, năm 1998, sau khi dồn toàn bộ tiền mua mảnh vườn nhỏ, gia đình chị Mai phải dựng nhà tạm rồi vừa khai hoang đất trồng, vừa làm mướn kiếm sống. Hai người con của chị đang học cấp 2 đều phải nghỉ học giữa chừng. Với sự kiên trì, chịu khó và quyết tâm muốn phấn đấu vươn lên, năm 2003 với số vốn 2 triệu đồng được vay không tính lãi từ mô hình “10 giúp 1” của phụ nữ thôn Thạch Long, vợ chồng chị Mai đầu tư xây dựng chuồng, mua 7 con heo giống về nuôi. Vốn ít, vợ chồng chị trồng thêm rau lang, cây chuối làm thức ăn cho heo, lấy ngắn nuôi dài. Nhờ chí thú làm ăn, những năm sau đó, gia đình chị Mai tiếp tục được hỗ trợ vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi giải quyết việc làm và 10 triệu từ mô hình “10 giúp 1” để mua thêm giống tiêu về trồng. Ban đầu vườn tiêu của gia đình chị có 200 gốc nhưng nay lên tới 500 gốc, cho thu hoạch mỗi năm trung bình từ 8-9 tạ. Ngoài nuôi hơn chục con heo thịt, gia đình chị còn nấu thêm rượu để có thức ăn vỗ béo heo và kiếm thêm tiền lời trang trải chi tiêu. Năm 2012, vợ chồng chị dành dụm cất ngôi nhà cấp 4 khang trang. Với thu nhập mỗi năm trừ chi phí thu về trên 100 triệu đồng, vợ chồng chị Mai tiếp tục nuôi 2 người cháu nội ăn học và có điều kiện để giúp đỡ các chị em khác.

Tương tự, những năm trước, gia đình bà Lê Thị Tâm (tổ 17, thôn Hưng Long) vẫn chật vật lo từng bữa ăn. Bước vào tuổi 60, sức khỏe kém, vợ chồng bà vẫn kiên trì lao động để lo kinh tế gia đình. Quầy in ấn nho nhỏ tại nhà là “cần câu cơm” để vợ chồng bà lo cho 5  người con ăn học hơn 20 năm nay. Kinh tế eo hẹp, vốn không có nên bà Tâm phải tính đến việc trả gối đầu. Năm 2010, bà Tâm được hỗ trợ số vốn 2 triệu đồng từ mô hình “10 giúp 1” của phụ nữ trong tổ để phát triển kinh tế. Năm 2015, bà tiếp tục được vay không tính lãi 24 triệu đồng để đầu tư phát triển cửa hàng in. Bà Tâm cho biết: “Trước kia, vốn không có nên thiết bị dùng cho in ấn hạn chế. Khách đặt hàng nhiều nhưng tôi không đủ tiền để lấy giấy, cứ mua nợ giá cao. Sau này, có vốn hỗ trợ của phụ nữ, mỗi lần mua giấy in tôi không còn phải nợ nữa. Ngoài được vay vốn, tôi thường xuyên được các chị đến thăm, động viên, giới thiệu khách nên có thêm động lực vượt khó, nuôi con ăn học”. 

Trong số những chị được hỗ trợ vay vốn từ mô hình “10 giúp 1” của xã Kim Long, có nhiều chị đã phát triển kinh tế khá. Điển hình như các chị: Trần Thị Cẩm Hồng, Nguyễn Thị Ngọc Anh, Hoàng Thị Mai… Nhiều chị sau khi tham gia mô hình “10 giúp 1”, kinh tế gia đình khá hơn đã tiếp tục giúp những phụ nữ khó khăn trên địa bàn xã. Điển hình như chị Hồ Thị Thanh Nhân sau khi tham gia nhóm, có vốn phát triển cửa hàng bán sắt thép, đầu tư mở phòng tập thể dục Gym nuôi 2 người con học ĐH. Từ năm 2017, khi kinh tế khá hơn, chị Nhân đã dùng số tiền mỗi năm tới lượt được hỗ trợ của mình dành cho các chị em khác có hoàn cảnh khó khăn để động viên, giúp chị em tiếp tục nỗ lực vươn lên.

Bà Tạ Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN xã Kim Long cho biết, trước đây, tổ 17 được chọn làm điểm và sau thời gian có hiệu quả đã nhân rộng toàn xã với 21 tổ thực hiện mô hình “10 giúp 1” thu hút 276 chị em tham gia. Mỗi chị em tham gia mô hình sẽ tiết kiệm từ 200 ngàn  đến 2 triệu đồng/tháng để giúp 1 phụ nữ khó khăn trong tổ mình để phát triển kinh tế. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ trên địa bàn xã giảm mạnh, từ 130 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ (năm 2010) nay chỉ còn 24 hộ. “Từ nay đến cuối năm, Hội phấn đấu giúp 2 hội viên thoát nghèo và tiến tới xóa hộ nghèo do phụ nữ làm chủ trên toàn xã”, bà Lan cho biết. 

Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC

 
;
.