Hành trình đến Đại học Quốc tế Tokyo - Bài 4: Ngôi trường trong mơ

Thứ Tư, 22/08/2018, 09:14 [GMT+7]
In bài này
.

“Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”, đó là điều ba mẹ và các thầy cô đều mong mỏi ở chúng tôi. Khái niệm vui với tuổi học sinh thì lại khác với người lớn rất nhiều. Và tôi sẽ kể về những gì tôi thấy ở ngôi trường này thật sự đem lại niềm vui cho chúng tôi, những người trẻ yêu thích sự đổi mới và hoàn thiện.

PHONG CÁCH KHÁC BIỆT

Thầy Sam Mallems giới thiệu các khu hành chính của trường.
Thầy Sam Mallems giới thiệu các khu hành chính của trường.

Vì là khu chính nên ngoài các phòng học, Campus 1 còn có thêm English Plaza và Japanese Plaza, nơi các sinh viên có thể thoải mái trò chuyện, giải trí, trao đổi kiến thức với nhau hay với các giáo sư, những anh chị đi trước.

Một điều khá đặc biệt là ở mỗi Plaza, mọi người chỉ được nói một thứ tiếng theo quy định, ta có thể thấy ngay được điều đó ở cái tên. Tuy khá ít người ra vào nhưng Japanese Plaza vẫn luôn có những cuốn sách, truyện trên kệ, những phòng học, phòng họp cùng các màn hình, máy chiếu, máy tính luôn trong tình trạng sẵn sàng hoạt động. Cô Harrai – cán bộ hành chính hỗ trợ visa, dịch vụ nhà ở cho học sinh E-Track giải thích thêm, vì một số lý do, văn phòng của cô chuyển đến cạnh Japanese Plaza nên mọi hoạt động đều phải diễn ra trong một trật tự nghiêm ngặt, dành không gian yên tĩnh để sinh viên có nhu cầu tập trung vào đây ôn bài.

 Bất cứ lúc nào cần được hỗ trợ thông tin, bạn hãy đăng ký và sẽ được xắp xếp tư vấn bởi các giáo sư hoặc nhân viên nhà trường. Trong ảnh: Chị Mỹ Hạnh (trái) từng được 100% học bổng đang tư vấn.
Bất cứ lúc nào cần được hỗ trợ thông tin, bạn hãy đăng ký và sẽ được xắp xếp tư vấn bởi các giáo sư hoặc nhân viên nhà trường. Trong ảnh: Chị Mỹ Hạnh (trái) từng được 100% học bổng đang tư vấn cho một sinh viên về phương pháp thâm nhập thực tế.

Chúng tôi đến English Plaza (EP). Đón cả đoàn ở cửa là một chị nhân viên người Việt Nam mặc đồng phục màu đỏ gạch với logo trường trên ngực. Chị cười chào niềm nở, hỏi thăm mọi người về ấn tượng với trường và rất vui khi thấy ai cũng yêu thích TIU.

Góc học tập tại Japanese Plaza.
Góc học tập tại Japanese Plaza.

Chờ vài phút để nhân viên xếp chỗ, chúng tôi được chị dẫn vào trong. Tại đây, tôi như bước vào một thế giới mới, khác xa Japanese Plaza. Đây là nơi mà các luật lệ nghiêm khắc thường thấy trong môi trường học tập như đi nhẹ, nói khẽ, không tụ tập,... đều không hiện hữu. Hai quy tắc lớn nhất ở đây chính là chỉ được nói tiếng Anh và không được ăn uống! Một nơi tuyệt vời để làm quen với các sinh viên quốc tế. Tuy vậy, mọi thứ dường như vẫn rất trật tự, mọi người chỉ ngồi nói chuyện, chơi board games (trò chơi hoạt động trí não đông người), thảo luận hay giúp đỡ nhau về các môn học.

Không khí sôi động tại English Plaza.
Không khí sôi động tại English Plaza.
Một sinh viên Israel nhiệt tình tham gia cuộc trao đổi thông tin với đoàn học sinh Việt Nam trong khuôn viên sôi động của English Plaza.
Một sinh viên Israel nhiệt tình tham gia cuộc trao đổi thông tin với đoàn học sinh Việt Nam trong khuôn viên sôi động của English Plaza.

