Sau khi Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đăng loạt bài “Dạy thêm, học thêm: muôn kiểu “né” luật” (ngày 2, 3 và 4-12), tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc. Đa số ý kiến bạn đọc cho rằng thay vì cấm giáo viên tiểu học dạy thêm, giữ trẻ thì nên có quy định quản lý chặt chẽ.
Nhiều bạn đọc cho rằng thay vì cấm giáo viên ở cấp tiểu học dạy thêm, trông giữ trẻ, thì nên có quy định quản lý chặt chẽ. Trong ảnh: Học sinh tiểu học lên xe taxi để về nhà cô giáo ăn, nghỉ, học trước cổng một trường tiểu học tại TP.Vũng Tàu. |
Nên có quy định giữ trẻ
Nhiều bạn đọc bày tỏ bức xúc trước tình trạng giáo viên dạy thêm thu tiền quá cao, hay giữ trẻ không bảo đảm vệ sinh an toàn, và cho rằng các cơ quan quản lý nên chấn chỉnh vấn đề này bằng quy định chặt chẽ thay vì cấm đoán. Chị Lan Anh, ở Chung cư Lô B, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.Vũng Tàu) nói: “Vợ chồng tôi đều là công chức, thu nhập mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng, dù không dư dả gì nhưng cũng phải gửi con (học lớp 1) ở nhà cô vì trường cháu không có bán trú. Mỗi tháng cô giáo thu 1,4 triệu đồng (thứ bảy, chủ nhật hàng tuần nghỉ) nhưng nghe cháu bảo mỗi ngày cô đón về nhà, cả hơn chục bạn phải đứng chung trong một chiếc taxi, bên cạnh là ngổn ngang cặp, ba lô mà xót cả ruột. Đã thế, việc sinh hoạt ở nhà cô cũng rất sơ sài: ăn uống thì toàn món rẻ tiền, đi vệ sinh không được… xả nước. Dù vậy, tôi cũng phải chấp nhận, vì nhà không có ai trông cháu.
“Theo tôi, thay vì cấm giáo viên tiểu học dạy thêm, cơ quan quản lý nên có những quy định về mức thu, yêu cầu giáo viên giữ trẻ phải bảo đảm các điều kiện về phòng ốc, vệ sinh an toàn thực phẩm, thường xuyên giám sát chặt chẽ việc tổ chức dạy thêm hay giữ trẻ tại nhà cô”, chị Lan Anh đề nghị.
Anh Lê Đình Bình, nhà ở số 133/3 đường Đồ Chiểu (TP.Vũng Tàu) cũng cho rằng: “Trong nhà trường đã có chương trình phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu, kém. Những trường dạy 2 buổi/ngày cũng đã có nội dung rèn kỹ năng và nâng cao kiến thức cho học sinh. Như vậy, phụ huynh không cần thiết phải cho con đi học thêm ở cấp tiểu học. Tuy nhiên, một số phụ huynh có nhu cầu gửi con bán trú nhưng hệ thống trường lớp lại chưa đáp ứng nên muốn gửi con học bán trú tại nhà cô. Đây là một nhu cầu chính đáng, nhưng để tránh nảy sinh tiêu cực như bài báo đã phản ánh, cần phải có sự giám sát không chỉ của các cơ quan quản lý mà còn của cả phụ huynh. Phụ huynh cần lên tiếng, phản ánh những hành vi không đúng của giáo viên. Việc giáo viên tổ chức giữ trẻ cần phải được bàn bạc thống nhất với phụ huynh và thông qua nhà trường quyết định hình thức thực hiện cũng như mức thu. Nếu cấm đoán như hiện nay, giáo viên sẽ tìm cách giấu giếm, như thế lại càng dễ nảy sinh tiêu cực, không đáng có”.
Tăng cường kiểm tra chấn chỉnh
Lãnh đạo các cơ quan quản lý cũng đã có những động thái tích cực để chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm. Sắp tới đây, Sở GD-ĐT sẽ thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn các huyện, thành phố. Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, lần kiểm tra này, Sở GD-ĐT đã có công văn gửi Công an tỉnh, UBND huyện/thành phố, các Phòng GD-ĐT cử cán bộ, công chức tham gia thanh tra trong đoàn. Thành phần của đoàn sẽ có 3 công an PA83, 7 thanh tra viên của các huyện/thành phố, 7 thanh tra của Phòng GD-ĐT, chia làm 3 đoàn thanh tra, kiểm tra các cá nhân, cơ sở tổ chức dạy thêm, học thêm. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, là giáo viên thì sẽ bị cắt danh hiệu thi đua năm học, đồng thời, nhà trường và hiệu trưởng của trường đó cũng không được xem xét thi đua. Bên cạnh đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 138/2013/NĐ-CP, ngày 22-10-2013 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, đối với hành vi vi phạm quy định dạy thêm, học thêm, mức phạt cao nhất là 12 triệu đồng nếu dạy thêm khi chưa được cấp phép. Đồng thời đình chỉ hoạt động dạy thêm từ 12 - 24 tháng. Nghị định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10-12-2013.
