Đình thần Hắc Lăng cần sớm tu sửa

Thứ Sáu, 10/08/2018, 10:02 [GMT+7]
In bài này
.

Đình thần Hắc Lăng (ấp Phước Lăng, xã Tam Phước, huyện Long Điền) là nơi thờ tự hai vị tướng có công thời nhà Nguyễn. Ngoài ra, nơi đây còn lưu giữ một số sắc phong của vua Minh Mạng và vua Tự Đức. Đình thần Hắc Lăng đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2011. Hiện nay, đình đang xuống cấp nghiêm trọng, cần được tu sửa.

Nhà khách của Đình thần Hắc Lăng xuống cấp, cần được sửa chữa.
Nhà khách của Đình thần Hắc Lăng xuống cấp, cần được sửa chữa.

Ngày 16-6 âm lịch (28-7), Đình thần Hắc Lăng tổ chức lễ giỗ hai vị tướng Nguyễn Diên và Châu Văn Tiếp. Những vị kỳ lão, chánh tế mang áo dài khăn đóng, thành kính đọc lời tế và ôn lại tiểu sử của hai ông. Hơn 300 người dân địa phương và du khách về dự lễ, cầu sức khỏe, bình an, may mắn khiến đình trở nên nhộn nhịp. 

Nhưng sau lễ giỗ, Đình thần Hắc Lăng lại trở về với vẻ im ắng thường ngày. Ông Lê Thanh Hòa, Trưởng Ban tế tự, Chánh lễ Đình thần Hắc Lăng cho biết, trước đây, không chỉ các ngày cúng giỗ mà vào dịp Tết, lễ, hội làng, đình thần Hắc Lăng là nơi tụ họp của bà con và thu hút đông du khách về dự. Ban tế tự mời các đoàn hát bội về diễn, bà con ngồi chật kín khoảng sân đình xem hát. Nhà bếp của đình luôn đỏ lửa nấu nướng đãi khách. Gia đình nào có công việc gì cũng đến dâng lễ mong cầu mọi việc suôn sẻ… Thế nhưng, từ nhiều năm qua, đình thần xuống cấp khiến mọi người e ngại, du khách cũng ít đến. 

Theo tài liệu do Ban tế tự Đình thần Hắc Lăng cung cấp, ngôi đình này vốn là miếu thờ Diên Công, xây dựng năm 1674 để thờ Chưởng cơ Diên lộc hầu Nguyễn Diên. Năm 1847, sau khi vua Tự Đức ban sắc phong thần “Thần bậc trung” cho tướng Nguyễn Diên, dân làng Hắc Lăng (nay là Tam Phước) đã xây dựng đình thờ vị tướng này. Ngoài ra, đình còn thờ Quận công Châu Văn Tiếp. Ông Châu Văn Tiếp mất năm 1784 và được cải táng, lập mộ tại xã Hắc Lăng từ năm 1788. Năm 1851, ông được người dân lập đền thờ kế bên chùa Bảo Quang (đối diện cổng đình Hắc Lăng). Sau nhiều biến động lịch sử, năm 1954, người dân đã thỉnh bài vị của Quận công Châu Văn Tiếp về thờ chung tại Đình thần Hắc Lăng.

Rui mè mái nhà bếp Đình thần Hắc Lăng bị hư hỏng; mái ngói bị thủng, dột.
Rui mè mái nhà bếp Đình thần Hắc Lăng bị hư hỏng; mái ngói bị thủng, dột.

Ngoài bài vị của hai vị tướng trên, Đình thần Hắc Lăng còn lưu giữ các sắc phong gồm: Sắc phong của vua Minh Mạng tặng ông Nguyễn Diên (năm 1847), sắc phong của vua Tự Đức tặng ông Châu Văn Tiếp (1851) và một sắc phong dành cho đình (không rõ năm). Những sắc phong này được các kỳ lão bảo quản cẩn thận, được xem là những vật chứng quý mang giá trị lịch sử. Chỉ vào dịp giỗ hai ông (16-6 âm lịch hàng năm), những sắc phong này mới được đưa ra, đặt lên ban thờ để người dân chiêm bái. 

Đình thần Hắc Lăng mang nét kiến trúc cổ xưa với mái ngói âm dương, sàn lót gạch tàu, những cột kèo bằng gỗ lim đen bóng... Trong quần thể đình còn có miếu Bà ngũ hành, miếu Hương chức, miếu Thần Nông, miếu Ông Hổ, sân khấu võ ca, khu đón khách… Đình đã được người dân địa phương góp tiền, góp công sửa chữa nhiều lần, trong đó có những lần đại trùng tu vào các năm: 1920, 1946, 1963… 

Tuy nhiên, đến nay đình đã xuống cấp nghiêm trọng. Ngay chính điện, nhiều chỗ bị dột. Bên ngoài đình, mái che của bếp, nhà khách, sân khấu võ ca đều hư hỏng nặng, cột, kèo của nhà khách bị mối mọt ăn, có nguy cơ sập đổ. Miếu Ông Hổ, miếu Thần Nông đã bị những ụ mối lớn “ăn” gần hết… “Trước khi Đình thần Hắc Lăng được công nhận di tích lịch sử, cứ hư hỏng gì, chúng tôi lại họp bàn, quyên góp từ người dân, bá tánh và sửa chữa kịp thời. Nhưng từ khi đình được công nhận di tích, việc sửa chữa phải xin ý kiến và kinh phí của huyện, của tỉnh. Từ năm 2012, khi thấy Đình thần Hắc Lăng xuống cấp, chúng tôi đã nhiều lần làm đơn gửi lên UBND huyện đề nghị sửa chữa, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”, ông Trần Văn Ngọc, Phó Ban tế tự, người coi giữ Đình thần Hắc Lăng cho biết.

Ông Trần Công Sơn, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao) cho biết, theo Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND ngày 15-6-2018 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh BR-VT, di tích Đình thần Hắc Lăng do huyện Long Điền quản lý. Vì vậy, huyện cần chủ động bố trí kinh phí để sửa chữa, tôn tạo, nâng cấp di tích này.  

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Ngọc Vàng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Long Điền cho biết, tháng 7 vừa qua, UBND huyện đã tổ chức đoàn khảo sát và ghi nhận tình trạng xuống cấp của Đình thần Hắc Lăng, cần sớm sửa chữa. Trước đó, năm 2016, Sở Văn hóa - Thể Thao - Du lịch (nay là Sở Văn hóa - Thể thao) đã từng có báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét tu sửa Đình thần Hắc Lăng và mộ ông Châu Văn Tiếp, với tổng kinh phí 8,1 tỷ đồng nhưng chưa có kinh phí. Ngoài ra, trước khi sửa chữa, địa phương phải tìm đơn vị, kiến trúc sư có chứng chỉ, bằng cấp về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích để bảo đảm việc phục chế, phục hồi di tích đúng hiện trạng nên thủ tục kéo dài khiến cho việc tu sửa đình chưa thể thực hiện.

Bài, ảnh: MINH QUANG

 
;
.