Ngoài ra EP còn rất nhiều phòng học nhóm, bao gồm 5 phòng nhỏ cho 3 đến 5 người và 8 phòng lớn cho hơn 20 người được trang bị một macbook pro cho mỗi ghế ngồi và kính mờ cách âm cực tốt, bảo đảm không bị ai làm phiền.

 Quầy nước giải khát bên cạnh English Plaza trong giờ giải lao luôn đông đúc sinh viên.
Quầy nước giải khát bên cạnh English Plaza trong giờ giải lao luôn đông đúc sinh viên.

Đi sâu xuống dưới khoảng 5 đến 10m là một tầng hầm chuyên dành cho các cuộc họp đông người hoặc tự học của sinh. Tuy là tầng hầm nhưng mọi thứ diễn ra không khác gì trên mặt đất, thậm chí trang bị còn có chút hiện đại hơn nhưng chúng tôi chưa có cơ hội được quan sát vì đang có 4, 5 cuộc họp diễn ra.

Trở lại với gian chính của EP, chúng tôi cùng ngồi vào một bộ salon mềm dài đủ màu sắc để thưởng thức không khí náo nhiệt thường ngày nơi đây. Biết có một đoàn tham quan là học sinh người Việt, nhiều anh chị nước ngoài đang ngồi với nhau cũng có hứng thú chạy lại trò chuyện rất vui vẻ. Chị Chita, một nhân viên người Uzabekistan cho biết, sinh viên ở đây chỉ cần dùng một ứng dụng trên smart phone và đặt chỗ trước, sẽ có các giáo sư trực tiếp đến để hỗ trợ chúng ta trong bài tập về nhà hay những điều chưa hiểu trong lớp. Đây cũng là một phương pháp tốt để có sự ăn ý hơn giữa sinh viên và giáo sư. Hơn nữa, chỉ cần là sinh viên của trường thì sẽ được quyền mượn một chiếc Macbook Air từ EP trong vòng một ngày và trả lại khi ra về, hoàn toàn miễn phí.

CÂU CHUYỆN THÚ VỊ BÊN BÀN ĂN

Chia tay với các thành viên EP thân thiện vui tính, đoàn chúng tôi thật vinh dự được tham gia một bữa tiệc chào đón nho nhỏ hay còn gọi là seminar ở khu nhà ăn cho thầy cô giáo. Tại đây, cả đoàn sẽ được gặp gỡ các anh chị tiền bối cùng 2 thầy giáo cốt cán trong trường để được truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức về du học. Bàn tiệc khá phong phú với hơn 10 món ăn đậm chất Nhật Bản, mang phong cách nhẹ nhàng, gần gũi để tạo cảm hứng cho các cuộc trò chuyện.

Một bữa tiệc đứng nho nhỏ với nhiều món truyền thống Nhật được tổ chức để chào đón đoàn học sinh Việt Nam tại Campus 1.
Một bữa tiệc đứng nho nhỏ với nhiều món truyền thống Nhật được tổ chức để chào đón đoàn học sinh Việt Nam tại Campus 1.

Thầy George Hays, Giám đốc Khoa Giảng dạy Quốc tế (Global Teaching Insitute – GTI) thuộc tập đoàn TIU, cũng tham gia với chúng tôi. Trò chuyện với thầy, tôi được biết, GTI là một hình thức học tập bằng tiếng Anh với hơn 30 giáo viên khác nhau đến từ Mỹ. GTI từ lâu đã được lồng ghép vào chương trình học của TIU, mà được thể hiện nổi bật nhất tại các hoạt động tại EP như tư vấn hỗ trợ học tập. Ngoài ra còn có nhiều lớp học dài 1,5 tiếng được tổ chức 3 đến 4 lần một tuần nhằm mục đích cải thiện, nâng cao trình độ tiếng Anh của sinh viên. Trong các lớp này, hình thức học một kèm một được tận dụng tối đa, từ đó có thể thấy trình độ tiếng Anh của học viên sẽ tăng đáng kể.

 Tranh thủ gặp thầy Sekiguchi giữa tiệc chào mừng, tôi đã được thầy cung cấp nhiều thông tin bổ ích về TIU.
Tranh thủ gặp thầy Sekiguchi giữa tiệc chào mừng, tôi đã được thầy cung cấp nhiều thông tin bổ ích về TIU.

