PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ

Xây dựng công sở không khói thuốc

Thứ Hai, 23/07/2018, 17:29 [GMT+7]
In bài này
.

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hiện nay, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức hút thuốc lá đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn không ít công chức, viên chức chưa thể bỏ được thói quen hút thuốc.

Bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa thăm khám một bệnh nhân có “thâm niên” hút thuốc lá.
Bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa thăm khám một bệnh nhân có “thâm niên” hút thuốc lá.

Anh N.M.T. hiện đang công tác tại một sở cho biết, anh đã có “thâm niên” hút thuốc lá 10 năm nay. Mỗi ngày, anh hút khoảng 1 gói thuốc. Ngoài tốn kém về kinh tế, việc hút thuốc lá thường xuyên đã ảnh hưởng tới sức khỏe của anh T. Cụ thể, anh ngày càng gầy, miệng hôi, răng vàng, hay ho, ngứa rát họng. Vợ anh T. đã nhiều lần khuyên, động viên anh bỏ hút thuốc nhưng không thành công. Anh T. lý giải, anh hút thuốc từ lâu nên đã trở thành thói quen. Do đó, việc bỏ hút thuốc lá đối với anh không hề dễ dàng. Anh T. nói: “Tôi biết trong thuốc lá có nhiều chất độc nên người hút thuốc dễ bị các bệnh như giảm thính lực, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tim mạch, thậm chí là ung thư... Chưa kể, khói thuốc lá còn ảnh hưởng đến người khác. Nhiều khi bị vợ cằn nhằn, tôi cũng xấu hổ. Nhưng thú thật, tôi vẫn chưa đủ quyết tâm và ý chí để cai thuốc. Vợ chồng tôi đang có kế hoạch sinh con, vì vậy tôi sẽ quyết tâm bỏ hút thuốc lá vì con”.

Tương tự, anh Đ.V.D., hiện đang công tác ở một tổ chức chính trị-xã hội tại TP.Bà Rịa cũng hút thuốc lá từ năm 2010 đến nay. Anh D. kể, cách đây 8 năm, trong một lần ngồi uống nước trà cùng đồng nghiệp, thấy mọi người hút thuốc lá nên anh đã thử hút một vài điếu và nghiện thuốc lúc nào không hay. Hiện nay, anh hút gần 2 gói thuốc/ngày. Thấy hút thuốc lá không có lợi cho sức khỏe của bản thân và người xung quanh, nên vợ con, nữ đồng nghiệp động viên anh bỏ thuốc. Tuy vậy, anh D. vẫn chưa thể cai được thuốc lá. “Mỗi khi thèm thuốc, nếu ở nhà, tôi phải ra ngoài ngõ hút, còn ở cơ quan thì tìm chỗ không có người để hút. Tôi đang cố gắng bỏ thuốc từ từ, chứ bỏ ngay lập tức thì hơi khó”, anh D. cho hay.

Theo khảo sát thực tế của phóng viên tại một số cơ quan, đơn vị hành chính, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội từ cấp xã đến tỉnh cho thấy, tình trạng hút thuốc lá tại công sở đã giảm đáng kể so với trước đây. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số nam công chức, viên chức vẫn hút thuốc ở công sở. Trước thực trạng này, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức không hút thuốc lá tại nơi làm việc. Chẳng hạn như tại các phòng làm việc, phòng họp, hành lang… của mỗi cơ quan đều gắn các bảng hiệu cấm hút thuốc. Nhiều cơ quan đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào quy chế nội bộ, coi đó là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua đối với công chức, viên chức trong cơ quan. Tuy nhiên, việc bảo đảm 100% môi trường công sở không khói thuốc là điều không dễ dàng. Lãnh đạo một cơ quan thừa nhận: “Tôi còn đang hút thuốc lá nên không thể xử phạt hay khuyên cấp dưới của mình bỏ thuốc”.

Theo ông Võ Văn Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng, việc xử phạt công chức vi phạm quy định về hút thuốc lá nơi công cộng rất khó thực hiện. Công chức không hút tại phòng làm việc thì họ có thể chọn những địa điểm khác để hút nên cơ quan không thể giám sát được việc hút thuốc của công chức. Do vậy, để xây dựng công sở không khói thuốc lá, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, điều quan trọng nhất là ý thức tự giác chấp hành các quy định về việc hút thuốc nơi công cộng và coi trọng sức khỏe của bản thân, cộng đồng của mỗi cán bộ, công chức, viên chức.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lên, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh cho biết: Thuốc lá được xếp vào nhóm có chất gây nghiện nên rất khó bỏ. Do đó, việc bỏ thuốc lá không đơn giản, cần có sự quyết tâm cao. Để bỏ thuốc lá thành công, người hút thuốc nên tránh xa các vật dụng gợi nhớ đến việc hút thuốc như: gạt tàn, bật lửa. Bên cạnh đó, người hút thuốc nên tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí…để quên đi cơn thèm thuốc.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong do tác hại của thuốc lá. Nếu không có giải pháp can thiệp kịp thời thì con số này sẽ tăng lên 70.000 người vào năm 2030. Các nghiên cứu cho thấy, tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 5-8 năm. Người hút thuốc lá có nguy cơ cao mắc các bệnh ung thư (ung thư phổi), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, các bệnh tim mạch...

 

;
.