Sau sự việc 1 trẻ đang học tại Trường Mầm non (MN) Hoa Phượng (TP.Vũng Tàu) bị ngã từ lầu xuống đất, các cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh ở các trường học.
Trường MN Hoa Phượng (TP.Vũng Tàu), nơi xảy ra vụ việc cháu Đinh H. L. bị té từ lầu xuống đất. |
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tổng kiểm tra các trường học trên địa bàn tỉnh có nguy cơ mất an toàn và xuống cấp, có khả năng gây tai nạn cho học sinh và giáo viên, từ đầu năm 2018 đến nay, Sở Xây dựng đã tiến hành 2 đợt kiểm tra (đợt 1 từ ngày 22 đến 30-1, đợt 2 từ ngày 22 đến 29-5) các trường học trên địa bàn. Kết quả kiểm tra cho thấy, có 89 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở có nguy cơ mất an toàn và xuống cấp. Trong đó, đã có trường hợp xảy ra tai nạn cho học sinh. Cụ thể, ngày 9-4-2018, cháu Đinh H. L. (SN 2012) đang học lớp lá 3 tại Trường MN Hoa Phượng (số 5/18 Trần Nguyên Đán, P.Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu) trong lúc vui chơi đã bị té từ lầu xuống đất. May mắn, cháu L. rơi vào tấm bạt che mái hiên bên dưới rồi mới tiếp đất nên chỉ bị thương tích nhẹ. Kiểm tra tại trường MN này cho thấy, chiều cao và cấu tạo lan can hành lang, cầu thang không phù hợp theo tiêu chuẩn hiện hành; Vách kính lấy sáng tại các chiếu nghỉ cầu thang không có khung sắt bảo vệ.
Theo ông Tạ Quốc Trưởng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, qua kiểm tra cho thấy, phần lớn lan can hành lang, cầu thang của các trường học có chiều cao và cấu tạo không bảo đảm yêu cầu theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 05: 2008/BXD và tiêu chuẩn thiết kế hiện hành; Một số trường có nhiều vách tường bị thấm dột, thép bị rỉ... Nguyên nhân chính là do các công trình này được xây dựng đã lâu, trước khi Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 05: 2008/BXD và các tiêu chuẩn thiết kế mới được ban hành; Công tác bảo trì cũng không được thường xuyên thực hiện.
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, sau vụ cháu Đinh H. L. ở Trường MN Hoa Phượng bị té ngã, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT các huyện, thị, thành phố tăng cường thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ. Cụ thể, các trường tự kiểm tra, phát hiện và khắc phục các nguy cơ mất an toàn. Trong quyền hạn cho phép, phải tiến hành sửa chữa, thay thế, bổ sung, nâng cấp thiết bị, đồ dùng, đồ chơi. Đối với những hạng mục thiết kế không bảo đảm an toàn nhưng vượt thẩm quyền, hiệu trưởng báo cáo chi tiết về Phòng GD-ĐT để được chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời. Huy động sự tham gia của các thành viên trong cơ sở giáo dục MN, cha mẹ học sinh và cộng đồng, phát hiện và báo cáo kịp thời các nguy cơ gây tai nạn, thương tích, để có các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích tại cơ sở. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục tăng cường công tác quản lý, thường xuyên nhắc nhở giáo viên bao quát, tổ chức các hoạt động cho trẻ theo lịch sinh hoạt hàng ngày, thực hiện giờ nào việc nấy, tuyệt đối không bỏ các cháu đi làm việc riêng; Giáo dục, hướng dẫn trẻ kỹ năng tự bảo vệ, tránh vật dụng nguy hiểm và những nơi mất an toàn; Quản lý chặt chẽ người lạ ra vào trường, nếu nghi ngờ thì báo ngay cho cơ quan công an địa phương để xử lý.
Nhằm ngăn ngừa nguy cơ mất an toàn tại các trường học trên địa bàn tỉnh, mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức ngay việc khảo sát, lập phương án sửa chữa, bảo trì công trình trường học, trong đó cần quan tâm đến giải pháp an toàn đối với lan can cầu thang, hành lang trường học theo các quy chuẩn xây dựng và tiêu chuẩn hiện hành. Các trường MN, TH không để các vật dụng (bàn, ghế, kệ để dép, chậu hoa...) cạnh các lan can hành lang, ban công để học sinh bước lên và trèo qua lan can. Sở GD-ĐT và UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tiếp tục tổ chức kiểm tra các trường học còn lại chưa được kiểm tra, kể cả các trường dân lập để kịp thời chấn chỉnh, lập phương án sửa chữa, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình sử dụng.
Bài, ảnh: AN NHIÊN