Trong một cuộc họp, một số người ngồi phía dưới nói chuyện riêng, ăn quà vặt rôm rả, đến khi biểu quyết ý kiến bằng hình thức giơ tay, chẳng biết đầu cua tai nheo gì, bèn xúi nhau: “Thấy nhiều người biểu quyết thì mình giơ tay, ít người biểu quyết thì... thôi!”. Lần khác, trong buổi thực tập có giảng viên nước ngoài, giảng viên mời một người lên bày tỏ ý kiến của mình nhưng không thấy ai xung phong. Cuối cùng, vị giảng viên đành dùng hình thức chỉ định người lên phát biểu và khi người này đang nói thì những người ở dưới xúm vào bình luận đủ thứ, thậm chí chê bai không tiếc lời... Những chuyện này không xa lạ với nhiều người, có thể nói từ thời đi học đã thấy vậy, “riết rồi quen”.
Nhưng có bao giờ bạn hỏi vì sao chúng ta không có thói quen bày tỏ chính kiến, chúng ta không dám bộc lộ cảm xúc cá nhân? Hãy thử nhìn về quá trình giáo dục từ trước đến nay, sự thụ động của học sinh có phần nhiều là từ chính tại nhà trường. Bản thân tôi hồi nhỏ cũng từng nếm trải kinh nghiệm về chuyện hăng hái phát biểu chính kiến trong giờ học Văn và sau đó đã phải khốn khổ trong suốt năm học vì phát biểu của mình khiến cô giáo không hài lòng. Ngay các bậc phụ huynh khi phải bày tỏ quan điểm của mình trước nhà trường và giáo viên cũng rất “cảnh giác” vì sợ con em mình bị “trù dập”! Rồi cách dạy thuộc lòng những bài văn mẫu, cho đến những bài luận văn, báo cáo giống hệt nhau từ mở đầu đến kết luận đã cho thấy sự sáng tạo bị triệt tiêu từ một lối giáo dục cũ kỹ: thiếu kỹ năng phản biện và trân trọng những khác biệt.
Nhìn ở mặt tích cực, “hiệu ứng đám đông” cũng đem lại nhiều lợi ích. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn, Đội, nhiều thế hệ thanh thiếu niên đã đóng góp sức lực và nhiệt huyết cho các phong trào tập thể, kết nối cộng đồng, chung tay góp sức xây dựng Tổ quốc, quê hương, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi... Nhưng cũng có lúc “hiệu ứng đám đông” đã bị lợi dụng. Các loại “tín dụng đen” ngang nhiên chào mời, các công ty lừa đảo bằng hình thức kinh doanh đa cấp tung hoành... và mới đây là vụ Ban giám đốc Công ty bán hàng đa cấp Liên Kết Việt bị khởi tố vì hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 45 ngàn “nạn nhân”! Tất nhiên, ngoài các lý do đánh vào lòng tham của mỗi người, sự hiểu biết luật pháp còn hạn chế, còn một lý do mà những công ty này triệt để khai thác là tâm lý: “Cả làng mua thì tôi cũng mua, cả làng tin thì tôi cũng tin”. “Tôi” chỉ là một cá nhân nhỏ bé và tôi không có một lập trường, chính kiến riêng nào cả!
Chuyện “ăn theo, nói leo” có lẽ thể hiện rõ ràng nhất là trên mạng xã hội. Có rất nhiều “quần chúng ảo” luôn lăm lăm chuột để sẵn sàng ngóng chờ một “anh hùng bàn phím” đưa ra một status (trạng thái) mới nào đó, rất nhiều trong số ấy chưa hiểu “đầu cua tai nheo” ra sao đã ồ ạt lao vào “đánh hội đồng” với những lời lẽ thô thiển. Phải chăng, họ đang xả cơn ức chế ngoài đời thực lên mạng ảo? Nơi mà họ phải sống bằng vỏ bọc lịch sự, tao nhã, mẫn cán?
Một người hiểu biết trong một xã hội văn minh cần trang bị cho mình kỹ năng ứng xử trước đám đông để không bị tụt hậu trước sự biến đổi không ngừng của thời đại nhưng mặt khác cũng không để mình bị lợi dụng bởi các ý đồ không lành mạnh.
VŨ THANH HOA