Ngôi trường xanh mướt màu xanh của cây cối. Những phòng học lớn nhỏ, lối đi thẳng tắp. Những lá cờ nhiều màu bay phấp phới trong sân trường. Tôi nhận ra màu cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc trong nhịp đập mạnh khác thường của tim mình. Ngay lúc đó, tôi biết mình ao ước gì để có thể tự hào hơn nữa về màu cờ của Tổ quốc mai sau.
Khuôn viên rộng, thoáng đãng của trường TIU. |
SỰ THÂN THIỆN CÓ Ở MỌI NƠI
Sau một đêm ở thành phố Hanno, chúng tôi ăn buffet tại nhà hàng của khách sạn và lên đường đi Kawagoe - một thành phố cũng thuộc tỉnh Saitama, nơi trường TIU tọa lạc. May sao vẫn phải ở khách sạn này 2 đêm nữa nên chúng tôi cũng đỡ phải vất vả khiêng đồ đạc theo. Chiếc xe buýt mang logo trường lướt đi trên đường cao tốc. Khung cảnh hai bên đường với màu xanh tươi của những hàng cây, quả đồi vẫn cứ êm đềm lướt qua. Điểm thêm lên đó là màu nâu xám nhẹ nhàng của những căn nhà mái ngói tôn lên một vẻ đẹp yên bình mà cổ kính không đâu có được.
Mải mê ngắm cảnh, không biết từ đâu trờ tới cánh cổng của một khối những tòa nhà đồ sộ, vuông vức màu xám nhạt tạo cảm giác hùng vĩ và mạnh mẽ. Xe chúng tôi chậm dần và dừng hẳn ở vạch màu vàng, đồng thời những câu nói bằng tiếng địa phương mang âm sắc vui vẻ của bác tài xế cũng cất lên: “Đoàn chúng ta đã đến nơi, mời mọi người xuống tham quan trường, chúc mọi người có chuyến đi vui vẻ. Xin cảm ơn”. Từ “cảm ơn” được bác nhắc đi nhắc lại nhiều lần mỗi khi có người xuống xe làm cả ai cũng trở nên phấn khởi, yêu thích.
Cổng trường có lẽ chỉ cao 3m, nhưng trông rất dày dặn, mạnh mẽ. Bên phải là một tấm bảng chỉ lớn bằng một thân xe con được đặt vuông góc một cách khiêm tốn khắc tên trường. Bên trong, một lối đi rộng rãi đủ cho hơn 10 người đi hiện ra với hàng chục các quốc kỳ của nhiều nước khác nhau mang đậm nét tôn nghiêm được cắm hai bên. Nơi đó, màu cờ đỏ thắm tôn vinh ngôi sao vàng rực của Việt Nam phất phới bay. Bỗng dưng, ở một nơi xa lắc như thế này, trong tôi dậy lên một cảm xúc trân trọng, yêu quý. Lá cờ Tổ quốc làm thổn thức cả con tim bé nhỏ của tôi. Tôi biết, mình phải làm gì để tôn vinh màu cờ sắc áo Việt Nam.
Cờ đỏ sao vàng Việt Nam sánh vai cùng quốc kỳ các nước ngay khu vực cổng trường TIU. |
Đoàn Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại cổng trường TIU. |
Đón chúng tôi ở sân trường là thầy Sekiguchi, Giám đốc phụ trách English Track (chương trình học của sinh viên quốc tế - E Track). Thầy đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với trường và được mọi người quý mến. Sau khi dạo 1 vòng quanh các phòng học, văn phòng trong trường, chúng tôi theo chân thầy Sam đến cafeteria để thưởng thức các món ăn thường ngày của sinh viên nơi đây.
