.

TP.Bà Rịa: Xây dựng nông thôn mới dựa trên điểm mạnh từng địa phương

Cập nhật: 18:39, 15/07/2018 (GMT+7)

TP.Bà Rịa đã được Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (TP.Bà Rịa có 3 xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, gồm: Tân Hưng, Hòa Long, Long Phước). Để đạt được mục tiêu trên, thành phố đã “khơi” đúng thế mạnh và từng bước khắc phục khó khăn của từng địa phương.

Xã Hòa Long, TP.Bà Rịa chú trọng phát triển kinh tế bằng các ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nhưng vẫn giữ gìn các làng nghề truyền thống.  Trong ảnh: Du khách tham quan quy trình nấu rượu truyền thống ở ấp Đông, xã Hòa Long.
Xã Hòa Long, TP.Bà Rịa chú trọng phát triển kinh tế bằng các ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nhưng vẫn giữ gìn các làng nghề truyền thống. Trong ảnh: Du khách tham quan quy trình nấu rượu truyền thống ở ấp Đông, xã Hòa Long.

Xã Tân Hưng là một trong những địa phương khó khăn nhất của TP.Bà Rịa trong việc hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Ông Trần Nhật Hoàng, Chánh văn phòng UBND xã Tân Hưng cho biết, địa phương khởi đầu xây dựng nông thôn mới với chỉ 9 tiêu chí đạt (trên tổng số 19 tiêu chí). Các tiêu chí chưa đạt lại khá quan trọng như cơ sở hạ tầng, đường giao thông, thu nhập của người dân… Tuy nhiên, có một thuận lợi là trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, chính quyền nhận được sự chung tay, ủng hộ của người dân. Nhiều hộ gia đình trong xã sẵn sàng hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc để nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng và các hạng mục công trình xây dựng cơ bản khác. Từ sự chung tay của nhân dân, chính quyền đã chủ động đề ra được nhiều giải pháp tích cực, phù hợp. Chẳng hạn, trong phát triển kinh tế, xã xác định thế mạnh là phát triển nghề trồng trọt nên kêu gọi nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tổ chức, hỗ trợ thành lập HTX Tân Hưng để liên kết sản xuất rau theo hướng VietGAP... Nhờ các biện pháp trên, chỉ trong vòng 4 năm, xã Tân Hưng đã được công nhân đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2016), thu nhập bình quân đầu người đã tăng gấp 1,65 lần, lên hơn đạt 44 triệu đồng/người/năm.  

Tương tự, tại các xã khác như Hòa Long, Long Phước, việc xây dựng nông thôn mới cũng gắn với thế mạnh của từng địa phương. Ông Trần Tấn Khoa, cán bộ phụ trách xây dựng nông thôn mới của xã Hòa Long cho biết: Theo quy hoạch của thành phố, xã Hòa Long chú trọng phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Do đó, xã đã tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển tiểu thủ công nghiệp; đẩy mạnh phát triển kinh tế dịch vụ. Đặc biệt, địa phương đã có nhiều nỗ lực để phát triển thương hiệu các nghề truyền thống như nấu rượu, bánh tráng, bún, kết hợp với du lịch…

Đối với xã Long Phước, địa phương này được quy hoạch trở thành vựa trái cây đặc sản của TP.Bà Rịa nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch UBND TP.Bà Rịa cho biết, qua 7 năm thực hiện, tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố là 592,1 tỷ đồng. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn của các xã nông thôn mới đã từng bước thay đổi, khang trang và sạch đẹp. Hệ thống cơ sở vật chất điện, đường giao thông, kênh mương nội đồng, nước sạch nông thôn, trường học từng bước được đầu tư mạnh mẽ đã góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.

Ông Hoàng cho biết thêm: “Mục tiêu của thành phố là duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà 3 xã trên đã đạt được; phấn đấu đến năm 2020, Hòa Long sẽ đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt được các mục tiêu trên, chính quyền thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp như hoàn thiện quy hoạch nông thôn, tiếp tục xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, tập trung phát triển kinh tế gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân nhưng vẫn đảm bảo thực hiện tốt công tác văn hóa, xã hội, môi trường. Tổng nguồn vốn thực hiện xây dựng nông thôn mới của thành phố trong năm 2018-2020 dự kiến khoảng gần 174 tỷ đồng.

Bài, ảnh: QUANG VINH

.
.
.