.

Khắc khẩu vì lời nói cộc lốc

Cập nhật: 09:53, 17/08/2018 (GMT+7)
Minh họa của MINH SƠN
Minh họa của MINH SƠN.

Chuyện cãi nhau của nhiều đôi vợ chồng, không một cẩm nang nào có thể liệt kê đầy đủ lý do. Có những nguyên cớ cực kỳ lãng xẹt mà người trong cuộc chẳng thể lường trước. 

Một trong những lý do phổ biến nhất vẫn là lúc trao đổi với nhau bằng các câu nói cộc lốc, cụt ngủn hoặc “dài dòng văn tự” nhưng không hề có sắc thái tình cảm. Cũng câu chuyện đó, nếu xảy ra hồi mới quen biết, mới cưới nhau thì lại khác. Bởi các từ ngữ sử dụng đã được làm “mềm” đi, dễ lọt lỗ tai. Dù sai, dù khiếm khuyết nhưng nghe câu nói: “Em à/Anh ơi” dịu dàng tình cảm thì dễ dàng tiếp thu lắm. Nhưng rồi, dần dà có thể do đã “thuộc về nhau” nên họ không còn giữ ý giữ tứ gì nữa. 

Âu cũng là một tâm lý phổ biến chung, chứ không là cá biệt.

Đang làm món trứng cho bữa sáng, chợt cô vợ thấy anh chồng lao vào bếp gào lớn: “Cẩn thận!”. Cô vợ ngạc nhiên quá, bếp núc là chuyện thường tình mỗi ngày, anh chồng lại hét tiếp: “Hê! Thêm chút bơ vào nữa! Đảo cái chảo đi, đảo đi! Cần thêm bơ nữa, trời ạ, thế nào cũng bị dính chảo cho coi! Cẩn thận! Anh đã bảo em rồi cơ mà! Em không bao giờ lắng nghe anh cả! Lật trứng đi. Nhanh lên! Mà đừng quên cho muối. Em thì lúc nào cũng quên. Muối ấy, nhớ chưa?”. 

Những câu nói hàm ý ra lệnh, quát tháo, nạt nộ ấy, thử hỏi có dễ dàng tiếp thu không? Chẳng bù cho hồi mới cưới nhau, trong trường hợp này, người chồng đã nói dịu dàng hơn rất nhiều. Đã thế, anh ta lại còn cằn nhằn: “Đã nói mãi, có thay đổi gì đâu! Nấu với nướng! Mệt!”. Nín nhịn không được, cô vợ nổi cáu: “Anh bị sao vậy? Anh nghĩ là em không biết chiên mấy quả trứng à?”. Chồng thản nhiên nhún vai: “Anh chỉ muốn cho em biết là anh ngao ngán thế nào mỗi khi anh lái xe mà có em ngồi cạnh cứ luôn miệng điều khiển như vậy”. Thế là cãi nhau.

Có những cặp vợ chồng xa nhau thì nhớ, nhớ da diết từ lời ăn tiếng nói đến cả hơi thở của nhau nhưng khi chạm mặt, y như rằng, mới câu một, câu hai đến câu ba là cãi vã! Đang đi làm về mệt mỏi với những chuyện lằng nhằng ở công sở, thay vì đặt giày ngăn nắp, anh chồng mang luôn vào nhà, lập tức có tiếng vợ càu nhàu: “Cẩu thả! Bừa bãi quá!”. Thế là cáu: “Có thể cho tôi yên một chút, được không?”. Nếu tinh tế, cô vợ sẽ nhận ra điều bất thường nơi chồng, chỉ cần cô vợ nói một câu cộc lốc gì đó ắt ầm ĩ ngay. 

Mà chuyện này đâu có lạ, đã từng xảy ra nhưng hồi đó, cô vợ nói gì nhỉ? Nói thế nào không rõ, nhưng chắc chắn không phải là câu chì chiết, quát lớn, chỉ có thể mở đầu bằng giọng thỏ thẻ: “Anh ơi!” rồi mới đi vào “vấn đề” khiến người nghe cảm thấy dễ chịu, dễ tiếp thu hơn.

Lại có cặp vợ chồng nọ, sau khi cơm nước, cả hai cùng xem truyền hình. Nàng khoái xem phim, chàng thích bóng đá. Chẳng ai nhường ai. Cuối cùng, chẳng ai xem được gì ráo bởi họ bận… đấu khẩu - từ những câu nói không có sắc thái tình cảm. Kinh nhiệm của nhiều người cho biết, sự nhường nhịn vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Nhường nhau một chút, dù nhỏ nhưng cũng là sự lựa chọn khôn ngoan nhất. 

Nhiều người chẳng nghĩ đơn giản vậy, cứ nghĩ “trầm trọng hóa vấn đề” là do không hợp tuổi nên mới khắc khẩu. Chẳng phải thế đâu. Bình tĩnh lại đi, nguyên cớ nào cũng có lý do của nó. Không có lửa làm sao có khói?

Đơn giản chỉ vì cả vợ lẫn chồng đã quên đi những câu nói dịu dàng mà thay vào đó các từ mệnh lệnh, ra lệnh như “Nghe chưa? Làm đi! Ngốc quá! Lấy cho cái kia! Rồi! Không! Mau! Chậm quá! Nhanh lên! Đi đây! Làm rồi! Có! Hừ!” v.v… Và rõ ràng, ta thấy có cùng một “mẫu số chung” là trước câu nói ấy, không hề có những từ âu yếm, thương yêu, quan tâm như “Này anh/này em! Theo anh là/theo em là! Mình ơi/Cưng ơi/Chồng à/Vợ à”…

Trước hết, do cả 2 ứng xử từ hành động đến lời nói đã thể hiện sự thiếu tôn trọng nhau. Bình thường âu yếm ngọt ngào như xuống xề câu vọng cổ: “Mình ơi! Mình à!”, nhưng lúc giận lại “ông”, “tôi” “bà”, “cô” ra rả bên tai. Ai chịu nổi? Vậy là sự bực mình đang mới ngấp nghé, nghe lối xung hô “ác liệt” ấy khác gì đổ thêm dầu vào lửa. 

Rồi khi biển yên gió lặng, cả hai mắc cỡ vì sao lúc ấy lại có thể thốt ra những lời nặng nề? Bấy giờ, chàng mới chủ động làm lành và có thể cao hứng thì thầm những câu thơ như: “Và cả khi anh bảo hết yêu em/Xin em hãy đừng tin lời anh nói/Anh cũng giống mọi người thôi em ạ/Lúc muộn phiền, miệng lưỡi dễ chua cay” (Nguyễn Nhật Ánh). Tâm lý chung của nhiều người cũng vậy thôi. Do đó, chuyện khắc khẩu là điều khó tránh khỏi, chẳng ai tài giỏi gì có thể không để xảy ra những tình huống ấy. Thế nhưng cãi nhau với lý do từ câu nói cộc lốc thì phải xem lại chính mình.

Mà chuyện này, đâu khó. Trước kia cả hai cùng sử dụng, cùng trao cho nhau nhưng rồi tại sao, nay lại quên. Cứ nghĩ lại đi ắt sẽ “hóa giải” được chuyện khắc khẩu đấy thôi.

LÊ MINH QUỐC

.
.
.