.

Góp ý với "nửa kia" sao cho hợp lý

Cập nhật: 08:22, 20/04/2018 (GMT+7)

Để hôn nhân hạnh phúc, không khí gia đình luôn vui vẻ đòi hỏi mỗi thành viên luôn phải ứng xử đúng mực trong lời ăn, tiếng nói. Những lời góp ý chân thành, nhẹ nhàng, đúng lúc giúp nhau tiến bộ. Ngược lại, những lời góp ý, sự quan tâm thái quá dành cho nhau có khi khiến hôn nhân thêm ngột ngạt.

Những lời góp ý, sự quan tâm thái quá dành cho nhau dễ khiến đối phương khó chịu.  Ảnh minh họa: INTERNET.
Những lời góp ý, sự quan tâm thái quá dành cho nhau dễ khiến đối phương khó chịu. Ảnh minh họa: INTERNET.

Tôi biết, nhiều người đang đóng vai trò “chủ xị” trong nhà bỗng nhiên bị đánh giá như thể cô/cậu bé ăn chưa no, lo chưa tới! Người thốt lên một cách kinh ngạc: “Chà, vậy hóa ra lâu nay em tưởng anh là đứa con trai hỉ mũi chưa sạch à?”. Nào riêng gì đàn ông, nhiều phụ nữ dù thao lược, tài ba, đảm đang cũng từng thốt lên tương tự: “Ơ hay! Em là vợ hay là con gái của anh?”. Thậm chí, có người (như tôi đây) có lúc còn kêu lên một tiếng não nùng hơn nhiều: “Trời! Bộ em tưởng anh là… con cún của em à?”. 

Thế đấy, quan hệ vợ chồng luôn có những tình huống bất ngờ, đố ai độc thân có thể “trải nghiệm” một cách cay đắng lẫn… lý thú. Một đôi uyên ương sánh vai bước vào phòng triển lãm. Họ đi đứng tình tứ lắm. Mắt nhìn vào mắt đắm đuối lắm. Cả hai đẹp đôi lắm. Khi cùng xem bức tranh, bỗng có tiếng nói nho nhỏ: “Anh ngờ nghệch quá đi mất”. Ủa, sao nàng lại nói những lời dễ mất lòng như vậy? “Xem tranh là xem bằng mắt, sao lại sờ tay vào? Anh không sợ thiên hạ cười vào mũi sao? Lúc đi học, anh không được cô giáo dạy khi xem tranh phải thế nào à?”. 

Nghe câu “lên lớp”, anh quê độ đến tối tăm mặt mày. Khổ nỗi, cũng do cái sự tò mò mà ra, do đó, anh vội vàng rụt tay lại. Tưởng thế là xong, nào ngờ nàng vẫn nghiêm nét mặt: “Em đi về đây. Đi xem tranh với người không biết thưởng thức nghệ thuật rõ chán”. Vậy là năn nỉ cỡ nào, cô nàng vẫn nhất quyết quay gót “một đi không trở lại” bởi không ngờ chồng mình “ấu trĩ” quá! 

Có những người khi nhìn thấy bất kỳ những gì “chướng tai gai mắt”, đều có ý kiến ngay, vì thế, dù đúng đi nữa cũng khiến “nửa kia” mặt xụ xuống như bánh tráng nhúng nước. Trong một bữa tiệc cưới, thỉnh thoảng, cô vợ đá chân chồng dưới gầm bàn và nói vào tai chồng: “Ăn uống nhồm nhoàm thế kia, anh lấy khăn lau miệng ngay”. Anh chồng vừa gắp miếng thịt bò nấu đậu, cô vợ lại quát: “Thả xuống ngay giùm em. Anh không nhớ bác sĩ đã dặn kiêng ăn những gì không?”. Lại lúc khác: “Cầm tăm xỉa răng thế à? Lấy tay che miệng lại” v.v… Sự quan tâm thái quá khiến “nửa kia” cảm thấy mình như đứa trẻ, cần phải được nhắc nhở từng chút một, hễ lơ là một chút là không xong! Mà tại sao tôi biết được chuyện này? Thì chuyện của chính tôi đó!

