Để lực lượng cứu hộ bờ biển gắn bó với nghề

Chủ Nhật, 29/07/2018, 15:29 [GMT+7]
In bài này
.

Bất kể thời tiết, mỗi ngày, các cứu hộ viên thuộc Ban Quản lý các KDL TP.Vũng Tàu phải phơi mình giữa nắng hay dầm mình trong nước nhiều giờ. Sự cần mẫn của họ đã cứu giúp kịp thời hàng trăm trường hợp bị nạn trên biển. Tuy nhiên, hiện nay, thu nhập của lực lượng này rất thấp, khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Ban Quản lý các KDL TP.Vũng Tàu đề nghị Nhà nước xem xét có thêm chế độ cho lực lượng cứu hộ bờ biển để họ yên tâm gắn bó lâu dài với nghề.

CỨU NGƯỜI VÌ CÁI TÂM

Ông Trần Hữu Bảo Luyện (bìa trái) và ông Phạm Tuấn, cứu hộ viên, ra hiệu cho khách tắm biển tránh chỗ nước sâu, nguy hiểm.
Ông Trần Hữu Bảo Luyện (bìa trái) và ông Phạm Tuấn, cứu hộ viên của Ban Quản lý các KDL TP. Vũng Tàu, ra hiệu cho khách tắm biển tránh chỗ nước sâu, nguy hiểm.

Ngày cuối tuần, lại đang là mùa hè - mùa cao điểm du lịch nên lượng khách đến Bãi Sau, TP.Vũng Tàu tắm biển rất đông. Do đó, công việc của các cứu hộ viên cũng bận rộn và vất vả hơn. Những người trên bờ thì ánh mắt luôn hướng ra biển, đảo qua đảo lại để “canh chừng” khách tắm biển. Những người dưới bãi tắm thì đi qua đi lại, liên tục thổi còi nhắc nhở, hướng dẫn khách tắm biển vào chỗ an toàn.

Dầm mình dưới nước, khuôn mặt rám nắng, ông Trần Hữu Bảo Luyện (53 tuổi), Tổ trưởng Tổ cấp cứu thủy nạn thuộc Ban Quản lý các KDL TP.Vũng Tàu vừa thổi còi vừa ngoắc tay ra hiệu cho khách tắm biển di chuyển vào gần bờ, tránh chỗ nước sâu, nguy hiểm. Thấy một tốp khách, trong đó có trẻ em đang xuống biển, ông Luyện dặn dò: “Các anh, chị nên tắm ở chỗ cạn, tránh xa khu vực cắm cờ đen, vì nơi đó có ao xoáy, rất nguy hiểm, đặc biệt là phải trông chừng mấy cháu nhỏ này nhé”.

34 năm làm nghề cứu hộ bờ biển, ông Luyện nắm rõ quy luật lên xuống của con nước, chỗ nào nước nông, sâu, nơi nào có ao xoáy, có dòng nước chảy xiết. Ông cũng đã cứu sống biết bao người bị đuối nước. Ông Luyện nhớ lại vụ tai nạn mà suýt chút nữa mình trở thành nạn nhân: Cách đây 10 năm, có 2 người (1 người lớn và 1 trẻ em) bị lọt ao xoáy. Phát hiện vụ việc, ông Luyện bơi nhanh ra chỗ em bé, kéo ra khỏi dòng nước chảy xiết. Lúc đó, ông Luyện nghĩ phải đưa em bé vào bờ an toàn trước rồi mới quay lại cứu người kia. Nhưng chưa kịp vào bờ, em bé đã khóc lóc cầu cứu: “Chú ơi! Chú đừng bỏ ba con”. Lời cầu cứu của em bé khiến ông Luyện rất cảm động và quyết định dìu em bơi ngược ra cứu người cha. Nước xoáy, dòng chảy mạnh, lại phải dìu theo 2 người khiến ông đuối sức. Ở tình thế đó, ông đã gắng gượng hết sức mình đưa 2 cha con họ vào bờ trước khi mình bị kiệt sức. “Mỗi lần cứu được khách thoát khỏi nguy hiểm, tôi rất vui và càng yêu nghề hơn vì thấy việc mình làm thật ý nghĩa”, ông Luyện chia sẻ.