Các huyện/thành phố cũng đã ra văn bản chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm, đồng thời tiếp tục tiến hành kiểm tra cấp phép cho các cá nhân, cơ sở tổ chức dạy thêm, học thêm đủ điều kiện. Các cơ sở bồi dưỡng văn hóa đã được kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động, xử lý vi phạm các trường hợp “mạo danh” trung tâm bồi dưỡng văn hóa để dạy thêm. Về phía các nhà trường, ông Nguyễn Xuân Lộc, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hạ Long cho biết, trường đã thành lập ban thanh tra, yêu cầu giáo viên viết cam kết không vi phạm dạy thêm, học thêm.
Bài, ảnh: NGUYỄN THI
Ý kiến phản hồi của phụ huynh Con tôi đã học ngày 2 buổi, có bán trú tại trường nhưng cô giáo chủ nhiệm vẫn thông báo cho học sinh đăng ký học thêm vào thứ bảy, chủ nhật tại nhà cô. Chẳng biết ngẫu nhiên hay không mà khi tôi không cho con đi học thêm tại nhà cô thì việc học của con tôi trở nên rất nặng nề. Tôi được biết học sinh học 2 buổi/ngày thì giáo viên không ra bài tập về nhà nhưng mới học lớp 1 mà tối nào con tôi cũng phải hì hục cả buổi tối để làm khá nhiều bài tập cô cho về nhà. Các bài kiểm tra Toán của con tôi dù đúng hết cũng không được 10 điểm, vì cô giáo bảo chữ xấu… Có lần cô cho bài tập về nhà tìm 5 từ có vần “ooc”, tôi đã lên mạng tìm cả buổi nhưng vẫn chỉ tìm được 3 từ, kết quả là con tôi bị điểm 1. Tôi thấy rất vô lý, không lẽ chỉ vì con tôi không đi học thêm mà cô lại đối xử như vậy. (Anh Nguyễn Cảnh, phụ huynh học sinh một trường Tiểu học ở TP. Vũng Tàu) Theo như loạt bài phóng sự phản ánh thì Đoàn thanh tra dạy thêm, học thêm chỉ làm nhiệm vụ khi có đơn phản ánh của phụ huynh. Vậy nếu không có đơn tố cáo, phản ánh thì không thanh, tra kiểm tra? Tôi thấy lúc đoàn kiểm tra làm gắt gao thì giáo viên không dám dạy, đều cho học sinh nghỉ học thêm. Nhưng hiện giờ tôi và nhiều phụ huynh khác cũng vừa được cô giáo gợi ý tiếp tục cho con đi học thêm trở lại. Theo tôi, đã thanh tra, kiểm tra cần phải làm chặt chẽ và giải quyết dứt điểm, cần phối hợp với chính quyền các phường xã, vừa thanh tra vừa kiểm tra việc tổ chức dạy thêm của giáo viên, tránh tình trạng tái diễn. (Quốc Huy, ở địa chỉ email quochuy@gmail.com) Hiện nay, tình trạng dạy thêm, học thêm đã có chuyển biến theo hướng tích cực. Một số trường, giáo viên đã ngừng việc dạy thêm. Tuy nhiên để giải quyết dứt điểm tình trạng này, cần phải có sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, trong đó ngành GD-ĐT phải kiên quyết xử lý nghiêm những nhà trường, giáo viên dạy thêm. Thực chất, việc dạy thêm không xấu nếu vì mục đích kèm cặp, giúp đỡ học sinh yếu, kém hiểu bài, nắm vững kiến thức, nâng học lực. Cha mẹ cũng đừng vì thành tích, muốn con trở nên tài giỏi vượt quá khả năng của mình mà ép con đi học thêm; thay vào đó nên dành nhiều thời gian quan tâm, kèm cặp con học bài, làm bài. (Ông Lê Như Thỉnh, khu phố 1, phường 11, TP. Vũng Tàu) |