Tham gia chăn nuôi, trồng trọt cho đến sửa chữa các công trình điện, nước, cắt tỉa cây kiểng hay cuốn mình vào những lớp học nghề… đó là những hoạt động mà các học viên ở Cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh (gọi tắt là Cơ sở TV&ĐT nghiện ma túy, ở xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ) tỏ ra rất thích thú, say mê. Họ đã nỗ lực học tập, lao động tốt để sớm trở về với gia đình, xã hội và gầy dựng một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
Các học viên Cơ sở TV&ĐT nghiện ma túy tỉnh tham gia lớp đào tạo nghề sửa chữa điện dân dụng tại cơ sở. |
Thoăn thoắt tưới nước cho những luống rau xanh mướt, em Nguyễn Văn H. (SN 1995) nghỉ tay trò chuyện với chúng tôi. H. tâm sự: Sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả tại TP.Bà Rịa, từ nhỏ em được cha mẹ hết mực chiều chuộng. Khi đang học THPT, H. nghe một số bạn bè xấu rủ rê bỏ học, bỏ nhà ra đi và “thử” ma túy. Từ đó, bao nhiêu của cải trong nhà H. đều “đội nón ra đi” theo làn khói trắng. Khi gia đình phát hiện ra thì H. đã nghiện một thời gian khá dài. Ba, mẹ em khóc hết nước mắt, hết lời khuyên nhủ nhưng trong hơn 2 năm em vẫn luẩn quẩn với vòng nghiện ngập, không đi học và cũng chẳng đi làm. Vào Cơ sở TV&ĐT nghiện ma túy từ giữa năm 2017, sau khi được điều trị cắt cơn tại đây, những lúc tỉnh táo H. mới thấm thía hết những lỗi lầm và hệ lụy mà ma túy đã hủy hoại đến với bản thân và gia đình. Bên cạnh được điều trị cai nghiện theo những liệu pháp khoa học mà trung tâm đưa ra, H. còn được tham gia trồng trọt, chăn nuôi. Mỗi ngày, em và các thành viên trong Tổ trồng rau đã tự sản xuất được hơn 50 kg rau các loại và tự cung ứng cho bếp ăn của cơ sở. “Lao động đã giúp bản thân em khỏe hơn, ăn cơm cảm giác ngon miệng hơn trước rất nhiều. Hơn nữa, từ mỗi nông sản được làm ra đã giúp em thấu hiểu nỗi vất vả của những người lao động, giá trị của những đồng tiền mà ba, mẹ vất vả làm việc mỗi ngày để nuôi dạy con cái”, H. chia sẻ.
Ở Cơ sở TV&ĐT nghiện ma túy, tùy theo khả năng và sở thích của bản thân, mỗi học viên có thể tự chọn cho mình những công việc lao động tại cơ sở như: sửa chữa các công trình nội trại, điện, nước; cắt tỉa, tạo dáng cây cảnh; dọn dẹp vệ sinh khuôn viên; tham gia nấu ăn… Mỗi ngày tham gia lao động 4 tiếng đồng hồ đã trở thành một “liều thuốc tinh thần” hỗ trợ đắc lực cho các học viên có được tâm lý thoải mái, tránh nhàn rỗi để quên dần ma túy. Cuối ngày sau khi lao động ở các tổ, đội sản xuất, các học viên lại tham gia các hoạt động thể thao, văn hóa văn nghệ, đọc hơn 500 đầu sách các loại tại thư viện của cơ sở và ăn uống, nghỉ ngơi, kết thúc một ngày học tập, lao động đầy ý nghĩa.
Các học viên tỏ ra khá say mê với các lớp học nghề; đồng thời xác định đây là bước khởi đầu quan trọng để sau này trở về cộng đồng có công ăn việc làm ổn định, tránh xa những đối tượng xấu và nói không với ma túy. Anh Phạm Mạnh K. ngậm ngùi kể về sự đổ vỡ trong cuộc sống hôn nhân, đến nay anh vẫn không thể tin tác hại ghê gớm mà ma túy đã ập đến với gia đình mình. Không nghề nghiệp, lông bông tụ tập bạn bè xấu chơi lô đề, đánh bạc, thậm chí vay nóng, đánh đập vợ, con để có tiền hút chích đã khiến anh K. đánh mất mái ấm gia đình với vợ và 2 con. Vào cơ sở, những lúc tỉnh táo, anh K. mới thấm thía vì nay người vợ đã chia tay anh. Đứa con lớn nay đã nhập học ở một trường ĐH tại TP.Hồ Chí Minh nhưng anh thì không thể có mặt ở nhà để đưa con tới trường, thuê trọ, chăm sóc cho con. Để vơi đi nỗi nhớ gia đình, anh K. chăm chỉ tham gia lớp học nghề sửa chữa điện dân dụng với hy vọng sau khi trở về cộng đồng mở một cửa tiệm nho nhỏ tạo thu nhập kiếm sống và trang trải lo cho con ăn học. “Nhờ lao động, học nghề cũng như chấp hành tốt trong quá trình cai nghiện, tôi đã được cơ sở xét miễn giảm rút ngắn thời gian cai nghiện bắt buộc 2 tháng rưỡi. Đồng nghĩa với việc tôi sẽ được trở về cộng đồng vào tháng 10 tới đây. Có nghề trong tay, tôi rất háo hức trở về với gia đình để bắt tay xây dựng một cuộc sống mới”, anh K. nói.
Học nghề cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để cơ sở tổ chức đánh giá, đề nghị xét giảm, miễn chấp hành thời hạn cho các học viên; góp phần rút ngắn thời gian cai nghiện tạo điều kiện cho các học viên nhanh chóng trở về cộng đồng, xây dựng cuộc sống mới. Từ đầu năm 2018 đến nay, cơ sở đã tổ chức xét, miễn giảm thời gian chấp hành tại cơ sở cho 221 học viên có tiến bộ rõ rệt trong quá trình chấp hành nội quy, quy chế, quy trình cai nghiện. Ở mỗi hoạt động lao động, học nghề học viên còn được cơ sở trích lại 50% số tiền từ các sản phẩm học viên tạo ra để các học viên mua sắm nhu yếu phẩm hoặc tích lũy một số vốn nho nhỏ sau khi trở về với gia đình.
Bài, ảnh: BẢO KHÁNH
Hiện nay, Cơ sở TV&ĐT nghiện ma túy tỉnh hiện đang quản lý 686 học viên. Từ đầu năm 2018 đến nay, cơ sở đã tổ chức các hoạt động lao động, dạy nghề cho hơn 600 lượt học viên. Các học viên đã tham gia sản xuất hơn 5.000 kg rau xanh phục vụ cho bếp ăn của học viên. Hơn 900 lượt học viên thường xuyên tham gia lao động sản xuất, trị liệu, các hoạt động TDTT, văn hóa văn nghệ, đọc sách… |