Kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia với kết quả không như mong muốn, nhiều học sinh (HS) bị bỏ lại trong “cuộc đua” vào ĐH, CĐ. Dù vậy, các em vẫn còn có những con đường khác để lập nghiệp, chẳng hạn như đi học nghề. Tuy nhiên, nhiều HS vẫn chưa mặn mà với trường nghề.
Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT là cơ sở giáo dục nghề nghiệp đầu tiên của Việt Nam được Hội đồng Anh đánh giá tốt theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong ảnh: Bà Angela White Side, chuyên gia của Hội đồng Anh (giữa) theo dõi thực hành tại xưởng Điện ô tô của trường. Ảnh: NGUYỄN LÂM |
Bên cạnh các trường nghề thuộc Bộ LĐTBXH, hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề thuộc sự quản lý của Bộ GD-ĐT ra đời ngày càng nhiều đã làm gia tăng cơ hội lựa chọn cho HS. Theo thống kê, cả nước có hơn 300 trường trung cấp nghề, gần 150 trường CĐ nghề. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường này hàng năm khá lớn, đó là chưa kể cơ hội học nghề ngắn hạn tại hàng trăm cơ sở dạy nghề ở các địa phương trên cả nước.
Đào tạo nghề được chia theo ba cấp trình độ: sơ cấp, trung cấp và CĐ. Số lượng các ngành nghề khá phong phú với trên 400 nghề khác nhau. Các cơ sở đào tạo nghề được phân bố rộng rãi và đều khắp các địa phương với đủ các ngành nghề: giao thông-vận tải, kinh tế, dịch vụ, xây dựng, nông - lâm - ngư, viễn thông, y dược, văn hóa nghệ thuật… Là một nước đang phát triển, dự báo trong những năm tới, nhu cầu về nguồn lao động có tay nghề cao của nước ta sẽ gia tăng mạnh. Việc học nghề phù hợp với năng lực, sở thích và nhu cầu của xã hội là hướng đi tốt, vừa tạo cơ hội nghề nghiệp cho bản thân, vừa tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian học tập của HS.
Một thực tế diễn ra thời gian qua: nhiều cử nhân tốt nghiệp ĐH không tìm được việc làm. Thậm chí, một số người có bằng ĐH nhưng chấp nhận làm công nhân hoặc phải đi học nghề để mong có được việc làm. Trong khi đó, cơ hội tìm việc làm của học viên các trường nghề lại khá cao do nhu cầu về nguồn lao động trực tiếp đang gia tăng. Thế nhưng, công tác tuyển sinh của các trường nghề những năm gần đây lại gặp không ít khó khăn. Ngoại trừ các trường nghề có môn năng khiếu đặc thù, phần lớn các trường nghề đều tuyển sinh theo hình thức xét tuyển. Dù luôn rộng cửa để đón học viên nhưng các trường nghề thường không tuyển đủ chỉ tiêu. Thực trạng trên vừa gây lãng phí về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên lại vừa khiến cho thị trường lao động thiếu hụt lượng lớn nhân lực có tay nghề cao.
Nguyên nhân của tình trạng trên bắt nguồn từ nhận thức của phụ huynh và HS. Tâm lý “thích làm thầy hơn làm thợ” vẫn còn đè nặng nên phần lớn phụ huynh đều mong muốn con mình phải vào ĐH mà chưa quan tâm đúng mức tới sở trường, năng lực học tập của con em mình. Nhiều HS đăng ký dự thi vào những ngành học, trường học vượt quá khả năng bản thân nhưng không mấy mặn mà với việc theo học trường nghề. Trong nhà trường, công tác phân luồng, hướng nghiệp từ bậc THCS đến THPT dù đã được quan tâm nhưng hiệu quả chưa cao. Nhiều HS vẫn chọn nghề cho tương lai theo cảm tính. Bên cạnh đó, công tác thông tin, quảng bá của các trường nghề đến phụ huynh, HS chưa được chú trọng đúng mức dẫn tới việc HS “đói” thông tin về các ngành nghề đào tạo cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội. Trong những buổi tư vấn tuyển sinh trước mùa thi, đại diện đến từ các trường ĐH, CĐ cũng thường chiếm số lượng áp đảo so với các trường nghề.
Nhằm thu hút HS đến với trường nghề, điều quan trọng cần phải làm là xóa bỏ rào cản định kiến về việc học nghề, nhất là quan niệm “thích làm thầy hơn làm thợ”. Phải khẳng định rằng, tấm bằng ĐH không phải là công cụ duy nhất để “ghi điểm” với nhà tuyển dụng mà ngược lại, kỹ năng làm việc thực tế, thái độ làm việc tích cực mới là điểm mấu chốt đảm bảo chỗ đứng lâu dài trong một DN. Bên cạnh đó, nhà trường và các tổ chức xã hội cần quan tâm nhiều hơn tới công tác hướng nghiệp, giúp HS tích cực, chủ động trong định hướng lựa chọn nghề nghiệp.
Để công tác hướng nghiệp trong các nhà trường có chiều sâu, thực chất, mang lại hiệu quả thiết thực, cần thiết lập mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo nghề với trường phổ thông, có kế hoạch rõ ràng về nội dung hợp tác, biện pháp thực hiện. Cuối cùng, để “kéo” được HS vào học, các trường nghề phải nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên cũng như đảm bảo tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị để học viên thực hành. Việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các cơ quan, đơn vị, DN theo “đơn đặt hàng” về nguồn nhân lực có thể giúp tạo điều kiện tốt cho học viên thực hành, tích lũy kinh nghiệm. Đây cũng là cách làm hay nhằm bảo đảm “đầu ra” cho học viên sau quá trình đào tạo.
BÙI MINH TUẤN