“Tuyên truyền, vận động các phương tiện tàu thuyền và các hộ ven kênh không xả rác thải và nước thải bẩn xuống kênh Bến Đình” là 1 trong 4 mô hình “Năm dân vận chính quyền – năm 2018” mà UBND phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu tổ chức thành công. Nhờ đó, ý thức BVMT của người dân tại khu vực này được nâng cao, góp phần giảm thiểu ô nhiễm xung quanh kênh Bến Đình.
Gia đình ông Phan Văn Nu gắn bản cam kết không xả rác, nước thải bẩn xuống kênh Bến Đình. |
Gia đình ông Phan Văn Nu (30/1/13 Trần Phú, phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) nằm sát kênh Bến Đình. Ngôi nhà được làm bằng sàn gỗ trên kênh đã xuống cấp nhưng là nơi sinh sống của gia đình ông Nu suốt hơn 30 năm qua.
Ông Nu cho biết, trước đây toàn bộ lượng rác thải, nước thải sinh hoạt của gia đình ông đều xả thẳng xuống kênh Bến Đình. Từ 1-4-2018, được UBND phường Thắng Nhì vận động “không xả rác thải và nước thải bẩn xuống kênh Bến Đình”, gia đình ông Nu đã tự nguyện chấp hành quy định. Theo đó, gia đình ông Nu cũng như các hộ dân khác đã đóng tiền thu gom rác 30.000 đồng/tháng để được thu gom rác tận nhà. Ông Nu nói: “Việc xả rác thải, nước thải xuống kênh Bến Đình chỉ là thói quen xưa nay. Giờ chúng tôi đã ý thức được việc BVMT nên chấp hành tốt. Còn nước thải sinh hoạt của gia đình cũng đã được kết nối với hệ thống nước thải của thành phố chứ không xả trực tiếp xuống kênh như trước. Do đó, rác dưới nhà giảm hẳn, mùi hôi không còn nồng nặc như lúc trước nữa”.
Ông Ngô Văn Sỹ (17, Yên Đỗ, phường Thắng Nhì) cho biết, ông làm nghề đi ghe nên lượng rác thải từ ghe khá nhiều, trung bình khoảng 5kg-8kg/ngày. Trước đây, toàn bộ lượng rác trên, gia đình ông Sỹ, theo thói quen cứ đổ thẳng xuống kênh Bến Đình. Nhưng từ khi tham gia mô hình, gia đình ông Sỹ phải cam kết không xả rác thải xuống kênh. “Có người đến thu gom rác tận nhà, tui đỡ nhiều lắm. Do lượng rác nhà tui nhiều, nên ngoài 30.000 đồng tiền phí thu gom hàng tháng, tui còn trả thêm cho người thu gom khoảng 20.000 đồng/tháng nữa”, ông Sỹ nói.
Để có được sự đồng thuận cao trong dân như vậy là nhờ sự vào cuộc cùng chung tay BVMT của nhân dân 9 khu phố trên địa bàn phường. Ông Mai Xuân Phi, Trưởng Ban công tác mặt trận địa bàn dân cư khu phố 5 cho biết, hiện khu phố có 325 hộ gồm có các hộ nhà sàn sống sát kênh và các hộ sống ven kênh. Trước khi áp dụng mô hình này, khu phố đã tổ chức họp dân và đa số người dân đều đồng tình, hưởng ứng. Các hộ dân ký cam kết với phường triển khai mô hình. Sau hơn 4 tháng triển khai, môi trường trong khu dân cư đã giảm bớt ô nhiễm đến 70-80%.
Về việc triển khai mô hình “Tuyên truyền, vận động các phương tiện tàu thuyền và các hộ ven kênh không xả rác thải và nước thải bẩn xuống kênh Bến Đình”, bà Trương Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch UBND phường Thắng Nhì, thông tin thêm, trên toàn phường hiện có khoảng 500 hộ làm nghề biển như: Sơ chế, phân loại hải sản tươi, nước mắm, phơi tôm, cá khô, sửa chữa, đóng tàu thuyền, cơ khí, sản xuất nước đá, vá, sửa ngư lưới cụ… Ngoài ra còn có khoảng 250 chủ ghe tàu, phương tiện đánh bắt hải sản neo đậu trên chiều dài 2,6km kênh Bến Đình thuộc địa bàn phường Thắng Nhì. Do đó, tình trạng ô nhiễm môi trường bởi rác thải và nước thải từ các ghe tàu, các cơ sở sản xuất chế biến hải sản và nước thải sinh hoạt không qua xử lý kéo dài nhiều năm. Đặc biệt là các hộ sinh sống ven kênh Bến Đình còn xả thải trực tiếp ra môi trường làm cho kênh Bến Đình ô nhiễm nghiêm trọng.
Khi triển khai mô hình “Tuyên truyền, vận động các phương tiện tàu thuyền và các hộ ven kênh không xả rác thải và nước thải bẩn xuống kênh Bến Đình”, phường đã vận động 100% các hộ dân ven kênh và chủ các phương tiện ghe, thuyền trên địa bàn phường đều tham gia. Để bảo đảm người dân không còn xả thải ra kênh và sự đồng thuận chung tay hành động của các khu phố trên địa bàn trong việc thực hiện mô hình trên, phường Thắng Nhì đã triển khai việc ký cam kết giữa 9 khu phố với UBND phường. Các khu phố có trách nhiệm lồng ghép việc tuyên truyền vận động BVMT kênh Bến Đình vào các buổi họp hàng tháng và tiến hành ký cam kết với các hộ dân sống ven kênh phải để rác thải đúng nơi quy định, không xả thải trực tiếp xuống kênh làm gia tăng sự ô nhiễm.
Bà Trương Thị Phương Thảo, để thay đổi cách suy nghĩ về BVMT và lối sống của các hộ dân ven kênh Bến Đình, công tác tuyên truyền phải thực sự thiết thực, nói rõ tác hại của việc xả thải làm ô nhiễm môi trường cho người dân hiểu. Đồng thời nêu các quy định của pháp luật về mức xử phạt đối với các hành vi xả thải không đúng quy định theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT đến các hộ sống ven kênh, các chủ tàu ghe, các nhà hàng và các hộ chế biến hải sản. “Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở, xử lý nghiêm các hộ không thực hiện đúng cam kết; động viên, khen thưởng các gia đình, khu phố thực hiện tốt cuộc vận động là yếu tố quan trọng đi đến thành công”, bà Thảo nhấn mạnh.
Bài, ảnh: QUANG VŨ