Phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên: Nguồn nhiều nhưng vẫn khó

Thứ Hai, 27/08/2018, 19:05 [GMT+7]
In bài này
.

Tạo nguồn phát triển Đảng trong học sinh – sinh viên (HS-SV) là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm bồi dưỡng, ươm mầm những nhân tố “vừa hồng, vừa chuyên” cho đất nước, tăng cường sức trẻ cho Đảng. Tuy nhiên, việc phát triển Đảng trong HS-SV vẫn là bài toán khó.

HS-SV trường CĐ Du lịch Vũng Tàu tham gia hỗ trợ du khách tại khu vực Bãi Sau (TP.Vũng Tàu).
HS-SV trường CĐ Du lịch Vũng Tàu tham gia hỗ trợ du khách tại khu vực Bãi Sau (TP.Vũng Tàu).

“ƯƠM MẦM” TRÊN GHẾ NHÀ TRƯỜNG

11 năm liền là HS giỏi, tích cực tham gia các hoạt động xã hội do Đoàn trường tổ chức đã giúp Nguyễn Thị Thùy Duyên (SN 2000) trở thành “hạt giống” tốt để Đoàn trường, Chi bộ trường THCS-THPT Võ Thị Sáu (huyện Côn Đảo) cử tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng vào đầu năm 2017. Để trở thành đảng viên chính thức, Thùy Duyên đã không ngừng nỗ lực phấn đấu trong cả về học tập cũng như hoạt động Đoàn trong suốt năm học lớp 12. Tuy nhiên, trong quá trình xét hồ sơ kết nạp thì Thùy Duyên cũng vừa tốt nghiệp THPT. “Mặc dù không được kết nạp Đảng trong trường, nhưng tôi vẫn tiếp tục trau dồi phẩm chất, rèn luyện đạo đức bằng cách chung tay tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, đóng góp nhiều ý kiến xây dựng tổ chức Đoàn, chia sẻ câu chuyện vào Đảng của bản thân và một số đồng chí để khuyến khích, động viên các đoàn viên khác rèn luyện, phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng trong các buổi sinh hoạt Đoàn nơi cư trú”, Thùy Duyên chia sẻ. Ngày 8-8 vừa qua, trước khi bước vào giảng đường Trường ĐH Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh, Chi bộ Trường THCS-THPT Võ Thị Sáu đã chính thức tổ chức lễ kết nạp Thùy Duyên vào Đảng.

Thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 30-5-1998 của Bộ Chính trị khóa VIII về “Tăng cường công tác chính trị tư tưởng, củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong trường học” và Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25-7-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đặt ra mục tiêu “Phấn đấu đạt tỷ lệ ít nhất 70% đảng viên mới được kết nạp từ đoàn viên”, thời gian qua, các Đoàn trường THPT, TC, CĐ, ĐH trên địa bàn tỉnh luôn xác định công tác phát triển Đảng trong HS-SV nhằm tạo điều kiện cho các em sớm giác ngộ lý tưởng của Đảng, nâng cao ý thức học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động. Đây cũng là giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước mắt và lâu dài cho tỉnh.

Anh Nguyễn Văn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: “Để thực hiện tốt công tác tạo nguồn, phát triển Đảng trong HS-SV, hằng năm, Tỉnh Đoàn đều chỉ đạo các Đoàn trường căn cứ số lượng HS-SV để đề ra chỉ tiêu phấn đấu tạo nguồn phát triển Đảng, đồng thời tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng cách mạng cho HS-SV, đặc biệt là đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm tạo sức lan tỏa, tác động tích cực đến tinh thần phấn đấu của HS-SV”.

Hằng năm, các Đoàn trường trong tỉnh thường tổ chức 10 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho hơn 1.000 lượt HS-SV, đồng thời tổ chức các phong trào tình nguyện vì cộng đồng, thành lập các CLB, đội, nhóm nhằm tạo môi trường, sân chơi bổ ích cho HS-SV rèn luyện. Từ đó, phát hiện những HS-SV ưu tú để giới thiệu cho Đảng.

SV trường CĐ Sư phạm BR-VT dạy kèm học sinh yếu, kém xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành trong chiến dịch “Mùa hè xanh”.
SV trường CĐ Sư phạm BR-VT dạy kèm học sinh yếu, kém phường Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ trong chiến dịch “Mùa hè xanh”.

