Nghề làm nhà gỗ

Thứ Sáu, 20/07/2018, 16:10 [GMT+7]
In bài này
.

Tỉ mỉ, cần mẫn chạm khắc, đục đẽo, lắp ráp… những người thợ mộc đã làm “sống” lại những ngôi nhà gỗ phong cách xưa, với hoa văn chạm trổ tinh tế, hài hòa trên từng kèo, cột.

NHỮNG NGƯỜI THỢ CẦN CÙ

Chúng tôi đến cơ sở gỗ Thành Tỷ (4M, khu phố Long Hiệp, thị trấn Long Điền) chuyên làm nhà gỗ vào một chiều cuối tuần. Khoảng 10 công nhân đang chăm chú với công việc bào cột, chà nhám, đục, chạm hoa văn trên kèo, xà. Tiếng máy bào gỗ, máy chà nhám ù ù, tiếng búa đục đẽo lách cách không ngớt. 

Toàn thân bám đầy bụi, anh Nguyễn Văn Hồng, 43 tuổi (quê ở Nghệ An), có thâm niên làm nhà gỗ gần 10 năm nay đang chạm trổ những nhánh hoa mai trên chiếc xà hạ. Thao tác của anh thật nhẹ nhàng khi tạo hình chiếc lá, cánh hoa. Sau khi đục tạo hình, anh dùng máy chà nhám đánh bóng cho hoa văn trơn nhẵn, mượt mà. Khúc gỗ thô cứng qua đôi tay khéo léo của anh Hồng đã trở nên sinh động, có hồn. 

Hai thợ mộc Nguyễn Văn Hồng (trái) và Nguyễn Văn Kính thực hiện công đoạn chà nhám cột nhà tại cơ sở gỗ Thành Tỷ.
Hai thợ mộc Nguyễn Văn Hồng (trái) và Nguyễn Văn Kính thực hiện công đoạn chà nhám cột nhà tại cơ sở gỗ Thành Tỷ.
Thợ mộc Nguyễn Văn Hồng chăm chút bộ hoa văn trên chiếc xà hạ.
Thợ mộc Nguyễn Văn Hồng chăm chút bộ hoa văn trên chiếc xà hạ.

Dừng tay lau mồ hôi trên trán, anh nói: “Người thợ phải có “hoa tay”, trí tưởng tượng phong phú mới chạm trổ được hoa văn đẹp. Quá trình chạm trổ phải kiên trì, cẩn thận và chính xác đến từng ly, bởi chỉ cần lỡ tay là hoa văn bị hư liền. Ai yêu nghề, chịu khó, kiên nhẫn thì mới gắn bó lâu dài với nghề được”. Ông Nguyễn Văn Kính, 57 tuổi (quê Nghệ An, thợ mộc của cơ sở gỗ Thành Tỷ), làm nghề mộc đã 35 năm cho biết, để hoàn chỉnh một căn nhà gỗ, hơn 20 thợ lành nghề, chưa kể một số thợ phụ phải làm việc cật lực từ 2-3 tháng, tùy theo diện tích nhà và độ cầu kỳ của hoa văn. “Dù có sự hỗ trợ của các loại máy: máy tiện, máy cưa, máy chà nhám, nhưng trong nhiều công đoạn, máy móc không thể thay thế sức người (đo mực, đục mộng, chạm trổ hoa văn, lắp ghép, dựng nhà). Trong đó, công đoạn khó nhất là đo, nảy mực trên kèo, cột, xà. Việc nảy mực có chính xác thì mới có được ngôi nhà như ý”, ông Kính chia sẻ. 

Tại quán cà phê Diễm (752 Bình Giã, phường 10, TP.Vũng Tàu), 5 thợ mộc của xưởng mộc Minh Chiến (740 Bình Giã) cẩn thận di chuyển, dựng lại căn nhà gỗ rộng 30m2 theo yêu cầu của chủ quán. Từng công đoạn như: tháo dỡ mái ngói, đào hố dựng cột nhà, di chuyển, dựng nhà, lợp mái ngói được các thợ mộc làm cẩn thận. Đây là một trong 4 ngôi nhà gỗ của quán cà phê Diễm được dựng lên trong không gian sân vườn. 

