Vợ chồng tôi có một con trai 6 tuổi. Chúng tôi sắp ly hôn. Chúng tôi có nên cho cháu biết điều này và tôi nên làm thế nào với cháu? (Trương Thu Hiền, TP. Vũng Tàu)
Chị Thu Hiền thân mến!
Trẻ vốn rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường sống. Trẻ đang sống đầy đủ trong tình thương của cha mẹ, nên dễ bị hụt hẫng khi đột ngột thiếu đi một trong hai người. Trẻ rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ và chuẩn bị tâm lý để đón nhận cuộc sống khuyết một thành viên trong gia đình. Vì vậy, chị cần tìm cách thông báo cho con biết sự đổ vỡ hôn nhân của cha mẹ để trẻ chuẩn bị tâm lý. Ngay cả cha mẹ khi ly hôn cũng cần một thời gian chuẩn bị thì tại sao không cho con mình hiểu hoàn cảnh mà trẻ cũng là người trong cuộc. Chị có thể nhờ người thân đáng tin cậy như ông, bà, cô, chú… đóng vai trò là người thế cha, mẹ khuyên nhủ định hướng khi trẻ đang mất lòng tin vào cha, mẹ. Cha mẹ cũng nên cân nhắc đến áp lực mà trẻ phải chịu, trong đó nhiều nhất là bị bạn bè chọc ghẹo. Những lời nói vô tình không ác ý của bạn bè khiến trẻ mặc cảm, bị tổn thương sâu sắc.
Sau ly hôn, nhiều cha, mẹ thường có xu hướng sống chỉ nghĩ tới mình, thiếu sự quan tâm đến con và giáo dục con khắt khe hơn đồng thời xem con là nơi trút giận. Có người thì chu cấp cho con tiền bạc hoặc thuê người làm trông con là hết trách nhiệm. Ngược lại, nhiều người lại quá khắt khe với con, làm gì không vừa mắt là mắng chửi, đánh đập, có khi lại chì chiết khiến trẻ mặc cảm, chán nản và dễ tìm cách hủy hoại bản thân. Bên cạnh đó, vấn đề về kinh tế đè nặng cũng khiến cho cha, mẹ không kiểm soát được hành vi của mình đối với con cái. Vậy nên cha, mẹ cần giữ cho mình “cái đầu lạnh” nhất là lúc đặt bút ký vào đơn ly hôn.
Tiếp theo đó, việc tái hôn của cha hoặc mẹ cũng là một cú sốc lớn đối với trẻ. Đừng bắt trẻ phải chấp nhận đột ngột, cho con thời gian “tiêu hóa” thông tin và đón nhận thông tin.
SƠN CA