Lại một lần nữa tôi có cơ hội gặp gỡ thầy Sekiguchi, chúng tôi đã trao đổi rất nhiều thông tin. Thầy nói, để có khả năng được nhận vào trường, học lực của học sinh tính theo thước đo Việt Nam ở cấp 3 ít nhất phải là khá cho cả 3 năm cùng với điểm IELTS trên 6.0. Hơn nữa, các sinh viên sẽ tăng tỷ lệ thành công  bằng cách tham gia thật nhiều những hoạt động ngoại khóa. Hoạt động càng được công nhận rộng rãi, khả năng càng cao. Là một trường quốc tế, TIU đã đưa ra 4 mức học bổng nhằm thu hút học sinh giỏi từ các nước lân cận. Điển hình là các mức 30%, 50%, 80%, 100% (toàn phần) cho các học sinh cấp 3 và nhiều ưu đãi cho sinh viên ưu tú trong thời gian học tập tại đây. Việt Nam là một trong số các quốc gia có mức học bổng trung bình cao nhất trường, đa số các anh chị trong buổi gặp mặt hôm nay đều có học bổng từ 80% đến toàn phần. Bữa tiệc kết thúc, lúc ngồi dùng trà, tôi mới có dịp nói chuyện với chị Mỹ Hạnh, một trong những sinh viên Việt Nam đạt được học bổng 100% của trường. Chị không nói nhiều về bản thân, nhưng cũng đã kịp cho tôi một lời khuyên: Học giỏi, học bạ đẹp với điểm cao các môn, lời thầy cô phê tốt cũng là một nền tảng tốt cho việc ứng cử, xin học bổng của trường. Tuy nhiên, bạn chớ bỏ qua việc rèn dũa môn Tiếng Anh (mà kết quả được đánh giá thông qua điểm IELTS) vì chương trình tại TIU được giảng dạy bằng Tiếng Anh. Và đặc biệt, các hoạt động ngoại khóa mang tính chất kết nối với tập thể và vì cộng đồng được đánh giá cao. Tôi chợt nhớ đã từng đọc được ở một quyển sách viết về cách dạy trẻ của người Nhật, họ luôn nhấn mạnh đến những bài học dạy trẻ em “biết suy nghĩ đến người khác”. Bởi xã hội Nhật Bản luôn đề cao lối sống đạo đức, có văn hóa. Mỗi người dân luôn thể hiện trách nhiệm cao với chính bản thân và cộng đồng. Và hệ thống giáo dục Nhật có nhiệm vụ hướng những người trẻ về hướng phát triển tự nhiên theo tính cách, chú trọng dạy những bài học về cuộc sống, đạo đức, cách chăm sóc và yêu thương những người xung quanh…

Giờ học môn IT Business với thầy Jay Osama càng củng cố thêm niềm tin yêu trong chúng tôi về các thầy cô và trường.
Giờ học môn IT Business với thầy Jay Osama càng củng cố thêm niềm tin yêu trong chúng tôi về các thầy cô và trường.

Bài:THÁI NGÔ
Ảnh: NHẬT LINH
(Còn nữa)

TIU là một trường đại học thuộc một tập đoàn tư nhân ở “The Greater Tokyo Area” (bao gồm Tokyo và các vùng lân cận) - Nhật Bản. Trường tập trung mạnh vào các ngành khoa học xã hội liên quan đến quan hệ quốc tế và kinh doanh toàn cầu. Với một khuôn viên gọi là TIUA (Tokyo International University of America - TIUA),  thuộc sự quản lý của Đại học Willamette ở Salem, Oregon, Hoa Kỳ, tờ thời báo Times Higher Education xếp TIU là trường đại học quốc tế lớn thứ ba ở Nhật Bản. Ngoài ra tập đoàn còn có nhiều trường học các cấp ở nhiều địa điểm khác nữa.

Trường được thành lập năm 1965 bởi Taizo Kaneko, lấy tên là trường Cao đẳng Thương mại Quốc tế . Năm 1986 trường được đổi tên thành Đại học Quốc tế Tokyo. Năm 2014, trường đã khởi động Chương trình English Track (E-Track), tập trung vào việc cho sinh viên Nhật Bản và quốc tế một cơ hội tìm kiếm các chứng chỉ trong chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh.


;
.