Hiện nay, nhu cầu lắp dựng nhà gỗ của khách hàng ngày càng tăng. Do đó, những người thợ mộc cũng có công ăn việc làm ổn định. Ông Dương Đình Trực (48 tuổi, 167 Lưu Chí Hiếu, phường 10, TP.Vũng Tàu) làm việc tại xưởng gỗ Minh Chiến cho biết, quê ông ở xã Tiến Đông, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, có truyền thống làm nghề mộc. Vì vậy, đa số những người cùng lứa tuổi ông đều theo nghề mộc. “Nghề mộc đã giúp tôi có thu nhập ổn định (500.000 đồng/ngày). Nhờ đó, tôi đã nuôi được 2 con ăn học đầy đủ, trong đó cháu đầu đã tốt nghiệp ĐH và có việc làm, cháu út đang học lớp 12”, ông Trực nói. 

YÊU GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG

Đặc trưng của nhà gỗ là mọi chi tiết đều làm bằng gỗ, ít dùng đinh, vít, thay vào đó là dùng mộng, chạm trổ hoa văn mềm mại, tinh tế. Nhà gỗ có độ bền cao, ấm áp vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè, dễ dàng tháo dỡ, di chuyển khi cần thiết. Do đó, nhiều người có điều kiện kinh tế dựng nhà gỗ để ở và cũng coi như một thú chơi. 

Theo tìm hiểu, khách hàng đang ưa chuộng các mẫu nhà cổ truyền thống của 3 miền Bắc-Trung-Nam như: Nhà kèo chồng kiểu Bắc bộ, nhà rường kiểu Huế, nhà 3 gian 2 chái kiểu Nam bộ, nhà sàn của dân tộc ít người, nhà lục giác... Đa số khách thích lưu những nét văn hóa truyền thống trên ngôi nhà gỗ nên thường yêu cầu chạm trổ các loài cây biểu tượng của 4 mùa trong năm là bộ “tứ quý”: tùng, cúc, trúc, mai hoặc hình con rồng, chim phượng, chim hạc và các chữ phúc, lộc, thọ trên kèo, xà. Tùy vào từng loại gỗ và diện tích căn nhà, số lượng hoa văn chạm trổ, mỗi căn nhà gỗ có giá từ vài trăm triệu đồng đến cả chục tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Tường Thành, chủ cơ sở gỗ Thành Tỷ cho biết, hiện nay, việc tìm mua nhà gỗ cũ để phục dựng rất khó vì ít người bán. Vì vậy, ông chủ yếu nhận làm nhà mới. Để có nguyên liệu, ông phải đặt mua gỗ từ các đầu mối ở nhiều tỉnh như: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, An Giang. Ông cũng lặn lội ra vùng Nghệ An, Thừa Thiên-Huế - nơi có nhiều thợ mộc am hiểu cách làm nhà gỗ truyền thống mời về làm việc cho cơ sở mình. 

Theo ông Thành, cơ sở Thành Tỷ làm nghề phục dựng nhà gỗ đã 20 năm nay, do cha vợ ông truyền lại. Ban đầu, cơ sở chỉ nhận sửa chữa nhà gỗ cho người dân và sửa chữa các đình, chùa trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, ngoài khách hàng tại địa phương, cơ sở được nhiều khách hàng từ các tỉnh, thành: TP.Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hải Phòng, Nam Định… đặt làm nhà gỗ. Nhờ đó, trung bình mỗi năm, cơ sở làm được 4-5 căn nhà gỗ, đội ngũ thợ mộc cũng có việc làm và thu nhập ổn định từ 10-30 triệu đồng/tháng, tùy theo tay nghề.

Đến tìm hiểu nhà gỗ tại cơ sở Thành Tỷ, anh Nguyễn Tấn Luân (ấp 8, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) cho biết: “Tôi thích nhà gỗ vì kiến trúc đẹp, thoáng mát, mang nhiều nét truyền thống so với các mẫu nhà hiện đại. Tôi đang tham khảo để đặt làm căn nhà 3 gian bằng gỗ căm xe”.

Bài, ảnh: THI PHONG

;
.