Cảnh báo tình trạng mất cân đối cung cầu lao động
Để giải quyết bài toán các DN luôn trong tình trạng “khát” nhân lực, ngành lao động của tỉnh đã và đang đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để thu hút lao động làm việc tại các KCN và các dự án lớn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nghịch lý người lao động cần việc đông nhưng các DN lại khó tuyển dụng vẫn diễn ra.
Người lao động tìm hiểu thông tin việc làm tại Phiên giao dịch việc làm lần thứ 5 năm 2018 tại TX. Phú Mỹ.
|
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 5 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của 123 lượt DN. Nhu cầu tuyển dụng của các DN lên đến 28.300 lao động. Theo đó, đã có 2.700 người đến đăng ký tìm việc. Tuy nhiên, kết thúc các phiên giao dịch chỉ có khoảng 391 người được nhận hồ sơ trực tiếp và 721 người được hẹn phỏng vấn.
Theo bà Nguyễn Thị Thùy Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, hiện nay nhu cầu tuyển dụng của các DN trong tỉnh khá lớn, người lao động (NLĐ) đến tìm việc cũng không hẳn là ít. Tuy nhiên, số lượng được tuyển dụng lại quá thấp so với nhu cầu của DN.
Theo tìm hiểu, sở dĩ xảy ra nghịch lý người lao động cần việc nhưng các DN lại khó tuyển dụng, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, trình độ đào tạo, kỹ năng của NLĐ chưa đáp ứng được nhu cầu vị trí việc làm của nhà tuyển dụng. Chị Nguyễn Thị Huê, nhân viên Phòng nhân sự, Công ty TNHH Nitori BR-VT cho biết: “Tại phiên giao dịch việc làm lần thứ 5 (diễn ra ngày 15-7 tại TX.Phú Mỹ), công ty có nhu cầu tuyển dụng hơn 3.700 lao động phổ thông và công nhân may, bảo trì, điện, hàn. Nhưng số lượng lao động đáp ứng nhu cầu rất ít. Một số NLĐ muốn tìm việc làm ở các vị trí nhân viên văn phòng, các bộ phận quản lý lại chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc nên rất khó khăn cho công ty trong việc tuyển dụng”. Kết thúc phiên giao dịch, Công ty TNHH Nitori BR-VT chỉ tuyển dụng được 18 lao động.
DN thất vọng sau tuyển dụng; còn NLĐ cũng khá hoang mang, lo lắng. Dự và tìm hiểu thông tin tuyển dụng của các DN tại Phiên giao dịch việc làm được tổ chức tại TX. Phú Mỹ, chị Nguyễn Thị Anh (phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ) càng lo âu. Chị Anh nói: “Tôi tốt nghiệp ngành tiếng Anh thương mại của Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.Hồ Chí Minh, sau đó học thêm về ngành khai báo hải quan. Trong quá trình học, tôi chưa được thực hành, chưa có nhiều kinh nghiệm nên cảm thấy khá lo lắng khi tìm một công việc mới. Ngoài ra, các DN tuyển lao động làm việc ở nước ngoài đòi hỏi lao động phải biết ngoại ngữ trong khi tôi chưa đáp ứng được yêu cầu này. Tiếng Anh của tôi chỉ ở mức độ giao tiếp bình thường”.
Hoặc có những trường hợp, các vị trí tuyển dụng mà DN đưa ra không liên quan đến ngành học, khiến NLĐ khó tìm được việc làm như mong muốn. Tốt nghiệp ĐH loại giỏi chuyên ngành Quản trị kinh doanh, sau 4 năm ra trường, chị Nguyễn Thị Hoa (phường Kim Dinh, TP.Bà Rịa) đã đi làm ở nhiều công ty của Hàn Quốc trong tỉnh, nay chị muốn tìm một công việc mới với mức lương cao hơn, môi trường làm việc tốt hơn. “Tôi đã tham gia rất nhiều phiên giao dịch việc làm với mong muốn tìm được công việc ở các vị trí như quản lý nhân sự, nhân viên thu mua, xuất nhập khẩu, nhưng tại đây các DN lại không tuyển vị trí này”, chị Hoa cho biết.
Tương tự, anh Trần Văn Thanh, công nhân Nhà máy đóng tàu Ba Son (TX. Phú Mỹ) cũng đến các phiên giao dịch việc làm để tìm kiếm cơ hội “nhảy việc” để có mức lương cao hơn. Nhưng hiện hầu hết các DN chủ yếu tuyển dụng các ngành dịch vụ, sản xuất còn một số ít các DN có nhu cầu tuyển dụng đúng ngành nghề của anh thì đều có trụ sở tại TP. Vũng Tàu nên anh chưa lựa chọn vì không muốn đi xa nhà.
Ông Phạm Quang Việt, Trưởng Phòng Việc làm-tiền lương, Sở LĐTBXH cho rằng, đến thời điểm này, sự thiếu hụt lao động, đặc biệt ở các địa bàn tập trung các KCN trong tỉnh là rất lớn. Dù vậy, việc NLĐ thực sự có được việc làm lại không nhiều. Trong thời gian tới, ngành lao động, đặc biệt là Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tổ chức đoàn thể để khảo sát nguồn lao động thực sự có nhu cầu việc làm. Từ đó tổ chức gắn chặt công tác tuyên truyền với tổ chức phiên giao dịch việc làm; liên kết, tìm các DN uy tín mời tham gia các phiên giao dịch việc làm; cập nhật hàng ngày các thông tin tuyển dụng trên trang web của đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, bản thân NLĐ cũng phải xác định được rằng để tham gia vào thị trường lao động, ít nhất bản thân phải được đào tạo, học nghề, ngoài ra, phải thay đổi nhận thức, tác phong làm việc theo hướng chuyên nghiệp nhằm phù hợp với yêu cầu từ các nhà tuyển dụng.
Bài, ảnh: TƯỜNG NGÂN