Gánh nặng đông con và đói nghèo
5 năm trở lại đây, mặc dù tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn tỉnh luôn nằm trong mức cho phép của tỉnh (nhỏ hơn 10% số lượng trẻ sinh ra). Tuy nhiên, tại các vùng ven biển, do đặc điểm kinh tế - xã hội, lao động… nên tình trạng sinh nhiều con vẫn phổ biến ở các gia đình, tạo áp lực gia tăng dân số, gánh nặng nghèo đói.
NHỮNG “ĐIỂM NÓNG” DÂN SỐ
Huyện Long Điền là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo có 3 con trở lên cao nhất trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của Phòng LĐTBXH huyện, đầu năm 2017, toàn huyện có 3.073 hộ nghèo, trong đó 908 hộ có 3 con trở lên (chiếm 29,55%). Nguyên nhân một phần là do nhiều gia đình theo nghề biển, muốn sinh con trai để nối nghiệp làm biển. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là ý thức về thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn chưa cao.
Theo chân chị Phan Thị Thanh Loan, nhân viên Trạm Y tế thị trấn Long Hải (huyện Long Điền), chúng tôi đến thăm gia đình chị L.T.Y. (hộ nghèo chuẩn quốc gia ở khu phố Hải Hà 1, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền). Ở tuổi 37, chị Y. đã có 7 người con, trong đó có 6 con trai, đứa nhỏ nhất mới 3 tuổi. “Sau khi sinh đứa thứ hai, tôi được cán bộ dân số của thị trấn tư vấn uống thuốc tránh thai, nhưng tôi thường quên uống. Khi biết mình mang thai, tôi không nỡ bỏ nên cứ thế để đứa con thứ 6 rồi thứ 7 ra đời”, chị Y. nói.
Cán bộ dân số thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) đến tận nhà tuyên truyền cho chị L.T.Y về chương trình dân số- kế hoạch hóa gia đình.
|
“Hàng năm, Trạm Y tế thị trấn Long Hải thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông về sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ trên địa bàn. Ngoài ra, đối với các gia đình đông con, cán bộ, cộng tác viên dân số còn đến tận nhà để phát bao cao su, thuốc tránh thai miễn phí giúp các chị phòng tránh thai an toàn, nhưng còn gặp nhiều cản trở từ phía gia đình. Có những hộ gia đình, bản thân người chồng hoặc gia đình bên chồng không muốn thực hiện kế hoạch hóa gia đình, muốn sinh nhiều con hoặc cố sinh con trai”, chị Phan Thị Thanh Loan cho biết.
Khác với chị Y., sau khi sinh hai đứa con gái, vợ chồng chị P.T.K.T., hộ nghèo chuẩn quốc gia (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) lại mong có đứa con trai để “nối dõi”. Sau khi được “thỏa ước muốn” có con trai, vợ chồng chị lại “vỡ kế hoạch” và đón thêm 2 cậu con trai nữa. Vậy là vợ chồng chị bươn chải, quần quật làm lụng nuôi tới 5 đứa con và lúc nào cũng thiếu thốn.
GÁNH NẶNG ĐÓI NGHÈO
Đông con, nguồn thu nhập bấp bênh từ nghề đánh bắt trên biển khiến cuộc sống của nhiều gia đình nghèo càng lâm vào khốn khó, con cái phải bỏ học theo ba mẹ kiếm sống hoặc không được chăm sóc đầy đủ.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà quây bằng tôn chưa đầy 30m2, chị Y. ngậm ngùi nói: “Đứa con trai lớn năm nay 18 tuổi, chỉ học hết lớp 6 rồi đi làm thuê trên các thuyền đánh bắt cá. Đứa con trai thứ hai 15 tuổi cũng bỏ học 3 năm nay theo cha đi biển, còn tôi quẩn quanh trong bờ làm thuê làm mướn. Tháng nào biển lặng, vợ chồng, con cái gom góp lại mới được 6-7 triệu đồng nhưng phải chắt bóp lắm mới đủ chi tiêu trong nhà…”. Vì những lý do ấy, gia đình chị Y. mãi vẫn không thoát nghèo và cứ xoay xở trong vòng luẩn quẩn của gia đình “đông con nhưng nghèo của”.