Có nhiều vợ chồng giận nhau cũng vì sự quan tâm quá đỗi nhiệt tình ấy. Cô em gái tôi bỏ về nhà mẹ mấy ngày vì mỗi lần ra khỏi nhà là chồng lại tự tay lựa cho từng bộ quần áo, giày dép, túi xách dù không rõ vợ mình cùng nhóm bạn gái vui chơi ở địa điểm nào. Chưa hết, thỉnh thoảng anh ta lại nhắn tin, gọi điện nhắc nhở vợ không nên ăn thứ này, thứ kia vì có hại sức khỏe; lúc về khuya vì an toàn thì không nên đi đường này, đường nọ v.v… Sự quan tâm quá mức ấy khiến em tôi có cảm giác bị chồng xem thường, bởi chỉ đứa trẻ nít mới cần được bảo ban, nhắc nhở mọi lúc mọi nơi.

Tôi từng chứng kiến, anh bạn là nhà thơ nổi tiếng, nhiều người ái mộ nên thỉnh thoảng họ đến nhà riêng thăm anh, xin chữ ký trên sách của anh đã in. Lúc ấy, với tất cả sự phơn phớn của người đàn ông tài hoa, anh diện bộ quần áo thật kẻng trai như võ sĩ lúc lên võ đài. Làm thơ hay, ăn mặc model thì có gì sai? Nhưng khi đang tiếp khách, hào hứng đọc thơ, bỗng điện thoại réo rắt, liếc nhìn màn hình, anh biết vợ đang gọi. Thế là tiết mục thơ tạm dừng. Anh bước vào phòng sau, rồi khi trở ra, anh như một ông phỗng với trang phục chỉn chu như đi họp hội nghị! Tại cớ làm sao? Sau này, anh kể lại cho tôi biết do bà xã cằn nhằn: “Anh có biết năm nay anh bao nhiêu tuổi không? Tiếp đón bạn đọc nữ mười tám, mười chín xuân xanh mà anh lại diện quần soọc, áo thun, bộ anh muốn “cưa sừng làm nghé” à? Trẻ con vừa vừa thôi chứ!”. 

Cũng có trường hợp con gái “để mắt” tới ba từng ly từng chút. Anh bạn tôi mời bè bạn về nhà lai rai mừng tập sách mới phát hành. Đang hào hứng nói chuyện về văn hóa nghệ thuật bỗng anh kêu “oái” một tiếng. Thì ra con gái anh đứng sau lưng, nhéo một cái rõ đau, nói khẽ: “Ba vào nhà trong, con cần nói chuyện này”. Anh ngoan ngoãn nghe theo, con gái anh nghiêm nghị nhắc: “Ba nói chỉ vừa đủ nghe thôi, khỏi phiền lòng hàng xóm”. Đã thế, cháu còn thòng thêm một câu nữa: “Khi uống rượu ba phải ngồi ngay ngắn, không được ngả ngớn, xàng xê quá gần các cô, các dì. Ba làm như thế là mất hình tượng. Ba nhớ chưa?”. Anh cười khì khì: “Ba nhớ”. “Thế ba nhắc lại xem nào? Đừng có nói tí nữa uống say rồi quên lời con dặn đấy nhé!”.  

Quả nhiên, anh chấp hành nghiêm túc, không dám “giỡn mặt” vì sợ con buồn. Sau này anh mới biết, đó là “chiêu” của vợ, khi muốn “ra tay” điều gì thì mượn lời con vừa “được việc”, vừa khiến chồng không tự ái. Những cách làm tương tự, theo tôi là ổn. 

Nghĩ cho cùng, những góp ý này chẳng qua cũng vì nửa kia quá thương, quá yêu và muốn “người của mình” đã hoàn thiện phải hoàn thiện hơn nữa. Tuy nhiên, dù cách quan tâm với thiện ý gì đi nữa thì cũng có giới hạn. Bởi nếu không, “một nửa” cụt hứng như bong bóng xì hơi vì bị hoán đổi vị trí một cách oan ức, dễ gây mất đoàn kết nội bộ!

LÊ MINH QUỐC

.
.
.