NGUỒN KHÔNG THIẾU NHƯNG KẾT NẠP KHÓ KHĂN

Toàn tỉnh hiện có gần 17.000 đoàn viên đang sinh hoạt tại 1.226 chi đoàn trực thuộc 46 Đoàn trường THPT, TC, CĐ, ĐH, bao gồm cả đoàn viên là HS-SV và cán bộ, GV. Theo anh Nguyễn Văn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn: “Đây là nguồn nhân lực dồi dào, là lực lượng có tri thức được đào tạo cơ bản về trình độ chuyên môn rất cần được rèn luyện, bồi dưỡng để chọn ra những đoàn viên ưu tú cho Đảng”.

Tuy nhiên, để HS-SV được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi còn ngồi trên ghế nhà trường là khá khó khăn, bởi ngoài yếu tố xuất sắc trong học tập, hạnh kiểm tốt, nhiệt huyết với phong trào Đoàn, HS-SV phải bảo đảm đủ thời gian thử thách. Theo thống kê của Tỉnh Đoàn, mỗi năm, các Đoàn trường mới chỉ giới thiệu cho Đảng khoảng 50 HS-SV ưu tú, trong đó số được kết nạp Đảng cũng chỉ chiếm chưa đến 50%. “Con số trên cho thấy công tác phát triển Đảng trong HS-SV vẫn còn quá khiêm tốn, chưa tương xứng với nguồn phát triển Đảng rất phong phú, dồi dào trong HS-SV”, anh Nguyễn Văn Tuân nhận định.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tạo nguồn, phát triển Đảng trong HS còn hạn chế là do tiêu chuẩn và độ tuổi kết nạp Đảng. Muốn vào Đảng, HS phải có học lực khá trở lên, có phẩm chất chính trị và tham gia tích cực vào các hoạt động Đoàn, Hội, từ 18 tuổi trở lên (tính theo tháng, tại thời điểm chi bộ xét kết nạp). Chị Đặng Thúy Thương, Bí thư Đoàn Trường THPT Vũng Tàu, cho biết: “Nhiều HS có học lực giỏi, đạt giải cao trong các kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, năng nổ tham gia hoạt động Đoàn khi được giới thiệu đi học lớp cảm tình Đảng và triển khai làm hồ sơ xem xét đều vướng tiêu chuẩn độ tuổi để kết nạp vào Đảng”.

Ngoài ra, quy định HS-SV phải sau 12 tháng học tại trường mới được xét cảm tình Đảng, trong khi thời gian theo học ở bậc học CĐ, TC quá ngắn cũng là nguyên nhân dẫn đến việc khó tạo nguồn, kết nạp Đảng trong HS-SV. Lý giải về việc 2 năm gần đây, Đoàn trường Trung cấp Y tế tỉnh chưa kết nạp đảng viên cho HS-SV nào, anh Dương Lê Cảnh, Bí thư Đoàn trường cho biết: “Trong số hơn 200 đoàn viên đang theo học, hầu hết các em đều có nguyện vọng muốn được kết nạp Đảng ngay từ khi còn học tại nhà trường, song thời gian theo học tại trường quá ngắn. Khi các em đủ tiêu chuẩn để được cử đi học đối tượng Đảng thì cũng là lúc các em bước vào năm thứ 2, chuẩn bị tốt nghiệp ra trường”.

Theo chị Huỳnh Thị Thúy Hằng, Trưởng Ban Tổ chức – Kiểm tra Tỉnh Đoàn, một nguyên nhân nữa là do một số Đoàn trường thiếu chủ động trong việc tuyên truyền, giáo dục, định hướng nâng cao nhận thức về Đảng cho HS-SV; Ít giao nhiệm vụ, gặp gỡ, động viên nhắc nhở, giúp đỡ HS-SV ưu tú rèn luyện phấn đấu. “Chính sự mờ nhạt trong công tác định hướng dẫn đến một bộ phận HS-SV còn mơ hồ về lý tưởng, dẫn đến mất nguồn phát triển Đảng”, chị Huỳnh Thị Thúy Hằng cho biết.

Để công tác phát triển Đảng trong HS-SV đạt hiệu quả cao, các Đoàn trường cần tập trung công tác giáo dục, định hướng, nâng cao nhận thức về Đảng, trình độ lý luận chính trị cho HS-SV, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong HS-SV, thường xuyên phối hợp với Hội SV, chi bộ tổ chức nhiều hoạt động tạo môi trường cho HS-SV được rèn luyện, thể hiện khả năng của bản thân thông qua các phong trào tình nguyện vì cộng đồng, thành lập nhiều mô hình CLB, đội, nhóm gắn với các hình thức bổ trợ kiến thức, kỹ năng cho HS-SV nhằm tìm các nhân tố tích cực để giới thiệu vào Đảng.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

;
.