Ngày thế giới phòng chống lao 24-3: Nguy cơ tử vong do lao vẫn đáng lo ngại

Thứ Năm, 23/03/2017, 23:04 [GMT+7]
In bài này
.
Bác sĩ Nguyễn Trường Giang khám cho một bệnh nhân tại phòng khám lao, Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí.
Bác sĩ Nguyễn Trường Giang khám cho một bệnh nhân tại phòng khám lao, Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí.

Mỗi năm BR-VT phát hiện khoảng 1.500 bệnh nhân có lao, trong đó 800 người mắc lao phổi, con số tử vong hàng năm vào khoảng 60 trường hợp. Tuy nhiên, công tác tiếp nhận điều trị bệnh nhân lao, đặc biệt là lao kháng thuốc đang còn gặp nhiều khó khăn.

TÁI PHÁT KHÓ CHỮA TRỊ

Ghi nhận tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Bà Rịa, là nơi hiện tiếp nhận điều trị bệnh nhân lao điều trị nội trú, mỗi ngày có từ 16-20 lượt bệnh nhân lao đến khám và điều trị. Riêng từ tháng 12-2016 đến nay, khoa tiếp nhận điều trị cho gần 100 bệnh nhân lao, trong đó có những bệnh nhân bị tái phát nhiều lần. Đơn cử như trường hợp bà N.T.T, 58 tuổi, ngụ tại  phường Phước Nguyên, TP.Bà Rịa phát hiện mình bị lao lần đầu tiên cách đây 21 năm và đây là lần thứ tư bà tái phát bệnh. Bà cho biết, lần thứ ba tái phát lao bà bị mắc lao kháng thuốc phải lên TP.Hồ Chí Minh điều trị mất hơn 18 tháng. Cách đây 1 tuần, bà cảm thấy rất mệt, bị ho ra máu và họng thì đau buốt, đến khám thì bác sĩ chẩn đoán mắc lao và cho nhập viện ở đây. Hiện tại bà đang chờ kết quả xét nghiệm chẩn đoán lao kháng thuốc.

Tương tự, trường hợp của anh Đ.V.Q, 55 tuổi, xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) cũng đã từng mắc lao cách đây 15 năm, hiện giờ anh lại bị mắc lao lần nữa. Lần tái phát này, sức khỏe của anh rất yếu, cứ nằm xuống là cảm thấy khó thở, nên buổi tối thường mất ngủ, ăn uống khó khăn.

Bác sĩ Phạm Trung Thảo, Trưởng khoa Nhiễm cho biết, bệnh nhân tái phát lao có rất nhiều nguyên nhân, thường gặp là: bệnh nhân không tuân thủ điều trị, mắc các bệnh làm giảm sức đề kháng của cơ thể như: nhiễm HIV, tiểu đường, bị bệnh phải dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài… Bên cạnh đó, thời gian điều trị lao kéo dài 6-8 tháng, kết hợp nhiều loại thuốc, vì thế nhiều người không kiên trì, tự ý ngưng dùng thuốc dẫn đến vi khuẩn nhờn thuốc. Bệnh nguy hiểm ở chỗ vi khuẩn không chỉ kháng một mà nhiều loại thuốc chống lao, khiến nguy cơ tử vong cao.

KHÓ KHĂN

Bác sĩ Nguyễn Trường Giang, Trưởng Khoa khám bệnh – Hồi sức tích cực, Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí cho biết, trong những năm qua, công tác phòng chống lao tại BR-VT được chính quyền, các cấp ngành quan tâm, đầu tư và đạt mục tiêu đề ra: phát hiện hơn 80% bệnh nhân lao mới (cả nước là hơn 70%), điều trị khỏi cho hơn 90% bệnh nhân lao. Tuy nhiên, dịch tễ lao trên địa bàn tỉnh giảm chậm, mỗi năm phát hiện 1.500 bệnh nhân có lao, trong đó khoảng 800 người mắc lao phổi và con số tử vong do lao hàng năm vẫn chiếm tỷ lệ cao 4%, khoảng 60 bệnh nhân. Chính vì vậy, bệnh lao vẫn đang là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Hiện nay, lo ngại nhất là tình trạng lao kháng đa thuốc (MDR). Theo bác sĩ Giang, bệnh lao kháng thuốc là trường hợp vi khuẩn lao kháng với thuốc điều trị lao thông thường trong đó kháng với 2 thuốc có tác dụng diệt vi khuẩn lao là Rifampicin và Isozinamide. Tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu được đánh giá là có tỉ lệ lao kháng thuốc cao trong khu vực. Từ quý IV/2013 đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện hơn 90 trường hợp bệnh nhân mắc lao kháng thuốc, trong đó 6 trường hợp đã tử vong.

Theo kế hoạch, bệnh viện sẽ có khu giường bệnh điều trị nội trú cho bệnh nhân lao thể nặng, đặc biệt là tiếp nhận điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc. Song do điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp, chưa được nâng cấp, sửa chữa nên bệnh viện vẫn chưa triển khai được việc thu dung, điều trị nội trú cho bệnh nhân lao. Bên cạnh đó, nhân lực có chuyên môn về điều trị bệnh lao đang còn thiếu thốn. Hiện bệnh viện mới chỉ có 5 bác sĩ điều trị các bệnh về lao-phổi, còn thiếu khoảng 12 bác sĩ mới đủ đáp ứng nhu cầu.

Trước những khó khăn nói trên, để thực hiện mục tiêu của chương trình chiến lược quốc gia phòng chống lao đến năm 2030 “Bệnh lao không còn là mối nguy cơ cho cộng đồng” rất cần sự quan tâm đầu tư tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, nhân lực cho công tác phòng chống lao nói chung và Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí nói riêng. 

MINH THIÊN

;
.