Hay như gia đình chị T., 2 đứa con gái lớn chỉ được học đến lớp 8, 9 phải nghỉ ở nhà đi làm phụ ba mẹ nuôi 3 em trai. Căn nhà mái tôn cũ chật chội, dựng tạm trên nền đất của người quen cho mượn tạm, mùa mưa phải hứng xô, chậu ngay trong nhà nhưng là nơi trú mưa, trú nắng duy nhất của cả gia đình.
Cũng giống như gia đình chị Y. và chị T., cảnh đông con khiến gia đình chị N.T.T.C. (người dân tộc Khơ-me, hộ nghèo chuẩn tỉnh) ở khu phố Hải Phong 1, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền ngày càng khó khăn. Cách đây 18 năm, chị C. theo ba mẹ từ Trà Vinh vào BR-VT sinh sống rồi kết hôn cùng anh L.V.P. Với công việc đánh bắt cá lênh đênh trên biển, hai tháng vào bờ một lần, thu nhập của anh P. chỉ được 4-5 triệu đồng/tháng. Với khoản thu nhập bấp bênh, vợ chồng chị và 4 đứa con (đứa nhỏ nhất mới 20 tháng tuổi) cùng sinh sống trong căn phòng trọ chưa đầy 20m2 (1,3 triệu đồng/tháng). “Nhà chật chội, buổi tối, vợ chồng tôi phải gửi con sang ngủ bên nhà bà ngoại gần đó. Có khi 5 ngày liền, tôi không có tiền mua gạo, mấy đứa nhỏ phải lên chùa gần nhà xin cơm ăn...”, chị C. nói.
Trẻ em ở nhiều khu vực ven biển thường xuyên đối mặt nguy cơ thất học. |
CẦN PHẢI THAY ĐỔI Ý THỨC
Theo thống kê của Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh, tính đến năm 2017 quy mô dân số các vùng biển, đảo và ven biển của tỉnh là 1,14 triệu người. 6 tháng đầu năm 2018, tổng số trẻ được sinh ra là 7.057 trẻ (tăng 292 trẻ so cùng kỳ năm 2017). Trong đó, con thứ 3 trở lên là 587 trẻ (tỷ lệ 8,32% trên tổng số trẻ sinh ra trong kỳ).
Nói về những khó khăn trong công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh thời gian qua, bác sĩ Tôn Thất Khoa, Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, trong năm 2018 kinh phí của chương trình này bị cắt giảm nhiều và chưa được phê duyệt, nên một số các hoạt động chủ yếu của công tác DS-KHHGĐ chưa thể chủ động triển khai thực hiện, trong đó có hoạt động truyền thông-giáo dục. Ngoài ra, việc thực hiện chỉ tiêu triệt sản gặp khó khăn do người dân đăng ký nhưng các đơn vị y tế không thực hiện được do không có phẫu thuật viên hoặc có cơ sở y tế chỉ thực hiện sinh con kết hợp triệt sản. Cùng với đó, đội ngũ cộng tác viên dân số thường xuyên biến động, việc trả thù lao cho cộng tác viên chậm trễ cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của chương trình.
Còn theo ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, mặc dù tỷ lệ sinh con thứ 3 vẫn nằm trong mức cho phép của tỉnh đưa ra, tuy nhiên đa số trường hợp sinh con thứ 3 trở lên đều rơi vào các gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến công tác giảm nghèo của toàn tỉnh.
“Trong thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh sẽ tập trung mọi nỗ lực để thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Đề án Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển năm 2018. Ngoài ra, Chi cục sẽ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức hoạt động tuyên truyền, tư vấn nhằm nâng cao nhận thức người dân về công tác DS-KHHGĐ, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số, bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản”, bác sĩ Tôn Thất Khoa, Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết thêm.
“Quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân, phải biết rằng việc sinh nhiều con sẽ ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, kể cả việc làm cho phụ nữ cũng hạn chế hơn khi phải mất nhiều thời gian chăm sóc con nhỏ. Nếu người dân chỉ trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì không thể vươn lên thoát nghèo được. Để giải quyết vấn đề này, rất cần sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội trong việc tuyên truyền vận động để thay đổi ý thức người dân trong thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, đồng thời tạo công ăn việc làm để giúp người dân dần ổn định cuộc sống”, ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết.
|
Bài, ảnh: TƯỜNG NGÂN