Hình thức chọn món cũng khá độc đáo, đó là chúng ta phải cho tiền vào các máy bán hàng in ra phiếu có tên món và đưa cho các nhân viên ở quầy để lấy thức ăn. Bữa trưa có cả sự tham gia của các anh chị người Việt Nam đang học tại đây, trong đó có chị Yến, chị Mỹ Hạnh và anh Ân, đều đạt học bổng toàn phần của trường. Vừa ăn vừa nói chuyện, chúng tôi hỏi các anh chị về những thông tin mà mình đã tìm hiểu, làm quen với những người đi trước để tiện hỏi han những điều còn thắc mắc, lạ lẫm. Điều ngạc nhiên là, sau khi dùng bữa, mọi người đều bưng khay chén bát, ly của mình đến một bồn rửa chén, tráng sơ qua rồi sắp vào ngay ngắn, một hành động cực kỳ hiếm thấy ở Việt Nam.
Bữa trưa với các anh chị người Việt Nam. |
Cùng lúc đó, thầy Đỗ Đức Hiệp hướng dẫn đoàn quay lại sảnh chính của Campus 1 để lên tầng 4, tham gia lớp học về Quan hệ Quốc tế - một trong hai ngành chính của trường.
Thầy Sekiguchi phổ biến các thông tin quan trọng về trường và chương trình học bổng của TIU. |
HỌC VÀ HỎI
Giảng đường rộng tương đương một sân cầu lông nhỏ chứa bốn hàng ghế màu cam neon có đường ray để có thể di chuyển theo ý muốn, nổi bật lên giữa những bức tường trắng tinh không vết bụi.
Quả không sai khi nói người Nhật có lối sống kỷ luật nhất hành tinh. Đúng 2 giờ chiều không sớm không muộn, thầy Yamamoto mặc bộ vest xám lịch lãm cùng chiếc cặp laptop trên tay, đẩy cửa bước vào. Sự có mặt của thầy làm cho không khí trong giảng đường thoáng chút căng thẳng vì chưa ai từng trải nghiệm phương pháp học này. Ban đầu, thầy giới thiệu về mình, qua đó cả nhóm biết được thầy là một người đam mê xe mô tô và rất yêu mèo, ngoài ra còn là một nhà hảo tâm tham gia một số chương trình cứu trợ động vật. Mọi người như chìm đắm vào các câu chuyện của thầy và dần trở nên cởi mở, vui vẻ hơn. Dẫn dắt một cách khéo léo, thầy từ từ đưa chúng tôi vào bài học chính. Bài học chủ yếu liên quan đến chính trị xoay quanh các câu hỏi “tại sao? bằng cách nào? ở đâu? vào lúc nào?”, nghe có vẻ khô khan, nhưng nhờ vào khả năng dẫn dắt tuyệt vời của thầy, mọi thứ dường như dễ hiểu và thú vị hơn. Từ đó, nhiều bạn bắt đầu phát biểu, tranh luận, một lần nữa khơi dậy không khí của một lớp học vừa có sự truyền thụ kiến thức, vừa có sự giao lưu, chia sẻ thông tin giữa người dạy với người học và ngay giữa những học viên với nhau.
Chúng tôi có một tấm ảnh với thầy Yamamoto. |
Kết thúc buổi học, tôi vinh dự được đại diện đoàn tặng quà lưu niệm từ Việt Nam cho thầy và cả nhóm đã chụp một tấm hình chung rất đẹp trước tấm bảng đen. Không ai là không cảm thấy tiếc nuối về cơ hội được dạy bởi một giáo sư có trình độ và phương pháp giảng dạy bậc nhất này. Có lẽ đó cũng là một trong những động lực để chúng tôi phấn đấu học tập, tìm kiếm cơ hội bước chân vào trường TIU.
Trường chia làm 3 khu chính, gọi là campus. Campus 1 và 2 có nhiều dãy lớp học, nhà ăn, khu tự học, đọc sách,… chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt của học sinh các môn kiến thức chuyên ngành. Còn Campus 3 hay Campus Sakado là một quần thể gồm rất nhiều những sân chơi thể thao như sân bóng chày, bóng ném, bóng mềm, bóng đá, bóng rổ… trong vùng ngoại ô, dành cho việc luyện tập các môn thể chất. Trường có Văn phòng tổng chỉ huy điều hành mọi hoạt động, nằm ở khu vực Takadanobaba, chỉ cách phố Shibuya lừng danh nước Nhật hơn 5km. |
THÁI NGÔ
(Còn nữa)