Bạn trẻ mê Bartender

Chủ Nhật, 19/01/2014, 02:59 [GMT+7]
In bài này
.

Bartender (người pha chế thức uống) đang trở thành một nghề “hot”, thu hút đông đảo các bạn trẻ theo học và lựa chọn làm con đường lập nghiệp sau này.

Thầy Nguyễn Huy Phú (bìa phải) hướng dẫn sinh viên công thức pha một loại  đồ uống.
Thầy Nguyễn Huy Phú (bìa phải) hướng dẫn sinh viên công thức pha một loại đồ uống.

Bartender là những người pha chế đồ uống (chủ yếu là cocktail) ở nhà hàng, khách sạn và quán bar. Trong khi làm việc, những nguyên vật liệu không thể thiếu của một Bartender là rượu, hoa quả, chai, bình shaker (bình lắc rượu) và ly. Kỹ năng đầu tiên đòi hỏi ở Bartender là pha chế; tức là phải định lượng nguyên liệu sao cho ly cocktail có hương vị cân bằng; trình bày sản phẩm bảo đảm tươi ngon, hấp dẫn; thuộc lòng tên gọi, cách phân biệt các loại rượu, các kiểu ly thích hợp cho từng thức uống khác nhau cũng như công thức pha chế từ đơn giản đến phức tạp các loại cocktail, mocktail, trà… Tiếp đến là kỹ năng biểu diễn (tung hứng dụng cụ pha chế, chai rượu…).

Là một nghề thuộc lĩnh vực nhà hàng, khách sạn nên Bartender là môn học không thể thiếu trong các trường nghiệp vụ du lịch. Thầy Nguyễn Huy Phú, Phó hiệu trưởng kiêm giảng viên nghề Nhà hàng - Bar trường Cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu cho biết, nhằm giúp sinh viên có kiến thức cơ bản về Bartender, trong chương trình Quản trị Nhà hàng ở hệ trung cấp và cao đẳng, trường có giảng dạy môn kiến thức đồ uống và kỹ thuật phục vụ Bar. Những sinh viên muốn tìm hiểu sâu hơn về Bartender có thể học thêm vào buổi tối ở khóa đào tạo chuyên về kỹ thuật pha chế đồ uống; mỗi khóa học như vậy (khoảng 2 tháng) có thể giúp học viên thành thạo khoảng 60 công thức pha chế. “Khoảng 4 năm trở lại đây, nghề Bartender phát triển mạnh khi có rất nhiều học viên đăng ký theo học môn này”, thầy Phú nhận xét.

Anh Huỳnh Thanh Tâm, cựu sinh viên khoa Kỹ thuật viên nhà hàng của trường Cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu, hiện đang là trưởng quầy bar của Khách sạn Palace, Vũng Tàu cho biết, làm nghề này cũng giống như “làm dâu trăm họ”, bởi nhiều khi không thể cứ pha đồ uống theo đúng công thức mà phải tùy theo khẩu vị, đối tượng và tâm trạng khách mà mình phục vụ. “Mỗi vị khách đều có “gu” riêng của họ: người thích hương vị trái cây, người lại thích vị nồng của rượu nhiều hơn… Nhiều trường hợp thấy khách có tâm trạng buồn, chúng tôi thường trò chuyện, nghe tâm sự rồi có thể tư vấn giúp họ lựa chọn đồ uống phù hợp. Cũng có khi gặp những vị khách khó tính, pha mãi vẫn không làm khách hài lòng…”, anh Tâm chia sẻ.

Tình cờ một lần được chứng kiến phần biểu diễn của chị Huất Thái Phương Thảo, vừa tốt nghiệp khoa Quản trị nhà hàng (trường Cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu), từng đoạt giải nhì phần thi kỹ năng dịch vụ Du lịch (pha chế đồ uống) trong Hội thi “Tài năng Trẻ HSSV các trường Văn hóa Nghệ thuật, Thể dục Thể thao & Du lịch toàn quốc” lần thứ I năm 2012 tại Đà Nẵng, chúng tôi không khỏi thán phục. Trên đôi bàn tay nhỏ xinh, 2 chai rượu cùng bình shaker được chị Thảo lần lượt tung lên cao rồi nhẹ nhàng vòng tay ra sau bắt lấy và khéo léo xoay chuyển trên cổ tay. Cứ thế, các động tác được thực hiện liên tục trong nhiều phút trước ánh mắt ngỡ ngàng của mọi người. “Tung hứng giúp trộn đều được các nguyên liệu, làm đồ uống lạnh nhanh, có vị ngon hơn. Đặc biệt, những pha biểu diễn vậy thu hút được sự chú ý và khách hàng sẽ càng có hứng thú thưởng thức đồ uống mà mình làm ra hơn”, chị Thảo bật mí. Được biết, để làm được những động tác này, chị Thảo cũng như nhiều Bartender phải mất rất nhiều thời gian. Trong quá trình tập, chuyện chai rơi vào tay, vai, đầu là điều hết sức bình thường, thậm chí nhiều bạn còn phải đổ cả máu vì bị mảnh thủy tinh vỡ cứa vào người. Nhiều Bartender đã đi làm đôi khi biểu diễn vẫn còn gặp sự cố với những chai rượu đắt tiền, khiến họ phải đền mất vài tháng lương.

Dù xuất hiện ở Việt Nam đã khá lâu, nhưng nhiều người vẫn còn hiểu sai thuật ngữ Bartender nên có cái nhìn không đúng về nghề này. Họ cho rằng môi trường làm việc của nghề Bartender đều ở những nơi có âm thanh ồn ã, bao phủ toàn khói thuốc và rượu mạnh, là nghề dễ sa ngã… Tuy nhiên thực chất, nghề này không hoàn toàn như vậy. “Ngay từ đầu, tôi đã xác định là sau khi học xong kiến thức cơ bản về Bartender, sẽ tiếp tục theo học các lớp nâng cao với hy vọng sau này được làm tại quầy bar thuộc các hệ thống nhà hàng, khách sạn. Ngoài ra, ước mơ sau này của tôi là mở một quán chuyên phục vụ các loại thức uống như: Cocktail, mocktail, soda hương vị trái cây… Ban ngày, quán sẽ phục vụ theo phong cách nhẹ nhàng; buổi tối sẽ có nhạc sôi động và đan xen vào đó là những màn biểu diễn tung hứng chai hay biểu diễn với lửa…”, chị Thảo hào hứng nói về dự định tương lai.

Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM

;
.