Trước đây, ông Phạm Tuấn (44 tuổi) làm nghề cào ốc trên biển. Một lần đang cào ốc, ông Tuấn thấy một người vùng vẫy giơ tay cầu cứu, ông liền bơi ra đưa vào bờ an toàn. Sau đó, năm 2013, ông Tuấn đăng ký học khóa huấn luyện cứu hộ do Sở VHTTDL tổ chức rồi xin vào làm việc ở Ban Quản lý các KDL TP.Vũng Tàu.

CẦN NÂNG CAO THU NHẬP

Công việc của các cứu hộ viên là bảo đảm an toàn cho du khách tắm biển, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch BR-VT đẹp trong mắt du khách. Hàng ngày, họ phải làm việc liên tục từ sáng sớm đến chiều tối, bất kể mưa hay nắng, ngày nghỉ lễ, Tết cường độ làm việc cao hơn. Tuy nhiên, mức thu nhập của các cứu hộ viên chưa tương xứng với công việc. Hiện nay, các cứu hộ viên của Ban Quản lý các KDL TP.Vũng Tàu hưởng lương viên chức. Những người mới vào làm việc chỉ được hưởng lương hệ số 1,65 x lương cơ bản. Ngoài ra, họ được UBND tỉnh hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng, UBND TP.Vũng Tàu hỗ trợ mỗi người 100.000 đồng/ngày vào thứ Bảy và Chủ nhật và tiền làm thêm giờ. Với ông Luyện, sau 34 năm gắn bó với nghề, hiện mỗi tháng tổng thu nhập khoảng 7 triệu đồng. Cùng với thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng của vợ (làm nghề may, bán quần áo tắm), gia đình ông Luyện phải chi tiêu tằn tiện mới đủ trang trải các khoản tiền thuê nhà và nuôi 2 con ăn học (lớp 6, lớp 10). Còn tổng thu nhập của ông Tuấn chỉ khoảng 3,2 triệu đồng/tháng nên để nuôi 2 con (lớp 3 và lớp 5) ăn học, ông Tuấn phải làm thêm công việc sắp xếp, thu dọn ghế, dù cho HTX Vũng Tàu vào sáng sớm và chiều tối.

Do thu nhập thấp nên nhiều cứu hộ viên của Ban Quản lý các KDL TP.Vũng Tàu đã nghỉ việc để làm việc khác có thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, từ ngày 1-7-2017, Ban Quản lý các KDL TP.Vũng Tàu phải giảm 18 người (trong đó có 10 cứu hộ viên và y sĩ). Hiện tại, lực lượng cứu hộ viên của đơn vị chỉ còn 22 người và 3 y sĩ. Mới đây, khi được cấp trên cho tuyển người lại, đơn vị chỉ tuyển được vài người, nhưng họ vào làm việc được vài tháng thì nghỉ vì lương thấp. Không chỉ khó tuyển người, lực lượng cứu hộ viên của Ban Quản lý các KDL TP.Vũng Tàu còn đang bị “già hóa” khi 80% đang ở độ tuổi từ 40-60.

Ông Phạm Khắc Tộ, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý các KDL TP.Vũng Tàu đề nghị: “Nghề cứu hộ biển là một công việc đặc thù, vì họ vừa phải bơi lội giỏi, vừa phải có chuyên môn về sơ cứu, hồi sức tại chỗ cho người bị đuối nước. Vì vậy, Nhà nước cần xem xét cơ chế đặc thù, nâng mức thu nhập cho lực lượng này để họ yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với nghề”.

Bài, ảnh: THI PHONG

6 tháng đầu năm 2018, lực lượng cứu hộ bờ biển thuộc Ban Quản lý các KDL TP.Vũng Tàu đã cứu vớt được 378 trường hợp lọt ao xoáy, đưa vào bờ an toàn; Hồi sức, cấp cứu thành công 42 người bị đuối nước; Giúp 314 trẻ bị lạc tìm được người thân.

 

;
.